Chuyện “Brokeback Mountain” để “Crash” vượt mặt và trở thành “Phim truyện xuất sắc” tại Oscar 2006 là một trong những thất bại gây sốc nhất của lịch sử giải thưởng điện ảnh này.
Với nội dung xoay quanh mối quan hệ tình cảm đầy phức tạp giữa hai chàng cao bồi, Brokeback Mountain thường được coi là bộ phim lấy chủ đề đồng tính nổi tiếng nhất trong lịch sử điện ảnh sau khi ra mắt vào cuối năm 2005. Khi ấy, đạo diễn Lý An đã có những dấu ấn riêng trong sự nghiệp khi ông thường tự thử thách bản thân, từ dòng phim chính kịch với Sense and Sensibility, võ thuật với Ngọa hổ tàng long, cho tới siêu anh hùng với The Hulk. Nhưng việc ông tìm đến chủ đề cao bồi đồng tính vẫn là một quyết định khiến nhiều người ngạc nhiên. Sau khi bộ phim ra mắt, khán giả cảm thấy kinh ngạc và nhiều cuộc tranh luận về đạo đức cứ thế nổ ra.
Bộ phim Brokeback Mountain dù gặt hái nhiều giải thưởng điện ảnh tiền Oscar 2006 nhưng vẫn gây ra không ít tranh cãi cho cả giới trong nghề.
Trong cuộc chạy đua tới các giải thưởng điện ảnh, Brokeback Mountain phải cạnh tranh với nhiều đối thủ có nội dung chính thống và dễ thu hút đông đảo khán giả đại chúng hơn. Ngay trong giới phê bình và những người trong nghề cũng xảy ra luồng ý kiến trái ngược. Có nhiều nhà phê bình đánh giá rất cao Brokeback Mountain; nhưng cũng có không ít người đưa ra ý kiến đối lập. Chẳng hạn như hai diễn viên kiêm thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh (AMPAS) là Tony Curtis và Ernest Borgnine từng có những phát biểu công khai chỉ trích bộ phim.
Cuối cùng, trong buổi tối ngày 5/3/2006, 39 triệu khán giả truyền hình chứng kiến một cú sốc khi giải thưởng Phim truyện xuất sắc được dành cho tác phẩm kinh phí thấp Crash. Đây là một bộ phim từng gây ra dư luận trái chiều, thậm chí còn bị cho là không xứng đáng lọt vào danh sách năm phim tranh giải cuối cùng, bên cạnh những Brokeback Mountain, Capote, Good Night and Good Luck và Munich. Các fan của bộ phim do Lý An thực hiện sau đó mỉa mia rằng lễ trao giải thưởng Oscar lần thứ 78 chẳng khác gì một ngôi trường trung học, nơi AMPAS “bắt nạt” những học sinh đồng tính chỉ vì họ dám khác biệt.
Ra mắt lần đầu tiên tại LHP Quốc tế Toronto năm 2004, nhưng phải tới tháng 5/2005 thì Crash mới chính thức ra rạp nên phim không thể dự tranh Oscar lần thứ 77. Nhưng ban đầu thì cũng chẳng mấy ai nghĩ rằng Crash có thể tranh tài trong năm 2006 bởi phim nhận phải đủ dạng dư luận. Hầu hết các phim giành giải cao nhất của Oscar đều có điểm số trên 90% tại chuyên trang Rotten Tomatoes, còn số điểm của Crash khi ấy chỉ vỏn vẹn 76%. Tới ba trong số tám trang phê bình điện ảnh uy tín nhất dành cho Crash thái độ tiêu cực.
Crash không được giới truyền thông ưu ái bằng Brokeback Mountain trước đêm trao giải nhưng rốt cuộc lại được AMPAS trao cho danh hiệu Phim truyện xuất sắc năm đó.
Dù có doanh thu cao gấp mười lần kinh phí sản xuất nhưng các tạp chí danh tiếng như Premiere hay Entertainment Weekly đều xếp Crash cách xa Brokeback Mountain tới “cả cây số”. Trong khi đó, tình hình không thể khả quan hơn đối với Lý An, khi bộ phim của ông gặt hái vô số lời khen ngợi sau khi được phát hành rộng rãi trong tháng 12/2005 - một thời điểm lý tưởng đối với các phim tranh giải. Từ tháng 1 tới 2/2006, Brokeback Mountain gặt hái số lượng giải thưởng nhiều hơn hai bộ phim kinh điển là Schindler’s List và Forrest Gump cộng lại. Phim lên ngôi tại giải thưởng Quả cầu vàng của Hiệp hội Báo chí nước ngoài tại Hollywood, trong khi Crash thậm chí còn chẳng có đề cử nào!
Chuyện một phim dự tranh Oscar gửi 10.000 bản phim tới các tổ chức phê bình là điều khá bình thường, cho dù đây là phương án mạo hiểm, đắt đỏ và rất dễ để lọt bản phim lên mạng Internet trong khi tác phẩm vẫn còn đang trình chiếu ngoài rạp. Song, ở thời điểm đầu năm 2006, Crash thậm chí đã phát hành cả định dạng DVD. Chủ tịch Tom Ortenberg của Lionsgate, đơn vị đứng sau bộ phim, tung ra một chiêu không ai ngờ đến. Ông quyết định chi 4 triệu USD để gửi 130.000 bản phim Crash tới các nhà phê bình, hy vọng họ đánh giá lại bộ phim và giúp nó trở lại đường đua Oscar.
