Nghệ sĩ cải lương trôi dạt khi các rạp hát đóng cửa, họ không sống được với nghề. Đau lòng trước sự suy thoái của bộ môn nghệ thuật, NSƯT Tú Sương mong mỏi các cấp ngành quan tâm.
Nghệ sĩ cải lương rất thiệt thòi
Nhiều người bảo Tú Sương may mắn khi sinh ra trong gia đình có dòng dõi truyền thống. Nhưng để kế thừa và tạo dựng danh tiếng, chị đã gặp những khó khăn gì?
-Tôi không phủ nhận bản thân may mắn khi có dòng tộc 6 đời làm cải lương. Nhưng gia đình vốn nghèo nên tôi phải tự lập ngay khi còn nhỏ. Hồi tôi còn bé xíu, ba mẹ rong ruổi trong các gánh hát, tôi được bà vú chăm sóc. Bà thường bế tôi đi xem các vở tuồng của ba mẹ, nên nghệ thuật không chỉ nằm ở trong máu, nó còn là hơi thở, cuộc sống của tôi.
Năm lên 4 tuổi, tôi bắt đầu học thuộc từng câu thoại của bố mẹ trong các trích đoạn cải lương. Tôi và mấy đứa bạn trong xóm thường lén nhà, trốn ra đình rồi bắt chước người lớn diễn tuồng. Khi nào quên thoại lại hát cương lên. Mấy cô chú trong đoàn thấy chúng tôi đam mê quá nên tổ chức cuộc thi dành cho con nít. Năm đó tôi đoạt giải xuất sắc và bắt đầu theo bố mẹ lân la trong các đoàn hát.
Tú Sương - Vũ Luân là cặp đôi vàng của cải lương.
Tôi cứ học trên sân khấu cho đến khi thầy Bạch Long lập nhóm Đồng ấu và tôi cùng các bạn tham gia, đi diễn các vở kịch thiếu nhi. Chúng tôi được Đài truyền hình HTV mời diễn tuồng Cóc kiện trời trong đó có Linh Tý, Trinh Trinh, Thanh Bình, Lê Thanh Thảo, Trung Kiên... Sau đó có thêm nhiều vở diễn khác nữa và nhóm Đồng ấu Bạch Long bắt đầu được yêu mến. Năm 1992, Vũ Luân gia nhập vào nhóm. Chúng tôi diễn những vai tuồng như Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài... Nhưng sau một thời gian, người ta thưa kiện nên cả nhóm ngừng hoạt động. Họ bảo đoàn toàn trẻ con mà diễn những vở kịch người lớn. Thầy Bạch Long xin đổi tên thành nhóm Thanh thiếu niên nhưng họ lại sợ cạnh tranh nên tiếp tục kiện lên Sở Văn hóa và cuối cùng nhóm giải tán.
Cũng may mắn, tôi và Vũ Luân được người ta mời đi diễn trong các Đại nhạc hội và dần được khán giả yêu mến, có cơ hội sang nước ngoài lưu diễn. Những vở diễn của 2 anh em chúng tôi có thể kể đến như Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Tiết Giao đoạt ngọc, Xử bá đao Từ Hải Thọ, Lữ Bố - Điêu Thuyền, Mạnh Lệ Quân, Tình sử Dương Quý Phi, Thanh Xà - Bạch Xà, Giang sơn và mỹ nhân...
Tú Sương, Quế Trân... được xem là thế hệ vàng nhưng thời kỳ này cải lương suy thoái, chị có chạnh lòng khi các nghệ sĩ như chị không còn chỗ đứng?
-Tôi không buồn cho mình, vì tôi còn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp. Họ vẫn giữ ngọn lửa với nghề, nhiệt huyết và đam mê vẫn luôn tràn đầy. Nhưng họ không có nhiều cơ hội để sống với nghề nên cuộc sống rất chật vật. Trong dòng chảy chung, cải lương không còn hưng thịnh như những năm vàng son. Nhưng đây là bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc, tất cả phải chung tay để gìn giữ nó.
