Huyền thoại của nhóm The Beatles chụp ảnh khỏa thân với vợ chỉ vài giờ trước khi bị fan cuồng sát hại năm 1980.
Ngày 8/12 cách đây 37 năm, John Lennon qua đời ngay trước cửa khu căn hộ Dakota ở Manhattan, New York, Mỹ khi bị Mark David Chapman nã súng liên tiếp. Những nhân viên cảnh sát và bác sĩ phẫu thuật cho ca cấp cứu đưa John Lennon tới bệnh viện kể trên Inside Edition về đêm định mệnh điên cuồng.
Sau sinh con đầu lòng - Sean, John Lennon và Yoko Ono quyết định rời bỏ lối sống hoang dã để chuyển về khu Manhattan năm 1974. Gia đình John Lennon rất nổi tiếng trong khu phố kể từ khi chuyển về sống. Họ thường đi dạo quanh Công viên Trung tâm mà không có vệ sĩ đi cùng.
Sĩ quan Herb Frauenberger kể về đêm John Lennon ra đi: "Đó là một đêm tháng 12 điển hình, lạnh giá và trời trong". John Lennon (khi đó 40 tuổi) có một ngày bận rộn. Sáng đó, ông và vợ đón nhiếp ảnh Annie Leibovitz của tờ Rolling Stone tới nhà, chụp bức ảnh bìa, trong đó John Lennon khỏa thân, ôm vợ.
Bộ ảnh Annie Leibovitz chụp vợ chồng John Lennon vào buổi sáng ngày ông bị giết.
Sau đó, khoảng 4h30 chiều, John Lennon và Yoko Ono rời căn hộ. Họ gặp một người đàn ông đứng dưới tòa nhà để xin chữ ký của ca sĩ. Đây là việc hoàn toàn bình thường bởi John Lennon thường xuyên giao lưu với người hâm mộ tụ tập bên ngoài nhà mình. Theo Inside Edition, John Lennon hỏi người này có muốn điều gì khác không, nhưng anh ta nói chỉ muốn xin chữ ký lên album Double Fantasy.
Vợ chồng John Lennon sau đó tới phòng thu để làm việc với nhà sản xuất Jack Douglas - người thực hiện bản single Walking on Thin Ice của Yoko Ono trong album Double Fantasy.
10h tối, cặp sao trở về nhà. Họ xuống xe ở lối vào ngay phía trước tòa nhà Dakota. Yoko Ono hỏi chồng xem có muốn ăn chút gì ở nhà hàng gần đó không nhưng John Lennon từ chối. Danh ca nói ông muốn lên nhà chúc con trai Sean (5 tuổi) ngủ ngon và để vú em được ra về.
Khi họ bước tới sát cửa tòa nhà, người hâm mộ xin chữ ký ban sáng bỗng tiến lại gần. Lần này, hắn cầm theo súng và bắn bốn phát vào ngực John Lennon.
Kẻ bắn súng sau đó được xác định danh tính là Mark David Chapman, 25 tuổi. Hắn ở lại nơi gây án và chờ cảnh sát tới bắt, trong tay cầm cuốn Bắt trẻ đồng xanh (The Catcher in the Rye). Peter Cullen và Steve Spiro là hai viên cảnh sát có mặt tại hiện trường sớm nhất, khoảng 10h30 tối. "Khi nhận được điện thoại, chúng tôi cứ nghĩ rằng đó là tiếng pháo hoa chứ không phải nổ súng, bởi dịp đó là năm mới của Trung Quốc", cảnh sát Peter Cullen nhớ lại.
Lúc cảnh sát tới, John Lennon đang nằm trước sảnh, mọi người vây quanh ông. "Ai cũng cứng đờ người", Peter Cullen kể. John Lennon bị chảy máu ở miệng và ngực nhưng tim vẫn đập.
John Lennon và hình ảnh của kẻ sát nhân Mark David Chapman.
Không chờ được xe cứu thương, các nhân viên sử dụng xe cảnh sát đưa John Lennon tới bệnh viện Roosevelt gần đó. Họ cố gắng nói chuyện với John Lennon khi đặt ông nằm ở ghế sau. Theo hai nhân viên cảnh sát Bill Gamble và Jim Moran, John Lennon vẫn có ý thức và gật đầu đáp lại các câu hỏi cơ bản.
Yoko Ono cũng được đưa tới bệnh viện trong tình trạng bị sốc. John Lennon vào phòng cấp cứu với tình trạng mất nhiều máu, tim ngừng đập. Bác sĩ Halleran kể: "Chúng tôi chẳng cứu nổi anh ấy. Chúng tôi không thể lấy lại nhịp tim, huyết áp hay phản ứng của John Lennon. Anh ấy khi đó đã đi mất rồi".
Đêm đó, MC Howard Cosell là người tiết lộ tin buồn tới khán giả khi đang dẫn chương trình Monday Night Football. Sau đó, giám đốc bệnh viện Stephen Lynn mở một cuộc họp báo. Bác sĩ Halleran nói ông và các đồng nghiệp đã làm mọi thứ để cứu John Lennon nhưng bất lực.
John Lennon được hỏa táng. Yoko Ono quyết định không tổ chức tang lễ.
Cảnh sát Peter Cullen kể về lời khai của tên sát nhân Mark David Chapman vào đêm giết John Lennon: "Hắn nói trong người hắn có một gã tí hon và một người khổng lồ. Đêm đó, gã tí hon đã thắng". Hắn khai đã lên kế hoạch tấn công John Lennon từ trước đó nhưng đều thất bại.
Mark David Chapman bị buộc tội giết người mức độ hai và nhận tội. Tháng 8/1981, hắn bị kết án từ 20 năm tù đến chung thân. Từ năm 1981 đến 2012, Mark David Chapman bị giam trong Nhà tù bang Attica ở New York. Hiện, hắn vẫn ngồi tù và nhiều lần bị từ chối phóng thích, lần gần nhất là năm 2016.
Yoko Ono vẫn sống trong tòa nhà Dakota. "Đó vẫn là nơi chúng tôi từng sống bên nhau và có khoảng thời gian tuyệt vời. Đó là những giây phút ngọt ngào của gia đình", Yoko Ono nói trên Inside Edition năm 1995.
Năm 1985, thị trưởng thành phố New York và Yoko Ono thực hiện công trình tưởng niệm nhỏ ở Công viên Trung tâm. Bức tranh khảm hình những giọt nước mắt, bao quanh dòng chữ "IMAGINE" (tên ca khúc nổi tiếng của John Lennon). Từ căn hộ của mình, Yoko Ono có thể nhìn qua cửa sổ để thấy người hâm mộ tới đây đặt hoa, nến và hát các sáng tác của John Lennon.
Minh Anh/Theo VnExpress