Tích cực đẩy viral (lan tỏa) trên mạng, nhưng rating của 2 chương trình vẫn “rơi tự do”. Kết quả, "The Face" thu 13 tỷ đồng, "Vietnam's Next Top Model" thu 7 tỷ đồng quảng cáo.
Không thể phủ nhận sức hút của 2 chương trình Gương mặt thương hiệu 2017 - The Face và Người mẫu Việt Nam - Viet Nam Next Top Model All Stars trên cộng đồng mạng trong thời gian qua. Nhưng trên truyền hình, sự quan tâm của khán giả dường như vẫn chưa đủ “hot” để nâng chi phí quảng cáo của 2 chương trình lên cao.
Đối với các show truyền hình thực tế, drama là yếu tố bắt buộc để tạo nên tính hấp dẫn cho chương trình. Thuật ngữ drama trong show truyền hình thực tế là ghi nhận sự việc hay tình huống đầy kịch tính.
Mục đích là tạo ra các tình huống cao trào gây cảm xúc vui vẻ, phấn khích, tức giận, yêu thương… cho khán giả khi xem chương trình. Drama còn được hiểu là tính kịch, tức là sự diễn xuất có kịch tính trước người xem.
Bên cạnh đó, hiện nay, game show được trình chiếu dày đặc trên các kênh truyền hình, khiến tính cạnh trạnh của các thể loại này tăng cao. Các đơn vị sản xuất nội dung chương trình truyền hình, nhà Đài phải trăn trở với bài toán thu hút sự quan tâm của khán giả truyền hình.
Nhưng việc đẩy mạnh viral (lan tỏa) trên mạng có lẽ là chưa đủ hoặc đang thừa thiếu trong chiến lược quảng bá chương trình của các đơn vị này. Trong 6 tháng đầu năm 2017, hệ thống đo lường định lượng khán giả truyền hình VIETNAM-TAM đo 178 kênh truyền hình thì có 162 chương trình game show được phát sóng, nhưng doanh thu không đạt như kỳ vọng.
Rating của Gương mặt thương hiệu năm 2017 giảm mạnh so với mùa đầu.
Chỉ số rating rơi tự do
Trên mạng xã hội thời gian qua chú ý đặc biệt tới 2 chương trình Gương mặt thương hiệu và Người mẫu Việt Nam. Bởi 2 chương trình truyền hình thực tế này, có sự tham gia của các thí sinh và huấn luyện viên nổi tiếng, có lượng fans tương đối lớn trên cộng đồng mạng.
Cả hai được khán giả cũng như các chuyên gia trong ngành so sánh với nhau vì có sự tương đồng về nội dung lẫn hình thức qua các vòng thi. 2 chương trình na ná nhau đến độ khán giả truyền hình có thể nhầm lẫn bởi vẫn là những bài thi tạo dáng chụp ảnh trước ống kính hay quay TVC quảng cáo qua các tập phát sóng. Mỗi tập phát sóng loại một người.
Hiện tại, chương trình Gương mặt thương hiệu đã khép lại sau 12 tập phát sóng. Theo báo cáo từ VIETNAM-TAM, trung bình, 1 phút chương trình này đạt 1,08% dân số TP.HCM theo dõi, tức trung bình 1 phút có đến 64.486 người đã xem.
Đối với thị trường Hà Nội, chương trình Gương mặt thương hiệu lại có sức hấp dẫn hơn. Sau 12 tập phát sóng thu về được trung bình 1 phút đạt 4,96% dân số theo dõi, tức 1 phút có đến 161.370 người đã xem chương trình. Trên kênh YouTube phát sóng chương trình Gương mặt thương hiệu trung bình thu hút từ 1,5-2 triệu người theo dõi mỗi tập phát sóng.
Để đạt được điểm rating như vậy, phía đơn vị sản xuất nội dung và nhà Đài đã cố gắng nhiều trong việc đẩy mạnh drama và viral trên mạng. So với mùa 1 năm 2016, mùa 2 đã bị giảm rating rõ rệt.
Có thể do mùa 1 sở hữu dàn thí sinh cá tính, tất cả tình huống drama đều xảy ra ở thí sinh cho nên chương trình thu hút hơn. Còn mùa 2, hầu hết các thí sinh một màu với nhau là gương mặt đẹp, nữ tính, do vậy mà các tình huống drama đã đổ dồn về 3 huấn luyện viên của chương trình.
Ở mùa 1, tại thị trường Hà Nội, trung bình 1 phút có 5,94% dân số theo dõi chương trình, tức trung bình 1 phút có 191.993 người xem. Còn ở TP.HCM, chắc do sự cạnh tranh của nhiều gameshow khác nên chương trình này chỉ đạt trung bình 1 phút có 1,39% dân số (85,507 người xem) trong 12 tập phát sóng.
Nếu hỏi một khán giả truyền hình rằng, “Điều gì gây chú ý và hứng thú với họ khi xem chương trình Gương mặt thương hiệu 2017?”. Chắc chắn họ sẽ trả lời rằng, điều đáng chú ý nhất có lẽ là hàng loạt ca dao tục ngữ được người mẫu Hoàng Thùy dùng trong các tập phát sóng.
