Không chỉ có phim điện ảnh chiếu rạp, mà cả phim truyền hình, phim trên internet cũng sẽ được phân loại, dán nhãn theo 5 cấp độ.
Đây là những thông tin trong dự thảo Thông tư quy định về phân loại phim theo độ tuổi mà Bộ VH-TT-DL vừa đưa ra.
Cấp độ cao nhất: C20
Thay cho 2 cấp độ phân loại như hiện nay là phim dành cho tất cả đối tượng khán giả và phim dành cho đối tượng khán giả trên 16 tuổi, theo dự thảo, quy định phân loại phim sẽ được chia thành 5 cấp độ: P: phim được phổ biến rộng rãi cho mọi đối tượng; C13: phim cấm trẻ em dưới 13 tuổi; C16: phim cấm trẻ em dưới 16 tuổi; C18: phim cấm người xem dưới 18 tuổi; C20: phim cấm người xem dưới 20 tuổi.
Bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái, một hội đồng nghiên cứu, xây dựng hệ thống phân loại phim theo độ tuổi đã được thành lập, trong đó có đại diện của Cục Điện ảnh, Đài truyền hình VN, các cơ quan quản lý văn hóa, xã hội. “Chúng tôi tham khảo hệ thống phân loại phim của nhiều quốc gia trên thế giới, để đưa ra hệ thống phân loại phù hợp về thể chất, tâm sinh lý, văn hóa, giáo dục… với người VN”, một vị lãnh đạo của ngành điện ảnh trực tiếp tham gia xây dựng dự thảo cho biết. Theo đó, tiêu chí phân loại phim theo độ tuổi được quy định dựa theo chủ đề phim, mức độ các yếu tố bạo lực, hình ảnh khỏa thân, tình dục, sử dụng ma túy, các chất kích thích, hình ảnh, âm thanh kinh dị, ngôn ngữ thô tục xuất hiện trong phim.
Theo quy định của dự thảo, Cục Điện ảnh - cơ quan cấp giấy phép phổ biến, phát hành phim sản xuất và nhập khẩu của các cơ sở điện ảnh nhà nước và tư nhân trên cả nước sẽ là đơn vị dán nhãn, phân loại phim. Trong khi đó, các đài truyền hình sẽ tự dán nhãn, phân loại các bộ phim sản xuất hoặc nhập khẩu. Hội đồng thẩm định phim thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư sẽ thẩm định, phân loại và cấp phép phổ biến phim trên internet và các phương tiện truyền thông khác đối với những đơn vị sản xuất, phát hành, phổ biến phim do địa phương quản lý.
Hình ảnh trong phim Sex and the City gắn mác 18+ bị tạm dừng chiếu trên sóng VTV - Ảnh: IMDB
Đã đến lúc bỏ kiểm duyệt phim?
Các nhà làm phim trong nước luôn chờ đợi hệ thống phân loại phim theo độ tuổi, việc mà nhiều quốc gia có nền điện ảnh phát triển đã áp dụng từ lâu. “Đây là một tin rất vui. Thực ra việc phân loại trước đây chỉ có mốc 16+ đã tạo ra khoảng dao động quá lớn giữa các cấp độ phân loại của phim. Có phim khán giả hoàn toàn có thể tiếp cận được ở lứa tuổi phù hợp, nhưng chúng ta chỉ có bậc 16+ không có bậc khác nhỏ hơn. Cứ phim nào cũng chỉ áp vào 2 bậc như vậy không chỉ gây nhận thức mù mờ, mà còn là sự thiệt thòi cho các nhà làm phim và cho chính khán giả”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nói.
Bộ phim Đập cánh giữa không trung đã từng phải chỉnh sửa, cắt bỏ một vài chi tiết bị cho là nhạy cảm. “Hội đồng duyệt có thể gây áp lực yêu cầu nhà làm phim cắt bỏ hay sửa chữa. Nhưng với việc phân loại rõ ràng, họ có thể yên tâm hơn phim của mình có thể được phân loại phù hợp”, Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ.
Đạo diễn Phan Đăng Di nhìn nhận, ở những nước có nền điện ảnh phát triển, phim không phải chịu bất cứ hệ thống kiểm duyệt nào, mà chỉ cần gắn mác phân loại phim theo độ tuổi.
Đạo diễn Hà Sơn cũng nói: “Đã đến lúc cần tiến tới việc phá bỏ kiểm duyệt phim. Đây là việc mà điện ảnh Hàn Quốc đã làm để khuyến khích sáng tạo từ cách đây hàng chục năm”.
Dán nhãn để cảnh báo
Năm ngoái, bộ phim tự gắn mác 18+ Căn hộ số 69 được tung lên mạng, nhưng sau đó bị yêu cầu gỡ bỏ do vi phạm quy trình cấp phép, phổ biến phim. Bộ phim Sex and the City (Chuyện ấy là chuyện nhỏ) cũng được dán nhãn 18+ phát sóng trên khung giờ muộn trên VTV, nhưng đã bị tạm dừng chỉ sau 2 tuần phát sóng. Câu hỏi đặt ra là những bộ phim được dán nhãn như thế nào sẽ được cấp phép phổ biến tại rạp chiếu, tại địa điểm công cộng, trên truyền hình hay trên mạng internet? Tuy nhiên, dự thảo vẫn chưa có quy định cụ thể về việc này.
Việc kiểm soát dán nhãn phim chiếu tại rạp hay trên truyền hình là có thể, trong khi trên mạng internet xem ra là nhiệm vụ khó khả thi. Một vị lãnh đạo của cơ quan quản lý điện ảnh nói: “Kiểm soát phim trên internet là việc rất khó. Dán nhãn nhằm mục đích cảnh báo, hướng dẫn khán giả, còn cơ quan quản lý không thể nào kiểm soát hết được, mà trách nhiệm còn thuộc về người xem nữa. Chúng tôi đã cảnh báo mà anh vẫn cố tình xem thì đó là lỗi của anh”.
Theo Ngọc An/Thanh niên