Bị tưới nước ngâm xương người chết, ở chung với người điên và tội phạm giết người... là những trải nghiệm khó quên của nhiều diễn viên ngày trước.
Cánh đồng hoang, Tội lỗi cuối cùng hay Đất phương Nam... là những bộ phim để lại dấu ấn sâu đậm với nhiều thế hệ khán giả Việt Nam. Phim cuốn hút không chỉ bởi diễn xuất chân thực của diễn viên mà còn thuyết phục người xem bằng bối cảnh tự nhiên cũng như giá trị nhân văn được chuyển tải. Đằng sau những cảnh quay được coi là "kinh điển", êkíp phim phải đối đầu với điều kiện thời tiết, địa hình khắc nghiệt và sự tác động, gây áp lực của các nhân tố đặc biệt, trong đó có con người.
Theo diễn viên Nguyễn Hậu - chủ nhiệm nhiều bộ phim sản xuất những năm 1990, để tạo cảnh quay chân thực, các đoàn phim thường chọn bối cảnh từng được tác giả kịch bản trải nghiệm. Nhiều êkíp phải đối mặt với điều kiện địa hình, thời tiết bất lợi để hoàn thành các cảnh quay.
Ngoài thực tế, khung cảnh đẹp lãng mạn trong phim Cánh đồng hoang là đồng nước mênh mông đầy rác thải và xác động vật.
Khán giả từng ngất ngây với cảnh miền Tây mùa nước nổi với hoa điên điển, bông súng, bông sen trong phim Cánh đồng hoang. Theo lời cha đẻ của nhân vật đóng vai em bé, bối cảnh thực tế là một vùng nước mênh mông, đục ngầu, đầy rác rưởi và xác động vật, chưa kể rắn nước bơi lội bên dưới. "Vậy mà ông Lâm Tới và bà Thúy An ngâm mình hàng giờ dưới nước để quay phim. Mùa đó, ấu trùng muỗi nở nhiều, nguyên chuyện chống muỗi thôi đã vất vả. Con trai tôi bị muỗi cắn, dìm nguyên người xuống nước nên bị cảm cúm một thời gian dài", ông nhớ lại.
Rùng rợn hơn, diễn viên Hữu Mười bị nước ngâm hài cốt tưới lên người khi đóng phim Làng Vũ Đại ngày ấy. NSƯT kể trong cảnh giáo Thứ khóc bên mộ lão Hạc khi trời mưa, nhân viên hiện trường tìm nước cho vào bình tưới giả làm mưa. Người nhân viên hậu trường tìm khắp cánh đồng mùa khô mới thấy một vũng nước nhưng khi vục bình xuống, lộ ra một chiếc tiểu sành bên trong còn nguyên xương cốt.
"Trong cảnh quay đó, mặt tôi trông rõ đau khổ, không phải vì thương lão Hạc mà vì đang bị tưới thứ nước ngâm xương người chết lên người. Đến giờ nhớ lại tôi còn sởn gai ốc", nam diễn viên chia sẻ. Có nhiều bối cảnh đặc biệt khiến diễn viên đau đớn đến chết lặng mà vẫn phải hoàn thành vai diễn.
Lê Quang "Võ Tòng" vẫn còn rùng mình khi nhớ lại thời đóng Đất phương Nam.
Diễn viên Lê Quang từng chạy phăng phăng trên những gốc đước được vát nhọn như chông khi vào vai Võ Tòng trong phim truyền hình Đất phương Nam. Anh tiết lộ rằng đoàn phim chọn bối cảnh là rừng đước huyện Cần Giờ, TP HCM. Người dân địa phương thường chặt đước làm củi, theo kiểu vát nhọn phần gốc để lấy phần thân. Sau mỗi lần thu hoạch đước, mặt đất lổn nhổn như một bàn chông. Khi nước dâng, diễn viên cứ chạy mà không thể nhìn thấy gốc đước để tránh.
"Đến giờ nhắc lại tôi vẫn thấy rùng mình. Mỗi khi gan bàn chân chạm vào một gốc đước, tôi đau đến chết lặng như có một luồng điện chạy từ chân lên dọc sống lưng. Chưa kể cứ chiều đến là muỗi nhiều vô kể, quơ tay là bắt được cả nắm. Muỗi ở đây chích vừa ngứa, vừa buốt rất dai dẳng", Lê Quang kể.
