Nguyễn Quang Dũng đưa 'Dạ cổ hoài lang' lên màn ảnh rộng

Đăng lúc: 8:27 am, Ngày 11/03/2016

Nam đạo diễn xúc động vì mời được danh hài Hoài Linh vào vai ông già Nam bộ cho phim điện ảnh mới, chuyển thể vở kịch nổi tiếng của sân khấu 5B một thời.

Năm 1993, khi nghe bản nhạc Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, diễn viên Thanh Hoàng nghĩ ra ý tưởng viết một kịch bản sân khấu kết hợp những cảm xúc do bản cổ nhạc mang đến cùng với các câu chuyện do bạn bè anh - là những Việt kiều - kể về cuộc sống nơi đất khách quê người.
 
Cuối năm 1994, kịch Dạ cổ hoài lang kể về cuộc sống và nỗi niềm của hai ông già người Việt trên đất Mỹ công diễn lần đầu tiên trên sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần. Kịch do Công Ninh làm đạo diễn. Nghệ sĩ Việt Anh vào vai ông Năm, Thành Lộc đóng vai ông Tư. Hồng Vân - Quốc Thảo khi đó đóng vai nhân vật chàng trai, cô gái trẻ. Vở chỉ có bốn diễn viên nhưng thể hiện được trọn vẹn tâm tư, nỗi lòng người xa xứ. Vở diễn ăn khách vì ra mắt đúng giai đoạn nhiều Việt kiều đang muốn quay về quê hương, còn người trong nước có rất nhiều người thân đang định cư ở hải ngoại. Tâm lý nỗi niềm của họ được diễn tả khiến vở tạo cơn "sốt vé", khán giả xếp hàng dài để đi xem kịch. Mỗi ngày, kịch diễn ba suất vẫn không đủ bán vé cho người xem. Vở cũng vài lần công diễn phía Bắc và gây tiếng vang.
 
Hơn 20 năm qua, Dạ cổ hoài lang có hơn 1.000 suất diễn, từng đoạt bốn huy chương vàng cho bốn diễn viên trong Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1995. Nhiều thế hệ nghệ sĩ lần lượt thể hiện vai hai ông già trong kịch. Năm 2014, đạo diễn Vũ Minh dàn dựng lại Dạ cổ hoài lang phiên bản mới cho sân khấu Idecaf và kịch tiếp tục tạo cơn sốt vé.
 
Nguồn cảm hứng nào khiến anh thực hiện phim điện ảnh Dạ cổ hoài lang?
 
- Hơn 10 năm trước, tôi đã nhiều lần đi xem vở kịch Dạ cổ hoài lang trên sân khấu 5B Võ Văn Tần, TP HCM. Đây là vở diễn mà càng xem, tôi càng ngấm, càng chiêm nghiệm được những cảm xúc, bài học triết lý về tuổi già, về sự cách biệt văn hóa, lối sống giữa các thế hệ người Việt. Khi đến với nghề đạo diễn, tôi ấp ủ có một ngày làm phim chuyển thể từ tác phẩm này. Cách đây ba năm, tôi đã đem ý tưởng trao đổi với nhà sản xuất và tìm được sự đồng thuận, thế là tôi bắt tay vào làm. Tôi đã liên hệ nhiều lần với nghệ sĩ Thanh Hoàng trao đổi việc mua tác quyền chuyển thể vở kịch và rất vui khi anh đồng ý.
Nguyễn Quang Dũng đưa Dạ cổ hoài lang lên màn ảnh rộngNghệ sĩ Hoài Linh (phải) trong vai ông Tư của vở "Dạ cổ hoài lang" trên sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần vào năm 2009. Ảnh: Thanh Hiệp.

Dạ cổ hoài lang là tác phẩm kịch rất ăn khách ở TP HCM. Anh gặp áp lực gì khi chuyển thể sang màn ảnh rộng?
 
- Kịch xuất hiện cách đây hơn 20 năm trên sân khấu thể nghiệm 5B. Hầu như cả vở chỉ có một cảnh, một màn, tính ước lệ sân khấu cao, để lại dấu ấn sâu sắc với khán giả nhờ vào lời thoại, diễn xuất của diễn viên là chính. Khi chuyển nội dung kịch lên màn ảnh rộng, ngôn ngữ điện ảnh phải rõ ràng, chi tiết và tình tiết phải nhiều hơn. Phim của tôi vẫn sử dụng kịch bản gốc do nghệ sĩ Thanh Hoàng viết. Nhưng tôi có mời cô Thái Hà - một biên kịch người Việt ở Mỹ - biên tập lại. Sau đó, tôi biên tập thêm để phần nội dung phù hợp điện ảnh.
 
Đây là một phim có thể loại rất khác so với những phim trước đây tôi thực hiện, đòi hỏi sự tả thực rất nhiều. Phim có kinh phí không quá cao nhưng thật sự nỗi vất vả của cả đoàn phim là khó kể hết, nhất là ở việc chọn bối cảnh. Ban đầu, chúng tôi định chọn New York, Mỹ để quay nhưng chi phí làm phim ở đây rất đắt đỏ. Ngoài ra, khó để có cảnh tuyết rơi ở New York nên sau đó, đoàn chuyển sang Canada. Việc này làm tiến độ phim trì hoãn gần một năm.
Nguyễn Quang Dũng đưa Dạ cổ hoài lang lên màn ảnh rộngHoài Linh, Chí Tài là đôi bạn diễn ăn ý.
 