Chiến lược này khiến Hollywood xôn xao, nhưng Brokeback Mountain vẫn được coi là ứng cử viên số một tại thời điểm một tháng trước lễ trao giải. Phim thâu tóm hầu hết các giải thưởng lớn tiền Oscar, chỉ trừ giải thưởng của Hiệp hội Diễn viên (SAG) là được dành cho Crash. Chiến thắng này của Crash cũng không khiến nhiều người cho rằng “bóng ma thất bại” của Saving Private Ryan trước Shakespeare in Love hồi 1999 sẽ tìm đến Brokeback Mountain.
Bản thân đạo diễn của Crash là Paul Haggis sau này cũng thừa nhận rằng Brokeback Mountain xứng đáng thắng hơn.
Tỷ suất 39 triệu người theo dõi Oscar 2006 qua sóng truyền hình nằm trong top 3 thấp nhất của lịch sử lễ trao giải thưởng này, có lẽ bởi kết quả các giải thưởng lớn đều đã khá chắc chắn. Khi Lý An bước lên bục phát biểu nhận giải Đạo diễn xuất sắc, toàn bộ người xem và khán phòng đều cảm thấy vinh quang đang đến rất gần với Brokeback Mountain rồi. Nhưng Crash lại thay đổi tất cả khi được nhận giải Phim truyện xuất sắc nhất, khiến giới truyền thông lập tức dậy sóng.
Ngoài hai bộ phim trên, hạng mục Phim truyện xuất sắc của Oscar 2006 còn có sự tranh tài của Munich, Capote và Good Night and Good Luck. Đây đều là những tác phẩm mang tính nghệ thuật có sức tác động cao và đó là lý do khiến cho chiến thắng của Crash càng phải đón nhận luồng chỉ trích dữ dội. Tuy nhiên, đôi khi thất bại mới lại là chiến thắng, và sự kiện gây sốc trong tối chủ nhật hôm ấy chứng minh rằng Brokeback Mountain là một tác phẩm mạnh mẽ, phá bỏ những điều cấm kỵ mà không phải ai cũng dám đón nhận.
Trong bài của Kenneth Turan cho tờ The Los Angeles Times có viết: “Trong không gian riêng tư của khán phòng bình chọn, con người được tự do thể hiện nỗi sợ hãi khó nói và định kiến vô thức mà họ sẽ không bao giờ nói ra cho ai hay thậm chí tự thừa nhận. Và sự tự do đó đã nhấn chìm Brokeback Mountain. Nếu như năm 2005 không có bộ phim nào dễ chấp nhận hơn thì họ mới bình chọn cho nó.”
Sau khi cú sốc qua đi, Brokeback Mountain lại tiếp tục được đem ra mổ xẻ, với chủ đề chính là chuyện vì cớ gì mà nó không thể lên ngôi. Một số người ra sức bảo vệ tác phẩm của Lý An như thể giải Oscar bị cướp mất khỏi tay họ. Một số khác có chiều hướng đồng tình với Kenneth Turan và cho rằng Crash là phương án an toàn dành cho Viện Hàn lâm vốn không dễ chấp nhận chủ đề đồng tính của Brokeback Mountain, giúp họ an tâm là đã trao giải cho một bộ phim quan trọng xoay quanh những định kiến về chủng tộc. Cũng phải nói thêm rằng, cách đây 10 năm, chuyện kỳ thị chủng tộc là một vấn đề nóng bỏng hơn so với kỳ thị đồng tính.
Có ý kiến lại cho rằng bối cảnh của Crash được đặt tại Los Angeles, tức quê nhà của giải thưởng Oscar, đem về lợi thế không nhỏ cho bộ phim. Chưa kể tác phẩm lên ngôi một năm trước đó là Million Dollar Baby cũng lấy bối cảnh chính ở L.A. Những cuộc tranh luận lan sang cả giả thiết các thành viên Viện Hàn lâm quá cổ hủ và không theo kịp thời cuộc. Dù thế nào thì sự thật cũng không thể thay đổi và Crash là tác phẩm chiến thắng gây sốc tiếp theo trong lịch sử Oscar sau những Shakespeare in Love và Chariots of Fire.
Brokeback Mountain thất bại phần nhiều vì tính thời điểm nhưng cũng nhờ đó mà bộ phim được nhắc đến nhiều cho tới tận ngày hôm nay.
Thất bại của Brokeback Mountain trước Crash quả thực cay đắng. Nhưng nếu nhìn nhận một cách tích cực, bộ phim mang về giải Đạo diễn xuất sắc cho Lý An, Kịch bản chuyển thể xuất sắc cho Larry McMurtry cùng Diana Ossana, và Nhạc nền trong phim xuất sắc cho Gustavo Santaolalla. Nam diễn viên kỳ cựu Daniel Day-Lewis từng tuyên bố đây là một trong những bộ phim ưa thích nhất của ông; bản thân đạo diễn của Crash, Paul Haggis, lên tiếng thừa nhận lẽ ra Brokeback Mountain phải thắng. Cũng kể từ đó tới nay, Viện Hàn lâm cũng cố gắng ghi nhận các tác phẩm hoặc nhân vật đồng tính hơn, thể hiện qua những chiến thắng của Milk, The Kids Are All Right hay mới đây nhất là Dallas Buyers Club. Nhưng ở thời điểm 10 năm về trước, đồng tính vẫn còn là một chủ đề khá mới mẻ, không hề được sẵn sàng đón nhận và thất bại của Brokeback Mountain tại Oscar 2006 là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó.
Theo Tuấn Lương/Zing