Phim Việt thất trận đầu năm 2020, lỗi đâu chỉ do Covid-19

Đăng lúc: 7:45 am, Ngày 17/02/2020

Không có kỷ lục doanh thu nào được xác lập trong mùa phim tết 2020. Hai phim ra rạp liền sau đó cũng chẳng đáp ứng được kỳ vọng của khán giả.

Mùa Tết ảm đạm
 
Mùa tết 2020, lượng phim Việt ra rạp nhỉnh hơn năm 2019 hai phim, gồm 30 chưa phải là tết, Gái già lắm chiêu 3, Đôi mắt âm dương Bí mật đảo Linh Xà. Đây là mùa tết đặc biệt vì hầu như không có phim Trung Quốc cạnh tranh, phim Hollywood cũng không quá nổi trội, dù Bác sĩ Dolittle: Chuyến phiêu lưu thần thoại quy tụ cả hai ngôi sao từ vũ trụ điện ảnh Marvel là “người sắt” Robert Downey Jr. và “người nhện” Tom Holland.
 
Ngoại trừ Bí mật đảo Linh Xà khá im hơi lặng tiếng ở khâu truyền thông và chất lượng như một nồi lẩu thập cẩm, ba phim Việt còn lại đều nhận được sự kỳ vọng của giới làm phim, bởi nó quy tụ nhiều cái tên hút khách, từ diễn viên cho đến êkíp sản xuất. Tuy nhiên, sự vụng về, rối rắm trong cách kể, khiến cả ba phim đều đuối về chất lượng. Khá nhất và giải trí nhất là Gái già lắm chiêu 3 - đứng đầu doanh thu phòng vé tết với 131.127 tỷ đồng. 30 chưa phải là tết mang về 45.487 tỷ đồng, Đôi mắt âm dương là 60.829 tỷ đồng. Khép lại mùa phim tết ảm đạm.
Gái già lắm chiêu 3 - đứng đầu doanh thu phòng vé tết với 131.127 tỷ đồng
 
So với tết Nguyên đán 2019, rạp chiếu Việt tưng bừng khi Cua lại vợ bầu (đạo diễn Nhất Trung) lập kỳ tích phòng vé tết (137 tỷ đồng) thì ngay sau đó, Hai Phượng (đạo diễn Lê Văn Kiệt) trở thành bộ phim hành động có doanh thu cao nhất Việt Nam với gần 123 tỷ đồng doanh thu nội địa. Vu quy đại náo (đạo diễn Lê Thiện Viễn) ra rạp cùng thời điểm, dẫu không đạt doanh thu như kỳ vọng, nhưng vẫn là bộ phim chất lượng về nội dung và diễn xuất.
 
Phim “né Tết” cũng chẳng khá khẩm hơn
 
Né tết và để giảm sức cạnh tranh, Bí mật của gió (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình) và Tiền nhiều để làm gì? (đạo diễn Lưu Huỳnh) chọn khởi chiếu mùng Sáu và mùng Bảy tết. Do ảnh hưởng của dịch cúm, Bí mật của gió sau hai suất chiếu ra mắt truyền thông và ba ngày chiếu cuối tuần đầu tiên đã tạm dời lịch. Tuy nhiên, cả hai phim đều cho thấy sự xuống tay của hai đạo diễn tên tuổi, từng làm nên những bộ phim đầy dấu ấn như Cánh đồng bất tận hay Áo lụa Hà Đông.
 
Nếu Bí mật của gió liên tiếp mắc nhiều lỗi logic khi xây dựng thế giới người sống và người đã khuất, thì Tiền nhiều để làm gì? lại có một kịch bản cũ kỹ, khai thác mảng miếng hài hước ngô nghê, kém duyên. Không quá khó hiểu khi bộ phim này biến mất khỏi rạp không tăm tích. Ra mắt đúng dịp lễ Tình nhân 14/2, Sắc đẹp dối trá do Kay Nguyễn đạo diễn, Hương Giang Idol đóng vai chính cũng chẳng khá khẩm hơn. 
Dù đã cố gắng hết sức nhưng Sắc đẹp dối trá của Kay Nguyễn vẫn là một bộ phim lưng chừng và gượng ép
 
Sắc đẹp dối trá bán được xấp xỉ 120.000 vé (khoảng 8,4 tỷ đồng, nếu giá vé trung bình là 70.000 đồng) với 2.000 suất chiếu trên toàn quốc vào ngày đầu tiên công chiếu, theo chia sẻ của CGV. Tính đến 15h ngày 16/2, tức sau ba ngày công chiếu, doanh thu Sắc đẹp dối trá chỉ có 11.767 tỷ đồng, thấp hơn cả doanh thu chiếu sớm của một số phim gây tiếng vang năm 2019 như Thất sơn tâm linh hay Bắc kim thang.
 
(Tất cả con số doanh thu trong bài được lấy từ Box Office Việt Nam - trang thống kê doanh thu phim độc lập tại Việt Nam).
 
Đi tìm nguyên nhân
 
Như vậy đến thời điểm hiện tại, đã có bảy phim Việt ra rạp và đều không ghi được dấu ấn nào. Nếu cho rằng Covid-19 ảnh hưởng đến tình hình các rạp chiếu thì câu trả lời là đúng nhưng không chính xác. Theo chia sẻ từ BHD, tỷ lệ khán giả đến rạp giảm trung bình 15%, trong khi đó tại Lotte Cinema là từ 20-25%. Điều này đồng nghĩa, khán giả có e ngại đến rạp, nhưng con số ảnh hưởng đến doanh thu các phim là không nhiều. Nhà phát hành CGV từ chối tiết lộ con số cụ thể, nhưng chia sẻ doanh thu tại tất cả các rạp trên toàn quốc tính riêng ngày 14/2 đã cao hơn so với 13 ngày trước. Tỷ lệ người đi xem phim vào ngày Valentine khá cao, số lượng khán giả đến rạp đã ổn định trở lại.
Cảnh trong phim Tiền nhiều để làm gì?
 
Cuối cùng, doanh thu của một bộ phim vẫn do chất lượng của bộ phim đó quyết định. “Khi một bộ phim làm đủ tốt, khán giả sẽ không bao giờ quay lưng với nó” - anh Minh Nguyễn, một chuyên gia marketing trong ngành phim cho biết. “Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là bỏ qua phương thức truyền thông của bộ phim, có thu hút, có tạo thiện cảm với khán giả hay không” - chuyên gia này nhấn mạnh.
 
Những tên tuổi gắn liền với các dự án được kỳ vọng và mở đầu các xu hướng điện ảnh như Nguyễn Quang Dũng, Phan Gia Nhật Linh, Lý Hải… đều dồn sức cho mùa phim hè. Cùng chờ xem, mùa phim hè năm nay liệu có phá vỡ tảng băng u ám của điện ảnh Việt hay không? 
 
Theo PNO

Đọc thêm các bài khác