Sân khấu Sài Gòn 2017: Chờ phép lạ!

Đăng lúc: 7:51 am, Ngày 05/01/2017

Sân khấu ở TP.HCM của năm 2017 như con tàu cũ nát đang ì ạch chạy trên đường ray vô định mà sự cứu rỗi chỉ còn trông chờ vào phép lạ.

Sàn diễn của bộ môn nghệ thuật sân khấu những năm gần đây như một kẻ trượt chân lăn từ trên núi xuống, càng lúc càng thấy gần tới vực thẳm. “Tốc độ rơi” của sân khấu trong năm 2016 vừa qua nhanh đến chóng mặt khiến xảy ra một hiện tượng chưa từng có là các sân khấu lớn, có bề dày về nhiều mặt, vốn đã sở hữu một lượng khán giả ổn định, phải trả vé, hủy đêm diễn không dưới chục lần.
 
Bế tắc?
 
Ngay từ khi sân khấu bắt đầu trượt chân, lăn xuống những đoạn dốc đầu tiên, những nhà chuyên môn đã chỉ ra rất nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan nhưng cho đến nay, dường như vẫn chưa tìm thấy phương cách gì có thể cứu vãn được. Trong khi sân khấu đang rất cần nhiều nỗ lực để vực dậy, đội ngũ những người làm sân khấu từ tác giả, đạo diễn, diễn viên lại bị sức hút của phim, game show truyền hình lôi kéo ra khỏi sàn diễn. Phim, game show truyền hình càng bùng nổ, sân khấu càng bị sức công phá lớn bởi nguồn nhân lực được đào tạo từ sân khấu là vốn quý, bảo chứng cho chất lượng và độ bền của nghề.
Cảnh trong vở Hồn anh xác em của Nhà hát Thế Giới Trẻ. 
 
Sân khấu Hồng Vân, từ ngày Thái Hòa trở thành “ông vua phòng vé”… phim rạp, vợ chồng đạo diễn Đức Thịnh - Thanh Thúy đưa nhau về thành lập hãng phim và “hot boy” Hòa Hiệp ký hợp đồng dài hạn với phim truyền hình… trở nên sa sút hẳn vì nhân tài còn lại hiếm hoi “như lá mùa thu”. Năm qua, sân khấu này “chết đứng” với sự cố phải hủy suất diễn nhiều lần, trong khi tiền thuê mướn mặt bằng không được giảm, bà bầu Hồng Vân phải tất tả bay sô hải ngoại, làm giám khảo game show… để kiếm tiền bù lỗ cho sân khấu.
 
Sân khấu Nụ Cười Mới từ ngày một loạt nghệ sĩ trụ cột như Hoài Linh, Trường Giang, Hứa Minh Đạt, Thu Trang, Tiến Luật, Nam Thư, Lâm Vỹ Dạ… trở nên “hot” trên các game show truyền hình đã để lại một khoảng trống không ai lấp nổi. Ông bầu Văn Long (Long đẹp trai), vì cái tình sâu nặng với người sáng lập sân khấu này là nghệ sĩ quá cố Hữu Lộc, đã ra sức chống chèo bằng số tiền đi sô của mình.
 
Ở sân khấu Hoàng Thái Thanh, kể từ ngày thành lập đến nay, việc 2 nghệ sĩ sáng lập là Thành Hội và Ái Như phải đem tiền nhà “bơm” cho sân khấu là... bình thường. Phải chia nhau gồng gánh cho sân khấu được sáng đèn chỉ với một mục đích duy nhất là muốn duy trì một dòng kịch tâm lý có giá trị, đáp trả ân tình của những khán giả chung tình, bao năm gió mưa gì cũng đến với sân khấu.
 
Còn ở Sân khấu IDECAF, may mắn có những nghệ sĩ sống chết với sân khấu như Thành Lộc, Hữu Châu, song những năm gần đây, cũng phải lấy doanh thu kịch thiếu nhi và kịch rối bù lỗ cho kịch người lớn.
 
Thế hệ người xem ngày càng có nhiều sự chuyển biến về tư duy, về sự nhìn nhận các giá trị khiến thị hiếu thẩm mỹ trở nên đa dạng, phức tạp, thay đổi khôn lường, trong khi sân khấu mấy mươi năm vẫn hoạt động trong điều kiện nhà mướn, người thuê tạm bợ, cũ kỹ, xuống cấp từ cơ sở vật chất, tư duy làm nghề cho đến năng lực thiếu sự nâng cao, cập nhật của đội ngũ chế tác. Hầu hết các vở diễn hiện nay là những sản phẩm ăn xổi ở thì, nghèo nàn cả nội dung lẫn hình thức, không đáp ứng được nhu cầu thưởng ngoạn của công chúng. Khán giả thế hệ cũ không còn tìm thấy sự đồng điệu, trong khi những điều người xem thế hệ trẻ cần lại thiếu vắng. Nếu cứ bỏ tiền riêng bù lỗ tiền chung triền miên, chuyện buông tay của các ông bà bầu các sân khấu sớm hay muộn chỉ còn là chuyện thời gian.
 