Vì sao anh chọn Hoài Linh giữ vai chính cho phim mới trong khi nam nghệ sĩ đang là gương mặt quá quen, dễ gây cảm giác "bão hòa" cho khán giả?
 
- Khi casting diễn viên vào vai ông Tư già của Dạ cổ hoài lang, anh Hoài Linh là người tôi nghĩ đến đầu tiên. Nhưng tôi cứ sợ là anh bận quá khó mà theo chân đoàn phim đi quay ở nước ngoài. Thật may mắn là anh nhiệt tình nhận lời. Sau nghệ sĩ Thành Lộc, Hoài Linh từng diễn vai ông Tư già trong kịch và được khán giả rất yêu quý, đoạt giải Mai Vàng. Ở Hoài Linh có nét mộc mạc, chân quê của một ông già Nam bộ mà theo tôi là rất phù hợp với vai diễn.
 
Bạn diễn chính của Hoài Linh trong phim là diễn viên Chí Tài. Hai anh rất thân nhau, đều từng là Việt kiều, từng trải nghiệm những thăng trầm của cuộc sống nơi đất khách quê người. Điều này giúp ích cho họ rất nhiều trong việc khắc họa nhân vật. Ngoài ra, tôi cũng tuyển thêm dàn diễn viên phụ. Trong đó, tôi tìm được một nữ sinh viên Mỹ gốc Việt để vào vai cô cháu gái của ông già Tư - người sẽ thể hiện hình ảnh đại diện cho một lớp trẻ người Việt ở hải ngoại có những cách biệt về văn hóa so với thế hệ ông bà của họ ở Việt Nam. Tôi cũng tuyển được một nam diễn viên Mỹ đến từ nghiệp đoàn diễn viên ở New York vào vai cha của cô gái.
 
Ấn tượng của anh về Nghệ sĩ Ưu tú Hoài Linh trên phim trường ra sao?
 
-Phim điện ảnh đầu tiên Hoài Linh đóng ở Việt Nam là trong phim Nụ hôn thần chết của tôi, phát hành năm 2009. Đến nay qua 7 năm, tôi và anh Linh luôn mong có dịp hợp tác trở lại. Anh Hoài Linh luôn là diễn viên chuyên nghiệp và hết lòng, hết sức với vai diễn nhất mà tôi từng biết. Nhìn tướng anh ốm yếu, lại phải chịu đựng thời tiết lạnh khắc nghiệt ở trời tuyết Canada để quay, ai cũng thương. Tôi nhớ nhất cảnh quay khi hai ông già lên sân thượng ngồi tâm sự, trút nỗi lòng với nhau trong khung cảnh tuyết rơi. Đó là một cảnh quay rất dài, đoàn phải quay liên tục và trời rất lạnh. Tất cả mọi người đều mệt nhoài nhưng anh Hoài Linh và Chí Tài đã có được những cảnh diễn rất cảm động và ăn ý.
 
Màu sắc bao trùm của phim là chất bi nhưng cũng như kịch, sẽ có những chi tiết nhỏ trong mối quan hệ của người già và người trẻ mang đến tiếng cười nhẹ nhàng. Nhưng có thể người ta vừa cười đó rồi lại khóc vì những chi tiết rất đời thường, mang nặng tình cảm gia đình, tình nghĩa sâu nặng giữa các mối quan hệ. Tôi đặt hy vọng anh Hoài Linh tạo nên nét riêng mới cho dạng vai bi, vai người già trên phim. Với Dạ cổ hoài lang, anh vẫn có thể kéo được khán giả đến rạp như những phim hài giải trí mà anh từng tham gia.
Nguyễn Quang Dũng đưa Dạ cổ hoài lang lên màn ảnh rộngĐạo diễn Nguyễn Quang Dũng đang trong quá trình thực hiện Dạ cổ hoài lang phiên bản điện ảnh.
 
Anh đặt kỳ vọng gì vào dự án điện ảnh mới này?
 
-Tôi hy vọng phim thành công về nhiều mặt để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư thấy nếu làm được một phim tốt thì đề tài dù không mang yếu tố hài, sex vẫn có thể thu hút khán giả.
 
Tôi nghĩ một thị trường phim lành mạnh là một thị trường mà ở đó mọi đối tượng khán giả đều có thể chọn lựa tác phẩm họ yêu thích. Tôi rất thích hai nhân vật ông già trong kịch bản Dạ cổ hoài lang. Trong phim ảnh của chúng ta hiện nay, nhân vật phần đông là người trẻ và hướng về các chủ đề, đề tài dành cho giới trẻ. Khi một nền điện ảnh phát triển, nhân vật chính trên màn ảnh sẽ phải đa dạng hơn. Nếu có một phim có thể khiến khán giả thuộc nhiều độ tuổi thấy thú vị và xúc động khi thưởng thức thì càng hay.
 
Thoại Hà/Theo VnExpress

Đọc thêm các bài khác