Nhãn C18 được gắn cho các phim chứa cảnh bạo lực, tình dục, kinh dị và ngôn ngữ chỉ dành cho người xem đã trên 18 tuổi.
Sáng 18/9, Cục Điện ảnh tổ chức hội thảo sát hạch lần cuối Dự thảo "Thông tư sửa đổi Quy chế thẩm định và cấp phép phổ biến phim ở Việt Nam" - quy chế này vốn được ban hành năm 2008.
Dự thảo mới giới thiệu Bảng phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi gồm bốn mức: Phim dành cho mọi lứa tuổi (dán nhãn là P), Phim cấm trẻ em dưới 13 tuổi (C13), Phim không dành cho người dưới 16 tuổi (C16) và Phim cấm khán giả dưới 18 tuổi (C18). Việc phân loại phim dựa trên các tiêu chí về chủ đề, nội dung, mức độ bạo lực, khỏa thân, tình dục, ma túy, ngôn ngữ tục và tính chất kinh dị có trong tác phẩm điện ảnh.
Phim Bi, Đừng sợ từng là trường hợp gây tranh cãi gay gắt về kiểm duyệt vì mức độ tình dục của phim quá 16+ (theo thang phân loại trước đây).
Ở mức cao nhất, phim C18 được quy định cho loại tác phẩm phản ánh những vấn đề chính trị, xã hội, tâm lý, tội phạm phù hợp với nhận thức, tâm sinh lý của khán giả từ 18 tuổi trở lên. Mức kiểm duyệt này cho phép phim chứa hình ảnh khỏa thân toàn phần cơ thể người nam hoặc nữ nhưng không được mô tả cận cảnh các bộ phận nhạy cảm.
Cảnh khỏa thân và cảnh bạo lực tình dục trong phim C18 phải phù hợp với nội dung tác phẩm, không được kéo dài hoặc lặp lại quá đà. Thời lượng của cảnh dạng này vẫn đang được thảo luận và sẽ quyết định tùy trường hợp duyệt phim cụ thể. Phim C18 chấp nhận các cảnh tả thực về bạo lực và đổ máu nhưng phải phù hợp ngữ cảnh tác phẩm. Ngoài ra, ngôn ngữ thô tục, ngôn ngữ nhạy cảm về văn hóa như lời chửi, câu rủa hoặc tiếng lóng, từ đệm gây phản cảm cho người xem có thể xuất hiện.
Tuy nhiên, phim gắn nhãn C18 không được có cảnh mô phỏng hoạt động tình dục trái tự nhiên - như quan hệ với trẻ em, loạn luân hay cảnh khuyến khích sử dụng ma túy và các chất gây nghiện.
Cùng tiêu chí trên, các phim C16, C13 và P có mức độ mô tả bạo lực, tình dục, kinh dị, chất kích thích và gây nghiện, và ngôn ngữ tục tĩu phản cảm giảm dần, phù hợp với lứa tuổi. Riêng phim P (dành cho mọi lứa tuổi) không có cảnh bạo lực, cảnh khỏa thân, quan hệ tình dục, cảnh về sử dụng hoặc sản xuất chất kích thích, ma túy hoặc cảnh kinh dị gây sợ hãi cho trẻ em.
Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục điện ảnh cho biết: "Bảng phân loại phim trong Dự thảo mới này được làm dựa trên Bảng phân loại phim của Singapore. Mô hình phân loại phim của Singapore vừa cặn kẽ, vừa nghiêm, vừa mang tính chất Á Đông mà lại phù hợp với văn hóa Việt Nam". Ngoài dựa trên Bảng phân loại phim của Singapore, Cục điện ảnh cũng tham khảo các bảng phân loại của Mỹ, Anh và Australia để hoàn thiện.
Bảng phân loại phim điện ảnh mới sẽ phần nào giúp hội đồng kiểm duyệt và các nhà sản xuất không lặp lại sự cố của Bụi đời chợ Lớn năm 2013.
Ông Đỗ Duy Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh kiêm thành viên ban tổ chức soạn thảo Bảng phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi cho biết bảng tiêu chí đã được xây dựng trong hai năm và qua 10 lần sửa đổi sau khi thu thập ý kiến của công chúng và các ban ngành qua phương tiện đại chúng.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, Phó giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam chia sẻ: "Tôi cho rằng bảng phân loại phim này nên xuất hiện sớm hơn để giải tỏa cho việc sáng tác của các nhà làm phim. Tôi đồng tình việc học hỏi Bảng phân loại của Singapore bởi nó rất khoa học".
Bảng phân loại phim điện ảnh đang dùng tại Việt Nam chỉ dán nhãn phim ở hai mức - phim được phổ biến rộng rãi và phim cấm trẻ em dưới 16 tuổi. Theo bà Ngô Phương Lan, bảng tiêu chí này gây khó khăn cho hội đồng duyệt phim quốc gia bởi có phim chỉ cần hạn chế trẻ em dưới 13 tuổi nhưng vẫn cấm khán giả dưới 16 tuổi bởi không có mức chi tiết. Ngược lại, những phim 18+ được mua về Việt Nam cũng khiến các nhà kiểm duyệt phải loay hoay vì không có quy định.
Dự thảo mới về Bảng phân loại được soạn thảo dành riêng cho phim điện ảnh chiếu ngoài rạp. Phim chiếu trên truyền hình có Quy chế thẩm định và phổ biến riêng, được cấp phép từ năm 2010.
Bảng phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi của Việt Nam cùng Dự thảo "Thông tư sửa đổi và bổ sung Quy chế thẩm định và cấp phép phổ biến phim điện ảnh" sẽ được trình lên Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để cấp phép ban hành. Dự kiến, Bảng tiêu chí này có thể được áp dụng từ đầu năm 2016.
Vũ Văn Việt/Theo VnExpress