Nỗi lo lệch chuẩn, xuống cấp
 
Điều mà giới chuyên môn lo ngại nhất trước thềm 2017 là sự lệch chuẩn, xuống cấp trầm trọng của các tiết mục sân khấu trong các game show truyền hình sẽ càng làm cho khán giả chán ngán bộ môn nghệ thuật này. Người làm nghề bức xúc cho rằng các sản phẩm quái dị ở đây đã phá nát gia tài sân khấu được những người tâm huyết xây dựng suốt mấy mươi năm qua. Càng nguy hiểm hơn khi sự đánh giá, thẩm định kiểu “game show” của các tên tuổi uy tín ngồi “ghế nóng” khiến cho những lệch lạc ấy có thêm sự cầu chứng.

Ở những chương trình được làm nghiêm túc, cẩn trọng như Sao nối ngôi, Chuông vàng vọng cổ,… tuy luôn mang lại cho khán giả nhiều cảm xúc về những nỗ lực của lớp người trẻ nhưng cũng mang lại nỗi buồn không ít về sự thua kém cả sắc lẫn tài của họ so với thế hệ đi trước. Bao năm qua, người trẻ muốn thi thố cứ phải nhai đi nhai lại các trích đoạn hay của những vở cải lương cũ, cố làm theo những ngôi sao cũ mà vẫn thấy khoảng cách xa vời vợi. Sân khấu cải lương vẫn tiếp tục là một dấu lặng lo âu trong tổng thể bản nhạc buồn của sân khấu TP HCM trong năm mới cho dù Nhà hát Hưng Đạo mới xây dự định sẽ chuẩn bị khai trương.
 
Tết này, hầu như tất cả các sân khấu đều tất bật dựng vở mới, song có lẽ cũng sẽ lặp lại tình trạng cũ, hết mùa Tết, “ánh đèn” lại leo lét, kéo theo nỗi lo cháy lòng của các ông bà bầu. Tiếp thu một gia sản đang bị hủy hoại từ nhiều năm trước, sân khấu 2017 như con tàu cũ nát đang ì ạch chạy trên đường ray vô định mà sự cứu rỗi chỉ còn trông chờ vào phép lạ.
 
Le lói chút ánh sáng lạc quan
 
Năm qua, nhạc kịch được xem là một hướng đi nhằm đem lại sự đổi mới cho sân khấu, được người xem hào hứng hưởng ứng song đây là loại hình đòi hỏi cao không những về sự đầu tư tiền bạc mà còn về kỹ năng đa dạng của diễn viên nên vẫn luôn là thách thức rất lớn.
 
Có lẽ hiện chỉ có một sân khấu không phải bù lỗ, sống được hoàn toàn nhờ tiền bán vé là Sân khấu Phẳng tọa lạc tại Nhà hát Thế Giới Trẻ. Các vở diễn ở đây tuy chưa phải là những vở đạt giá trị cao về nghệ thuật, chỉ mang nhiều yếu tố giải trí, nhẹ nhàng, vui vẻ nhưng quan trọng là có được sự tương đồng về mức cảm thụ giữa người diễn và người xem vì tất cả đều trẻ. Ở đây, bên cạnh sàn diễn của Nhà hát Thế Giới Trẻ, còn có sàn diễn khác gồm những giảng viên của trường, công diễn vào tối thứ năm hằng tuần, diễn những vở kịch chính luận mang chất chiêm nghiệm. Nhóm kịch này bao năm qua vẫn “bình tĩnh sống” với con đường làm nghề đậm phong cách “hàn lâm” của mình, lặng lẽ tự đem vở đến diễn hợp đồng ở nhiều địa phương trong cả nước. Tạm yên tâm với con đường đang đi, hai sàn diễn cùng một địa chỉ này bước vào năm 2017 với nhiều dự án háo hức. Có lẽ đây là chút ánh sáng lạc quan còn le lói của sân khấu TP HCM trong năm nay.
 
Cát Vũ/Theo Người lao động

Đọc thêm các bài khác