Sự ra đời của những bộ phim được đầu tư công phu, đàng hoàng như "Nước 2030", "Quyên" hay "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" trở nên lẻ loi giữa dòng chảy.
Đã qua rồi thời phim Việt hễ ra rạp thì phải là những tác phẩm điện ảnh thực thụ (dù nội dung có thể dở hoặc hay), nhiều phim Việt giờ đây đem lại cảm giác chỉ là “phim chiếu rạp” bởi sự đầu tư đơn giản, hời hợt từ nội dung đến hình thức.
Sau nhiều lần dời lịch phát hành, bộ phim Quyên (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình) đã ra mắt công chúng ngày 19/6 vừa qua. Tuy chưa chuyển tải hết cái hay, cái khốc liệt mà người ta trông chờ từ tiểu thuyết Quyên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, nhưng Quyên là một bộ phim đàng hoàng, đúng nghĩa một tác phẩm điện ảnh chứ không phải là những sản phẩm “truyền hình hóa” phim rạp ra mắt nhan nhản thời gian qua.
Quyên đã ngốn mất của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình và nhà đầu tư BHD không ít thời gian và tiền của: gần bốn năm đi về giữa Việt Nam và Đức để thu thập thực tế, ghi hình gần hai tháng, trong đó có hai tuần quay ở Đức, hơn 20 tỷ đồng đã bỏ ra. Những con số này quả thật rất “xa xỉ” so với nhiều bộ phim chiếu rạp có tốc độ ghi hình gói gọn chỉ một tháng, vốn đầu tư dưới chục tỷ đồng.
Nếu như cả năm 2014, tổng số phim Việt phát hành vào khoảng hơn 20 phim thì chỉ trong vòng sáu tháng đầu năm nay, đã có 20 phim nội ra rạp. Hơn phân nửa số đó là phim hài, 1/4 là phim có yếu tố kinh dị, ma quái. Yếu tố điện ảnh trong những tác phẩm hài, ma này gần như không có, thể hiện rõ nét nhất ở việc cảnh trí sơ sài, góc máy nghèo nàn, ánh sáng kiểu “sáng mặt ăn tiền”, âm thanh “có gì xài nấy”, thoại áp đảo ngôn ngữ hình ảnh.
Dù vậy, nhiều phim lại đạt doanh thu khả quan như Ma dai thu hơn 20 tỷ đồng sau một tuần trình chiếu, Lật mặt thu 25 tỷ đồng cũng trong ngần ấy thời gian, Hợp đồng bắt ma cũng dễ dàng chạm mốc 20 tỷ đồng...
Sự gia tăng các cụm rạp tư nhân, quy định tỷ lệ phim Việt chiếu rạp khiến phim nội giờ đây dễ dàng tìm được đầu ra chứ không còn chật vật như trước, kéo theo phong trào “nhà nhà làm phim, người người làm phim”. Ca sĩ, người mẫu, danh hài, ai cũng có thể bỏ tiền ra làm phim, nhiều hãng phim mới ra đời, nhiều đạo diễn tên tuổi lần đầu mới nghe. Mẫu số chung của những sản phẩm này là kinh phí khiêm tốn, hướng đến thể loại ăn khách hoặc hài hoặc kinh dị miễn rút ngắn thời gian, thu hồi vốn càng nhanh càng tốt.
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, một trong những phim được mong chờ trong năm nay.
Theo bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó giám đốc Công ty BHD: “Ở nước ngoài, doanh thu phòng vé chiếm 60-70% tổng doanh thu, còn lại đến từ DVD, phát sóng trên truyền hình, nhưng ở Việt Nam doanh thu nằm 100% ở chuyện bán vé”. Đó cũng là lời giải đáp cho câu hỏi vì sao ngoài rạp tràn ngập những phim Việt theo ba tiêu chí: dễ làm, dễ xem và dễ quên. Chỉ những đơn vị đầu tư nào nếu không thuộc hạng “đại gia” thì hoặc phải thực sự tâm huyết hoặc muốn lấy tiếng, mới đủ dũng khí bỏ qua những phim hài nhảm, nặng tính giải trí để tập trung cho dự án “đinh”, khó làm, khó bán vé.
Nếu đạo diễn của phim Quyên không phải là ông chủ của đơn vị đầu tư BHD, hẳn còn lâu công chúng mới được thưởng thức cuốn tiểu thuyết này qua ngôn ngữ hình ảnh. Nếu Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh không phải do Cục Điện ảnh bỏ tiền đặt hàng Galaxy sản xuất, có lẽ khó có hãng phim nào dám chi hơn 20 tỷ đồng để chuyển thể cuốn truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Những nhà sản xuất nhỏ như Saigon Media làm phim Nước 2030 hay Coco Paris làm phim Dịu dàng là những trường hợp hiếm hoi, đáng trân trọng.
Sự xuất hiện của Dịu dàng, Nước 2030, Quyên, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh phần nào làm sáng sủa thêm cho bộ mặt điện ảnh Việt nhưng vẫn chưa thể làm người ta yên tâm. Ngoại trừ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đến tháng 10 ra mắt, những phim nghiêm túc đã công chiếu như Dịu dàng hay Quyên có đời sống khá lặng lẽ ở các cụm rạp, thể hiện qua số suất chiếu thưa thớt.
Phim Nước 2030 dù đã hoàn tất khá lâu và chu du qua nhiều liên hoan phim quốc tế nhưng đến giờ vẫn chưa có lịch phát hành ở Việt Nam. Một khi những bộ phim đàng hoàng, được đầu tư lớn không thể trụ được lâu ở rạp chiếu thì rất khó để kích thích sự làm nghề tự trọng, sáng tạo của những người làm phim.
Hương Nhu/Phụ nữ