Tôi biết nói ra sẽ đụng chạm đến nhiều người. Nhưng tình hình cải lương bây giờ rất thảm hại. Ở Sài Gòn, rạp hát không còn nhiều, những nghệ sĩ chúng tôi biết đi đâu về đâu giữa thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay? Họ vẫn còn sáng tạo, còn đam mê, còn nhiệt huyết nhưng kinh phí hạn hẹp cũng trói buộc tất cả. Tôi chỉ mong Nhà nước, Sở Văn hóa quan tâm nhiều hơn đến cải lương và đừng để nó “chết yểu”.
Tú Sương luôn tin tưởng, sẽ có nhiều thế hệ nối tiếp truyền thống cải lương Việt Nam.
Có khi nào chị hối tiếc, vì nếu chọn lĩnh vực truyền hình, điện ảnh hay ca nhạc, Tú Sương sẽ sớm nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền hơn?
-Mỗi người đều có số phận riêng. Tôi chỉ thấy hối hận khi không còn là chính bản thân mình, chạy theo những phù phiếm để bản thân phải nuối tiếc. Tôi chỉ hối hận khi không làm tròn trách nhiệm với vở diễn, phụ lòng các bậc tiền bối hay để khán giả thất vọng. Ở bất kỳ lĩnh vực nào, quan trọng nhất vẫn là nhân cách của bản thân.
Một lần nữa, tiếng nói của tôi sẽ khiến nhiều người khó chịu. Nhưng cuộc đời mắc cười quá! Những người có tài thì không bao giờ có tên trong khi nhiều người không có gì cả lại nổi tiếng và kiếm thật nhiều tiền.
Nghệ sĩ cải lương như chúng tôi, việc bị thương trong lúc luyện tập là rất đỗi bình thường. Mỗi khi chạy xe ngoài đường, đầu óc cứ vang vang từng câu thoại nên hát nghêu ngao để thuộc lòng. Những lúc vậy người ta tưởng mình bị điên. Vào sân khấu ngồi make-up vài tiếng đồng hồ, xong ra diễn nhưng thù lao rất bèo bọt. Nhưng tôi tin, trải qua bao đời nay, nghệ sĩ cải lương luôn được khán giả yêu mến. Má Phùng Há, cô Thanh Nga... là những minh chứng rõ ràng nhất.
Không bao giờ hối hận vì lựa chọn theo cải lương
Có phải chị đang nói đến nghệ sĩ Bạch Long, thầy của chị, dù đóng góp nhiều cho nghệ thuật nước nhà nhưng vẫn chưa có danh hiệu?
-Cuộc đời đáng buồn vậy đó. Nhiều người tài cán không bao nhiêu nhưng vẫn sống trong sự tung hô và ngược lại, bao người cả đời đóng góp lại sống lặng lẽ, cô quạnh. Nói về danh hiệu, thầy còn phải hơn những điều đó.
Còn bản thân, nhiều năm trước có người đã nói tôi làm đơn xét tuyển. Nhưng tôi cứ ậm ừ cho qua. Danh hiệu NSƯT đến với tôi không quá sớm. Tôi chỉ muốn làm gia đình vui khi nối dõi truyền thống chứ bản thân tôi thấy điều này quá xa lạ với mình. Nhiều khi bước lên sân khấu, họ giới thiệu NSƯT Tú Sương, tôi rụt chân lại không dám ra. Tôi thấy nó xa cách với khán giả quá, vì tôi quen với cách gọi nghệ sĩ hay người thân cứ kêu “con Sương” nghe gần gũi hơn.
Nhiều người bất ngờ khi Tú Sương tham gia game show Cùng nhau tỏa sáng, vì sao chị nhận lời?