Ngoài sự khắc nghiệt của bối cảnh, thời tiết... thành viên nhiều đoàn phim tận mắt chứng kiến môi trường sống đầy khốc liệt của những con người đặc biệt như tội phạm, người điên.
Để vào vai "Hiền cá sấu" trong phim Tội lỗi cuối cùng, cố nghệ sĩ Phương Thanh có hơn một tháng sống trong trại giam Long Thành (Đồng Nai) cùng các nữ phạm nhân từng phạm tội giết người trước năm 1975.
"Thời tiết nắng nóng mà trại giam lợp mái tôn. Trưa đến, các phạm nhân nữ trần truồng nằm la liệt trên sàn bê tông đã được dội nước cho mát. Có phạm nhân từng giết nhiều người bằng chiêu đóng đũa xuyên qua tai. Khi vào trại, họ thường xuyên gây hấn với cán bộ hoặc bạn tù do không dược thỏa mãn nhu cầu sinh lý", đạo diễn Việt Bảo - người đóng vai quản giáo trại giam - kể.
Ông cho biết thêm rằng để diễn tả sự dữ dội của trại giam nữ với những màn chào tù mới khốc liệt hoặc cảnh tranh giành bạn tình đồng giới trong đêm, đạo diễn táo bạo cho Phương Thanh diễn cảnh nude. "Phương Thanh bị các nữ tù nhân xé hết quần áo, kết thành dây thừng rồi buộc vào hai chân, hai tay cô ấy để kéo lê trên mặt đất. Khi duyệt phim, cảnh đó đã bị cắt", đạo diễn nhớ lại.
Cố nghệ sĩ Phương Thanh (phải) diễn xuất cùng phạm nhân Huỳnh Thị Hai khi vào vai "Hiền cá sấu".
Không chỉ ở với phạm nhân, nhiều diễn viên còn chung sống với bệnh nhân tâm thần để có trải nghiệm khi nhập vai. Diễn viên Thanh Ngọc kể cô từng bị tát, đá vào lưng trong một tuần sống ở khoa tâm thần, bệnh viện nhiệt đới Hà Nội để nhập vai Thanh Nga trong phim truyền hình Đồng tiền xương máu.
"Đến giờ ăn trưa, tôi tưởng mình được đoàn phim đón ra nên không xếp hàng nhận cơm như các bệnh nhân khác. Một lát sau, tôi thấy choáng váng, xây xẩm mặt mày sau một cú tát trời giáng từ phía sau. Hóa ra bác sĩ tưởng tôi là bệnh nhân không tuân thủ quy định nên tát cảnh cáo. Sau đó, anh giải thích nếu không làm vậy, bệnh nhân không biết sợ, có lúc họ đánh lại mình không chừng", Thanh Ngọc chia sẻ.
Nhiều đoàn phim bị phá ngang khi đang quay ngoại cảnh, khiến tiến độ làm việc bị ảnh hưởng. Đạo diễn Bùi Cường - người đóng vai Chí Phèo trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy - nhớ cảnh cảnh êkíp bị một người dân say rượu phá đám. Khi đang quay cảnh Chí Phèo đến ăn vạ trước cổng nhà Bá Kiến, bỗng một người đàn ông say rượu chạy đến trước máy quay ngăn không cho đoàn phim làm việc.
"Anh ta đưa ra nhiều đòi hỏi vô lý như bắt tôi phải xin lỗi vì dám say giống anh ta. Thậm chí, anh ta còn dọa giết vợ để uy hiếp đoàn phim. Cuối cùng, tôi phải xin lỗi, thuyết phục mãi anh ta mới chịu", đạo diễn Bùi Cường kể. Ông tiết lộ rằng để các vết sẹo nhìn trông giống như thật, ông chấp nhận bôi lên mặt loại keo làm co cơ địa mà chỉ dành riêng cho phụ nữ sau sinh.
"Các cảnh quay lên phim đẹp lung linh nhưng thực tế, nó có thể là một bãi rác, bãi sình lầy mà đích thân diễn viên phải xắn tay dọn dẹp. Ngày trước đâu đủ tiền để dựng bối cảnh nên thực tế có sao được đưa lên phim như vậy", diễn viên Nguyễn Hậu kết luận.
Châu Mỹ/Theo VnExpress