Sau mỗi tập phát sóng, cộng đồng mạng lại truyền tay nhau những bức ảnh “chế” hài hước và phong cho người mẫu Hoàng Thùy là “tiến sỹ văn học”.
Đơn vị sản xuất chương trình không để Hoàng Thùy chiếm sóng drama nên đã tạo bất ngờ cho khán giả trước trận chiến nảy lửa của người mẫu Minh Tú và Lan Khuê với những câu nói “bất hủ” mượn từ các chương trình khác trên thế giới để khẩu chiến như: “Bôi cái môi thâm đi rồi nói chuyện với chị”,… Còn về thí sinh, họ chắc không đọng lại nhiều trong tâm trí của khán giả khi theo dõi chương trình.
Về chương trình Người mẫu Việt Nam, có lẽ do thí sinh xuất thân từ làng mẫu, có tiếng tăm, tuổi đời và kinh nghiệm nhiều hơn nên “drama” của chương trình được chính các thí sinh tạo ra.
Điều gây ấn tượng cho khán giả chính là cá tính của các thí sinh được đẩy lên cao và tính kịch. Chính giám khảo Nam Trung cũng nói trong chương trình phát sóng rằng, thí sinh đã thể hiện quá đà và khác hẳn tính cách hiền lành ngoài đời thực, điều đó có thể khiến nhiều người ghét họ hơn, thậm chí ảnh hưởng đến sự nghiệp của họ.
Cao trào của chương trình là những trận chiến diễn ra giữa 2 đội là “Team sang” và “Team ảo”. Không chỉ dừng lại ở khẩu chiến, sự đối lập còn xảy ra ở cả hành động của thí sinh như ném đồ đạc vào nhau, nhưng chi tiết này đã được cắt khi lên sóng.
Nhưng rating của chương trình Người mẫu Việt Nam lại thấp hơn nhiều so với chương trình Gương mặt thương hiệu. Có lẽ do chương trình đã qua 8 mùa phát sóng, do đó khiến khán giả truyền hình không còn hứng thú để theo dõi. Mặc dù mới phát sóng 10 tập nhưng chương trình chỉ đạt rating trung bình 0,76% tại TP.HCM và 3,54% tại thị trường Hà Nội.
2 chương trình không chỉ có điểm chung về nội dung và hình thức mà đều được mua bản quyền từ Mỹ. Sau mỗi tập phát sóng trên truyền hình, cả 2 chương trình đều được các đơn vị sản xuất nội dung đưa ngay lên kênh YouTube, đây cũng là một điểm yếu khiến khán giả rời bỏ tivi.
Các nhà sản xuất đã nỗ lực đẩy drama và các clip, hình ảnh dạng trailer trên mạng sau mỗi tập phát sóng nhưng nhìn chung rating vẫn không thay đổi nhiều qua các tập, thậm chí còn có sự “rơi tự do” ở một số tập phát sóng.
Nguồn thu từ quảng cáo của 2 chương trình.
The Face thu 13 tỷ đồng, VN's Next Top Model thu 7 tỷ đồng quảng cáo
Về chi phí quảng cáo, cùng phát trên một kênh truyền hình vào khung giờ vàng, nhưng 2 chương trình lại có sự chênh lệch lớn về giá cũng như sức hút quảng cáo.
Sau 9 tập phát sóng, Gương mặt thương hiệu đã giúp nhà Đài thu về hơn 13 tỷ đồng với số lượng 92 lượt quảng cáo (chỉ xét TVC và theo báo giá trên website của Đài truyền hình).
Còn đối với Người mẫu Việt Nam, chương trình chỉ thu về hơn 7 tỷ đồng, bằng một nửa so với Gương mặt thương hiệu.
Nhưng điều khiến khán giả bất ngờ hơn cả là Gương mặt thương hiệu lại phải dùng sản phẩm “tự chế” để lồng ghép vào các phần thi như sữa tắm “The Face”…
Ngược lại, các thử thách của Người mẫu Việt Nam đều có sự tham gia của các nhãn hàng. Câu hỏi đặt ra, phải chăng phía đơn vị sản xuất nội dung và nhà Đài của chương trình Gương mặt thương hiệu đưa ra giá tài trợ quá cao khiến nhãn hàng phải dè chừng?
Minh chứng 1 điều ở đây chính là cùng một nhãn hàng thời trang khi tham gia vào thử thách, đánh giá thí sinh của cả 2 chương trình, thì quà tặng nhãn hàng này tặng cho thí sinh chiến thắng ở thử thách cá nhân trong Gương mặt thương hiệu lại cao hơn gấp đôi so với Người mẫu Việt Nam.
Sau một mùa giải về người mẫu kết thúc, có lẽ đơn vị sản xuất nội dung chương trình cần thực sự quan tâm đến rating hơn nữa, thay vì chạy theo viral trên mạng.
Bởi khán giả của Internet với khán giả truyền hình không giống nhau về đặc điểm, hành vi và cả thói quen. Nếu phía nhà sản xuất, nhà Đài muốn đẩy mạnh doanh thu quảng cáo, cần phải gây chú ý từ phía khán giả truyền hình.
Đây cũng chính là điều mà các nhãn hàng, nhà tài trợ mong muốn khi thực hiện quảng cáo trên truyền hình.
Vũ Minh/Theo Zing