-Ban đầu tôi ngại lắm vì tính vốn nhút nhát, không phù hợp với truyền hình thực tế. Nhưng anh Quốc Đại rủ rê dữ lắm, chị Thụy Mười cũng hun đúc tinh thần nên tôi mạnh dạn tham gia. Mới đầu không quen nên tôi còn bỡ ngỡ, may nhờ anh Đại. Vì là đội trưởng nên anh ấy lo lắng cho chúng tôi từ cái ăn mặc đến đi lại. Show đầu tiên tôi run lắm, cứ sợ khán giả chê nên cũng mất tinh thần. Bây giờ quen rồi, tôi thấy vui khi đứng trên sân khấu cùng nhiều bạn trẻ.
Chị có nghĩ mình làm khó giám khảo khi có mặt trong cuộc chơi bởi cống hiến và tuổi nghề của chị đều hơn hẳn?
-Tôi nghĩ mọi người làm khó khi mời tôi đấy chứ. Tôi cũng rất ngại khi mình để nhiều người nhỏ tuổi hơn chấm điểm. Nhưng tôi nghĩ ban tổ chức có lý do của họ. Ban giám khảo mỗi người mỗi ý nên nhận xét cũng đa dạng. Quan trọng là khán giả truyền hình, họ đông hơn và có quyền thích bất kỳ nghệ sĩ nào mà không ai can thiệp được.
Chúng tôi không nuôi hy vọng chiến thắng vì còn nhiều bạn trẻ, họ năng động, đa dạng và bắt kịp xu thế hơn. Tôi, Quốc Đại và Thụy Mười chỉ biết làm hết sức có thể, như vậy đủ vui rồi.
Nhìn chị trong hậu trường Cùng nhau tỏa sáng tất bật giúp các vũ công mặc trang phục khiến nhiều người ngạc nhiên. Chị đâu cần phải làm những công việc đó?
-Nghệ sĩ cải lương vốn vậy. Khi bước lên sân khấu, mọi người không phân biệt lớn nhỏ, chính hay phụ bởi mọi thứ gắn liền với đường dây xuyên suốt. Bộ phận nào hỏng sẽ làm hư cả một ê-kíp. Mọi người sống với nhau rất tình nghĩa, nên tôi quen rồi, ở đâu cũng vậy thôi.
Tôi trân trọng công sức mọi người bỏ ra vì tôi. Họ cũng lên sân khấu, họ phụ diễn cho tất cả, nhưng có ai biết mặt nhớ tên. Nếu không có những bạn vũ công, chúng tôi xoay sở thế nào và tỏa sáng ra sao? Nên tôi làm được chút gì đó cũng chỉ là cảm ơn họ thôi.
Chồng rất thương 2 con gái riêng
Khán giả vui khi nhìn Tú Sương xuất hiện trên truyền hình, nhưng chị hát cải lương ít quá, họ tiếc. Chị nghĩ sao?
-Tôi đóng kép chính nhiều rồi, không phải lúc nào mình cũng trở thành trung tâm được. Nếu lúc nào cũng giành để đóng vai chính, người trong nghề gọi là diễn hỗn. Cuộc thi này đề cao tinh thần đồng đội. Những gì tôi biết, tôi phải nhường cho anh Quốc Đại hay chị Thụy Mười, bản thân tôi sẽ làm những thứ mình chưa từng diễn trước đây.
Cuộc hôn nhân đầu tan vỡ, Tú Sương tìm thấy hạnh phúc mới bên người chồng Việt kiều.
Cuộc đời và sự nghiệp của Tú Sương đều có điểm chung, trước khi tỏa sáng, chị phải trải qua nhiều lận đận. Cuộc sống hiện nay của chị thế nào?
-Ai cũng có số phận riêng. Tôi nghĩ nhờ có những sóng gió trong cuộc đời, chúng ta mới trưởng thành và cứng cáp hơn. Cuộc sống của tôi giờ cũng bớt lo toan. Ông xã rất thương 2 đứa con. Chồng cũ cũng phụ giúp tôi nuôi con ăn học. Con gái tôi cũng đam mê cải lương nhưng tôi muốn con tập trung việc học trước. Xã hội bây giờ phát triển, muốn làm gì cũng cần có bằng cấp nên tôi nghĩ học hành rất quan trọng.
Kim Chi/Theo Zing