Sân khấu kịch đang chạy theo Bolero nhưng nếu nội dung vở kịch không bảo đảm chất lượng, kịch và nhạc không quyện vào nhau, sẽ là thất bại.
Sau hàng loạt thành công về loạt chương trình nhạc Bolero như Solo cùng Bolero, Tình Bolero và Kịch cùng Bolero… sân khấu kịch TP.HCM bắt đầu khai thác dòng nhạc Bolero cho các vở kịch nói, theo cách đưa những bài hát Bolero trở thành một phần của câu chuyện kịch, gọi là kịch Bolero.
Nhạc kịch kiểu Bolero
Cách đây không lâu, Đài Truyền hình Vĩnh Long và Công ty Truyền thông Khang cho ra mắt chương trình Kịch cùng Bolero trên kênh THVL với tâm ý cho khán giả truyền hình hôm nay hiểu thế nào là sân khấu kịch nói, thông qua dẫn dụ của các ca khúc Bolero phù hợp với nội dung câu chuyện được lồng ghép vào.
Chương trình nhận được hưởng ứng của nghệ sĩ và sự đón nhận của công chúng, xua tan những nghi ngại ban đầu của dư luận trong giới về sự thể nghiệm mới mẻ này. Nhiều người làm nghề sân khấu nhận ra đây cũng là hình thức thể hiện như một vở nhạc kịch, có yếu tố mới lạ có thể giúp cho sân khấu kịch nói thu hút khán giả trong tình cảnh sàn kịch ngày càng thưa vắng người xem.
Hình ảnh từ chương trình Kịch cùng Bolero.
Kịch cùng Bolero có thời lượng 20 phút, trong nội dung câu chuyện có lồng vào 1-2 bản nhạc hay đoạn nhạc Bolero phù hợp tâm trạng nhân vật và nội dung câu chuyện một cách nhuần nhuyễn để đẩy cảm xúc của người xem, nâng giá trị vở diễn lên, giúp khán giả cảm nhận sâu sắc hơn về nội dung những bài hát Bolero được đưa vào.
Kỳ nữ Kim Cương nhắc lại: "Thập niên 1960, tôi đã nghĩ ra đặt hàng một ca khúc để đưa vào phục vụ diễn xuất cho nhân vật kịch. Nhạc sĩ Lam Phương là người tôi chọn bởi nét nhạc của anh tình tứ, giai điệu đầy xúc cảm, rất hợp với tâm lý của kịch. Ca khúc Duyên kiếp bẽ bàng của Lam Phương ra đời để lồng vào vở Lá sầu riêng.
Cảnh trong vở Lá sầu riêng của NSND Kim Cương - nơi ra đời của ca khúc Duyên kiếp nổi tiếng.
Sau này, bỏ hai chữ "bẽ bàng", ca khúc Duyên kiếp đã trở thành ca khúc độc lập, hễ khán giả hát "Em ơi nếu mộng không thành thì sao…" thì nhớ đến vở kịch Lá sầu riêng. Từ đó, sân khấu kịch mở ra việc đưa ca khúc vào". Theo NSND Kim Cương, hình thức thể hiện phải luôn mới mẻ thì sẽ nhận được sự đồng tình của khán giả, tạo được sức hút.
Mở đường để đi
Với Sân khấu Kịch Trịnh Kim Chi, sự ra đời của vở kịch Bolero Hồn bướm mơ hoang cũng là một cách mở đường để đi. "Chúng tôi mong muốn thu hút khán giả đến với kịch vì khán giả sân khấu tại quận 6 đa phần là dân lao động, họ thuộc nằm lòng rất nhiều bài hát của dòng nhạc Bolero. Dòng kịch này sẽ là bước thử nghiệm cách làm của chúng tôi trong việc thu hút khán giả đến với sân khấu của mình" - NSƯT Trịnh Kim Chi bộc bạch.
Khi nhận lời tham gia cùng đạo diễn Ngọc Duyên, NSƯT Tuyết Thu cũng đã từng phân vân chương trình Kịch cùng Bolero thì kịch là chính hay nhạc là chính? Kịch được viết theo nội dung một bài nhạc Bolero hay nhạc được chọn theo kịch? "Với suy nghĩ của tôi, những bài hát Bolero sẽ hỗ trợ cảm xúc cho nhân vật kịch, vấn đề là cách chọn lọc bài hát đưa vào như thế nào để làm thăng hoa cảm xúc vở diễn" - NSƯT Tuyết Thu bày tỏ.
Cảnh trong vở kịch Hồn bướm mơ hoang (tác giả: Mỹ Dung, đạo diễn: Thái Kim Tùng).
"Với cách dựng kịch thời lượng 20 phút dựa theo một cảm xúc từ ca khúc, tác phẩm văn học, phim ảnh,... được gọi là "biến đoạn". Những cảm xúc thăng hoa với cách kể khác đi nội dung bài hát sẽ mở ra suy nghĩ mới cho người xem về câu chuyện trong bài hát mà mình đã biết. Nhưng đối với kịch dài, cách chọn ca khúc Bolero để phục vụ cho diễn xuất phải đắt. Trên thực tế dòng nhạc này rất chậm, khó thay cho ngôn ngữ hành động, tâm lý của nhân vật kịch. Không khéo sẽ rất phản cảm" - NSƯT Nguyễn Công Ninh, thầy giáo của nhiều thế hệ nghệ sĩ sân khấu, phân tích.
Chỉ mới bước đi mang tính thăm dò với kỳ vọng cho sàn kịch có thêm những trải nghiệm thú vị, kịch Bolero hứa hẹn trở thành hình thức thể hiện mới để sân khấu kịch thêm phong phú màu sắc. Nhưng nếu như làm kịch chỉ để ăn theo dòng nhạc đang được yêu thích mà nội dung vở kịch không bảo đảm chất lượng, kịch và nhạc không quyện vào nhau sẽ là thất bại, thậm chí là thảm họa. Không thể đặt trên vai dòng nhạc đang ăn khách sứ mệnh cứu sinh cho sân khấu kịch, chính tác giả kịch bản và đạo diễn phải làm chủ ngôi nhà của mình.
Thanh Hiệp/Theo NLĐO