Hết thời cải lương hát rong?

Đăng lúc: 10:26 pm, Ngày 08/03/2017

Cứ mùa khô mỗi năm, nghệ sĩ ngôi sao cải lương lên đường xuôi ngược các địa phương miền Tây, miền Trung để hát sân bãi.

Nhưng năm nay, sân bãi ế ẩm, lượng vé bán không đủ bù chi, dẫn đến bầu sô phải hủy diễn. Nhà hát không có, đi hát sân bãi cũng không còn, nghệ sĩ cải lương vốn khó khăn nay càng khó khăn hơn.
 
Đói chắc!
 
Cả miền Tây và miền Đông Nam Bộ có đến 36 sân bãi, nơi hằng năm là điểm tổ chức biểu diễn của những gánh cải lương hát rong. Với đủ các chương trình đại nhạc hội, cải lương mang thương hiệu Vầng trăng cổ nhạc, Hội ngộ ngôi sao, Danh ca vọng cổ… thay nhau khai thác thị phần biểu diễn tại các vùng nông thôn hẻo lánh để có thể mỗi đêm, mỗi chương trình sáng đèn được từ 3 đến 4 điểm diễn. Nhưng từ sau Tết nguyên đán đến nay, chỉ còn mỗi bầu Phương Tường và Trường Thanh cầm cự được ở một vài sân bãi lớn tại Tây Ninh, Sóc Trăng, Long An, Rạch Giá, Bến Tre, Đồng Tháp…; còn lại các bầu Út Tài, Tư Diệp, Ba Linh, Chín Mén, Hội Lô Tô, Tùng Quắn, Thảo Mai, Chí Thiện, Long Đen, Cần Thạnh… đều “gãy gánh”.
Tiết mục trình diễn tân cổ giao duyên của NSƯT Kim Tiểu Long tại một sân bãi ở tỉnh Tây Ninh.
 
Có bầu đoàn dựng sân khấu và vòng bao xong, đọc loa quảng cáo đủ các nghệ sĩ tài danh nhưng chỉ bán được vài chục vé, đành phải trả rồi dọn sang điểm khác. “Đã vào đến tận các ngõ ngách hẻo lánh nhất của miền Tây, cứ nghĩ sẽ thắng lớn nhưng rồi thua đau, lỗ tiền thuê vỏ lãi vận chuyển. Tuần qua, tôi thử thời vận ở 3 điểm thì đều lỗ, mất khoảng 50 triệu đồng. Tổ hết thương cải lương hát rong rồi hay sao ấy. Đói là cái chắc!” - bầu Út Tài thở dài. Út Tài nổi tiếng tổ chức chương trình Tân vầng trăng cổ nhạc, xuôi ngược khắp các vùng nông thôn nhưng chưa năm nào thất bát như năm này. 
 
Bầu Tùng Quắn, chuyên “canh tác” tại các làng biển, than: “Vụ đi biển năm nay coi bộ cũng trúng lớn nhưng ngư dân hổng mấy người mặn mòi với chương trình văn nghệ này nữa, vé bán mỗi suất mỗi tụt; đánh một đêm 4 điểm nhưng chỉ thắng được 1 điểm, 3 điểm còn lại bán chưa tới 400 vé”.
 
Lý giải nguyên nhân khiến sân bãi rơi vào tình trạng kiệt quệ, bầu Chín Mén cho biết nghệ sĩ cải lương ngôi sao chỉ có bấy nhiêu người, tuồng tích, bài ca có khi khán giả thuộc hết lời. Trên màn ảnh truyền hình, chương trình cải lương ngày càng lộng lẫy; âm thanh hay, ánh sáng rực rỡ; mở kênh nào cũng thấy nghệ sĩ mình yêu thích thì khán giả chẳng còn thèm khát gì mà đến sân bãi nhìn như chuồng gà, chuồng bò, sình lầy, cỏ mọc um tùm; đã vậy một số nghệ sĩ còn hát nhép, diễn vội vội vàng vàng để kịp chạy sô nên không đủ sức hấp dẫn bà con nông dân như trước.
 
Viễn cảnh mờ mịt
 
Theo nghệ sĩ Khánh Tuấn, vì không đủ tiền trả cát-sê cho nghệ sĩ khi cố mở màn tại một điểm diễn ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, một bầu sô đã trốn trong gầm xe tải. “Anh ấy nghĩ cứ mở màn rồi bà con khán giả sẽ kéo đến nhưng sân bãi chỉ bán được 52 vé. Còn nghệ sĩ mời diễn thì ùn ùn kéo đến đông hơn người xem, kèm theo vũ đoàn, diễn viên phụ. Nhưng cứ tự bỏ tiền xăng, xe chạy đến điểm diễn rồi về tay không như vậy nên nghệ sĩ ai cũng nản. Tôi có xe còn đỡ, có người phải đi thuê xe, khổ triền miên” - nghệ sĩ Khánh Tuấn nói.
 
Thực tế, nguyên nhân khiến các bầu sô lỗ còn do một số ngôi sao đòi giá cát-sê quá cao. Giá vé từ 50.000 đồng năm ngoái nay đã tăng 120.000 đồng, đối với sân bãi là quá đắt. Có những điểm diễn ở vùng sâu, vùng xa giá vé từ 60.000 đến 80.000 đồng nhưng điểm diễn càng xa thì cát-sê của nghệ sĩ càng tăng, từ đó dẫn đến bầu sô lỗ vốn.
 
Có nhiều nguyên nhân đẩy cải lương sân bãi đến cáo chung nhưng ở đây cần chỉ rõ trách nhiệm làm nghề của nghệ sĩ. Quả thật, có nghệ sĩ yêu nghề, đam mê ca diễn bằng cả trái tim nhưng phần lớn vẫn ỷ vào tên tuổi, không chịu đầu tư. “Có mỗi chiếc đĩa thu âm sẵn dùng chạy sô quanh năm suốt tháng, hễ thấy mặt thì biết ngay nghệ sĩ đó sẽ hát tiết mục gì, chính họ tự giết mình khi cứ hát với đĩa thu âm, thậm chí thu tiếng trước để hát nhép” - bầu Chí Thiện nói.
 
Công chúng dù ở nông thôn hay thành thị thì nay đã có nhiều thứ giải trí để lựa chọn. Sự hâm mộ nghệ sĩ ở thời buổi bùng nổ internet cũng khác trước. Chính việc kinh doanh giải trí ở sân bãi diễn ra tệ hại đã giết chết niềm đam mê sân khấu cải lương của khán giả nông thôn. Tất nhiên, cải lương sân bãi chết cũng chấm hết con đường hát rong mà lâu nay nhờ nó mà không ít nghệ sĩ kiếm ra tiền.
 
NSND Lệ Thủy tâm sự: “Thời buổi sàn diễn eo hẹp, nghề hát cải lương đi vào ngõ cụt. Khó khăn nhiều nên thách thức cũng nhiều. Nếu cải lương ở sân bãi hết thời, nghệ sĩ không còn phương kế sinh nhai, viễn cảnh trước mắt quả là mờ mịt”.
 
Thanh Hiệp/Theo Người lao động

Đọc thêm các bài khác