Thứ vị với dịch vụ tắm cho người già ở Trung Quốc

Đăng lúc: 7:29 am, Ngày 20/12/2023

Mỗi 20 ngày, các nhân viên sẽ mang bồn tắm di động, dụng cụ tỉa tóc, cắt móng đến tắm cho bà Chen Juqing, 90 tuổi, ở Thượng Hải.

14 năm trước, bà Chen bị đột quỵ để lại biến chứng liệt toàn thân. Việc tắm rửa cho cụ bà trở nên khó khăn. Zhu, 68 tuổi, con gái bà Chen chỉ có thể vệ sinh cho mẹ trên giường bằng khăn nhúng nước. Gia đình họ cũng không có bồn tắm, thi thoảng, bà Chen được con đưa đến khách sạn để tắm rửa.
 
"Việc di chuyển bà bị liệt khá phức tạp, phải nhờ thêm chị gái tôi giúp sức", Zhu nói.
 
Cô được trung tâm cộng đồng giới thiệu đến dịch vụ tắm cho người già ở Thượng Hải. Họ cử đến các nhân viên chăm sóc, vệ sinh cá nhân cho mẹ cô và kiểm tra sức khỏe định kỳ. Zhu nói mẹ cô xem việc tắm rửa là niềm vui lớn. Cụ bà gặp khó khăn giao tiếp chỉ có 
Xu Ying (trái) cùng đồng nghiệp mang dụng cụ đến nhà khách hàng ở trung tâm TP Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: SixthTone
 
Dịch vụ tắm cho người già nở rộ trong trong bối cảnh dân số già hóa của Trung Quốc. Theo báo cáo Ủy ban cao niên Trung Quốc, năm 2022 quốc gia này hơn có 280 triệu người ở độ tuổi 60 trở lên, trong đó 44 triệu người già bị khuyết tật cơ thể. Có khoảng 40% người trên 80 tuổi gặp khuyết tật vận động.
 
Trong số những khó khăn mà họ đối mặt, việc tắm rửa được cho là khó khăn hàng đầu, cùng với việc mặc quần áo và sử dụng toilet. Báo cáo trên cũng lưu ý các tai nạn trong phòng tắm như té ngã là một trong những rủi ro lớn nhất đối với người già.
 
Nhu cầu chăm sóc người cao tuổi đặc biệt cấp thiết ở Thượng Hải, thành phố già hóa nhanh nhất Trung Quốc. Số người từ 60 tuổi trở lên là 5,5 triệu người tính đến năm 2022, chiếm 37% tổng dân số thành phố.
 
Theo nền tảng mua sắm và đặt chỗ Meituan, tính đến tháng 9/2023, nhu cầu dịch vụ tắm cho người già đã tăng 442% so với năm ngoái. Đồng thời, số đơn vị cung cấp dịch vụ này tăng 936%.
 
Xu Ying, nhân viên dịch vụ tắm cho người già, cho biết quá trình này thường mất 90 phút. Họ sẽ dành 30 phút đầu để kiểm tra sức khỏe huyết áp, nồng độ oxy trong máu và nhiệt độ cơ thể của người già để đảm bảo không có rủi ro khi tắm. Xu Ying đã phải hủy buổi tắm tuần trước bởi huyết áp của bà Chen vượt quá mức khuyến nghị là 140-160.
Xu Ying (phải) chăm sóc người già ở Thượng Hải, tháng 11/2023. Ảnh: SixthTone
 
Cô và các đồng nghiệp cùng chuẩn bị bồn tắm, đảm bảo nhiệt độ nước ổn định. Bồn tắm được trang bị nhiều dây đai đàn hồi và bộ đệm khác nhau để bảo vệ người ngồi. Họ xoa bóp và gội đầu cho bà Chen và múc nước xối lên người bà để giữ ấm. Quá trình tắm chỉ diễn ra từ 15 đến 20 phút, sau đó, người già sẽ được sấy tóc, thay quần áo và đẩy về giường.
 
Dịch vụ này cũng đòi hỏi sự khéo léo, bởi các nhân viên chăm sóc dễ rơi vào tình huống nhạy cảm.
 
Wei Xiaojun, 32 tuổi, người điều hành công ty dịch vụ chăm sóc người già ở Thượng Hải, cho biết có khách hàng sống ở căn hộ sang trọng nhưng trong tình trạng khó xử lý.
 
"Móng tay và tóc đều dài và nhiều ngày không thay quần áo", Wei kể. "Con cháu đề nghị tắm và thay đồ lót giúp nhưng bà từ chối, bà thấy xấu hổ nếu phải nhờ người khác". Trước tình huống này, các nhân viên của Wei phải ngồi xuống trò chuyện với khách hàng, thể hiện sự đồng cảm với họ.
 
Đồng thời, nhóm chăm sóc buộc phải có nam và nữ để tắm cho các khách hàng thuộc giới tính khác nhau. "Trong suốt quá trình tắm, cơ thể khách hàng được phủ khăn kín đáo để họ không cảm thấy xấu hổ", cô kể.
 
Buổi tắm cho người già có giá từ 28 USD đến 70 USD, tùy theo các dịch vụ đi kèm.
 
Tuy nhiên, các đơn vị cung cấp thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu người. Nhân viên chăm sóc người cao tuổi chuyên nghiệp buộc phải có kiến thức y tế và xử lý được những vấn đề phát sinh.
Nhân viên chăm sóc cắt móng chân cho người già ở Thượng Hải, tháng 11/2023. Ảnh: Sixthtone
 
Năm 2017, Đại học Thượng Hải đã mở thêm ngành chăm sóc sức khỏe cho người cao niên. "Số lượng người đăng ký học tăng, họ đến từ mọi độ tuổi và tầng lớp xã hội", Liu Shuhan, trưởng khoa chăm sóc sức khỏe, nói. Một số người trong số đó có động lực từ việc muốn chăm sóc người thân của mình.
 
Wei Xiaojun là một ví dụ. Cô từng tốt nghiệp thạc sĩ Đại học Nam Kinh, là nhà thiết kế và rẽ hướng sang ngành chăm sóc sức khỏe sau thời gian nghỉ thai sản. Theo Wei, nhân viên chăm sóc sức khỏe phải chịu sự kỳ thị xã hội bởi bị nhiều người cho là "có địa vị thấp".
 
Wei thay đổi bởi cảm nhận thị trường này tiềm năng, cô tự hào khi là người trẻ tham gia vào ngành dịch vụ mà hầu hết người lao động đều ở độ tuổi 40-50.
 
"Tôi cảm thấy hạnh phúc sau khi chăm sóc họ", Wei nói. "Gia đình tôi cũng có người già và tôi hiểu công việc này đáng giá thế nào".
 
Theo VnExpress

Đọc thêm các bài khác