Bộ phim “Những đứa con của làng” của đạo diễn Nguyễn Đức Việt thấm đẫm cảm xúc về số phận con người thời hậu chiến, về nỗ lực hóa giải hận thù và hàn gắn vết thương chiến tranh.
Những đứa con của làng là một trong ba phim thực hiện từ kinh phí nhà nước tham gia tranh giải hạng mục phim truyện điện ảnh Cánh diều vàng 2014. Với kinh phí khoảng 6 tỷ đồng, êkíp của đạo diễn Nguyễn Đức Việt phải chật vật "liệu cơm gắp mắm" để thực hiện. Tuy vậy, nếu so với hai bộ phim còn lại là Thầu Chín ở Xiêm (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng), Sống cùng lịch sử (Nguyễn Thanh Vân), tác phẩm trội hơn hẳn về độ chắc tay trong dàn dựng, giàu cảm xúc chứ không chỉ đơn thuần chỉ minh họa cho thông điệp đạo diễn cài cắm vào màn ảnh rộng.
Diễn viên Huy Cường (trái) vai Bè bên nghệ sĩ Trung Anh (phải) vai ông Thập. Tháng 11/2014, Những đứa con của làng được chọn cùng Đập cánh giữa không trung đại diện Việt Nam tranh tài tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ ba.
Tiếng súng, bom đạn nổ ầm ào, gà vịt quang quác, người dân quê tháo chạy hỗn loạn, xác người chết, máu đổ loang đầy sông... là quang cảnh mở màn cho bộ phim Những đứa con của làng. Hình ảnh quen thuộc thời chiến được khắc họa đầu phim khiến cho người xem có thể dấy lên cảm giác "ngán" dễ bắt gặp ở những phim Việt nói về đề tài chiến tranh. Nhưng cảnh xung đột đổ máu này kết thúc nhanh. Không gian phim chuyển sang bối cảnh của 20 năm sau, cũng tại làng quê nghèo ở xã vùng xa Quảng Trị ấy, nỗi đau âm ỉ của người dân đi qua cuộc chiến còn là vết thương mới nguyên.
Diễn viên Thúy Hằng hóa thân vào cô gái quê tên Bưởi.
"20 tháng 6, sáu lăm (20/6/1965), làng mình chết hết 104 người, ai đem máu chảy đầu rơi, cả làng phải nhớ đời đời không quên", bài vè ông trưởng làng dẫn đầu đoàn rước giỗ chung cho những người đã chết được lặp đi lặp lại suốt con đường làng trong đám rước. Mối thù dành cho tên xã trưởng dẫn giặc về càn quét, sát hại dân làng được mọi người ở đây khắc cốt ghi tâm, thậm chí cả khi hắn chỉ còn là nắm xương khô dưới lớp đất được chôn trong nghĩa trang làng. Cứ thế, câu chuyện phim diễn ra tuần tự theo nhịp điệu sinh hoạt ở vùng quê nghèo, xoay quanh các nhân vật như: ông Thập - trưởng làng, anh Bèo, cô Bưởi, ông chủ tịch xã - con trai ông xã trưởng làm Việt gian ngày trước.
Vì nội dung phim được xây dựng theo thời gian tuyến tính với cách kể chuyện khá đơn giản, nhiều khán giả có thể dễ dàng đoán được các tình tiết sắp diễn ra trên phim. Dù vậy, Những đứa con của làng có nhiều điểm cộng để mang đến cảm xúc cho người xem.
Điểm cộng đầu tiên là lời thoại trong phim cô đọng, thấm thía, tự nhiên và gần gũi. Các nhân vật, trừ con trai ông xã trưởng đã chết - đều nói giọng Quảng Trị - vùng đất là nơi diễn ra câu chuyện phim. Phương ngữ miền Trung được khai thác triệt để trên màn ảnh rộng, trở thành thứ "gia vị" rất đậm đà. Giọng đặc sệt quê mùa đầy đanh thép, chất chứa oán hờn thể hiện tính cách của ông Thập. Chất giọng quê khi mềm mại khi uất nghẹn khiến cho Bưởi, cô gái chèo đò, như đẹp hơn. Ngữ âm trọ trẹ của gã chủ tịch xã thể hiện hết tính cách lường gạt của y.
Poster phim Những đứa con của làng.
Sự chắt lọc trong các câu thoại khiến cho mạch phim gọn gàng hơn. Như ở cảnh cả làng đang dùng gậy quất mộ xã trưởng, đoạn thoại giữa ông Thập và anh chàng Bè ngờ nghệch phác họa hai quan điểm xung đột : - Sao không đánh?, - Tôi không thích, tội nghiệp người ta, - Cả nhà mi chết vì hắn, mi quên mau rứa?, - 20 năm rồi, - 200 năm cũng không được quên, -Tui có đánh hắn thêm một cái thì cả nhà của tui có sống lại được mô....
Ngoài lời thoại, phim gợi cảm xúc với nhiều hình ảnh, chi tiết mang tính ẩn dụ: cây cầu làng bị gãy đứt đôi chia hai bờ, con đò nhỏ trên sông, cái kẻng nguệch ngoạc ghi ngày dân làng bị thảm sát... Bên cạnh đó, bộ ba diễn viên chính trong phim ghi điểm về diễn xuất tốt. Nghệ sĩ Ưu tú Trung Anh hóa thân thành ông già khắc khổ và bảo thủ. Nghệ sĩ Huy Cường có một vai diễn chính diện được nhận xét là "lột xác" hoàn toàn so với các dạng nhân vật phản diện anh đóng thường xuyên trên màn ảnh nhỏ từ trước đến nay. Nữ diễn viên trẻ Thúy Hằng, ngoài đời có vẻ đẹp hiện đại, năng động nhưng khi vào vai Bưởi cô lột tả khá thành công hình ảnh cô gái quê đẹp mặn mòi, cả tin, yếu lòng nhưng cũng rất mạnh mẽ đối diện với trắc trở.
Thiếu khai thác chiều sâu tâm lý nhân vật là điểm yếu thường thấy ở nhiều bộ phim Việt. Nhưng trong phim Nguyễn Đức Việt, tâm lý nhân vật được triển khai khá ổn. Phản ứng của Bưởi khi đón nhận tình cảm của Bè hay sự thay đổi trong cách ứng xử của ông Thập với Đông (Trần Bảo Sơn thể hiện) được xây dựng hợp lý qua những chi tiết được kết nối mượt mà.
Tại Cánh diều vàng 2014 - sự kiện trao giải thường niên của Hội điện ảnh Việt Nam - diễn ra tối 12/3 ở TP HCM, bộ phim này hứa hẹn làm nên chuyện vì đáp ứng được phần nào các tiêu chí chấm giải do ban tổ chức đề ra: "... phim điện ảnh, truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực".
Theo Thoại Hà/VnExpress