Luôn đắm mình vào việc tôn thờ vẻ đẹp phụ nữ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên chờ đợi tới 10 năm để “cuộc tình” với ảnh nude (khỏa thân) nghệ thuật được chính thức đơm hoa kết trái.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên (tên thật Nguyễn Thái Phiên) sinh năm 1960 tại Huế. Anh là Hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN, đã được phong tước hiệu E.VAPA/G (Gold Excellence Artist of Vietnam Association of Photographic Artist), hội viên Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP), đã được phong tước hiệu E.FIAP (Excellence Artist of International Federation of Photographic Art - Fédération Internationale de L’Art Photographique).
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên.
Anh từng đoạt 52 giải thưởng trong nước và quốc tế, có trên 300 tác phẩm được chọn triển lãm tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hai tác phẩm Xuân thì và Lối về được trưng bày tại Viện Bảo tàng nhiếp ảnh nghệ thuật Tây Ban Nha - MIF).
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên là chủ biên bộ sách Những tác phẩm nhiếp ảnh đoạt giải thưởng quốc tế, được FIAP chọn đưa vào thư viện của FIAP. Tác giả của tập sách ảnh và bộ lịch khỏa thân nghệ thuật Xuân thì đầu tiên tại VN, cuốn sách được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN trao cúp VAPA và được Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM bầu chọn là một trong 10 sự kiện văn hóa nổi bật của năm 2008.
Vào cuối tháng 3 này, cuốn sách ảnh nude nghệ thuật thứ hai của Thái Phiên có tên Miền cổ tích sẽ chính thức được phát hành, đánh dấu chặng đường 10 năm sáng tác ảnh nude nghệ thuật của anh (2008 - 2018).
Là một trong những nhiếp ảnh gia hiếm hoi ở VN đeo đuổi ảnh nude nghệ thuật, vì sao anh luôn “trung thành” với thể loại này dù gặp không ít khó khăn?
-Rốt cuộc thì sau bao nhiêu trăn trở, chạy xất bất xang bang để xin giấy phép, phập phồng chờ đợi, hy vọng để rồi lại thất vọng…, nay tôi đã có thể thở phào kê cao gối, ôm cuốn sách và “nằm mộng”, lên kế hoạch cho những chuyến đi chụp hình tiếp. Tôi luôn có sự giằng xé nội tâm, vừa muốn gào thét lên, khoe với cả thiên hạ về “đứa con tinh thần”, về những bức hình tuyệt đẹp mà mình đã phải cân nhắc, đắn đo; nửa lại muốn “xù lông xù cánh” với tâm thế bảo vệ những cái đẹp mong manh trước miệng lưỡi người đời. Tôi đeo đuổi ước mơ này vì thật sự đam mê nó.
Anh từng nếm trải nhiều lời đàm tiếu, thị phi khi trót mê chụp ảnh nude, vì sao anh chấp nhận điều đó?
-Tôi chấp nhận mọi lời phán xét của thiên hạ, gia đình tôi cũng chấp nhận chuyện đó bởi hơn ai hết, tôi và vợ đều hiểu rõ thực chất công việc của một nhiếp ảnh gia thực sự là hết lòng vì cái đẹp, không chút tà niệm.
Không tà niệm mới chụp được ảnh nude nghệ thuật, nghe có vẻ dễ nhưng khi làm dường như không hề dễ?
-Tôi mê chụp ảnh từ khi còn ngồi trên ghế Trường đại học Mở TP.HCM năm 1993 - 1995. Tôi luôn được bạn bè sinh viên ngưỡng mộ trước những tấm hình đẹp do tôi bấm máy. Niềm đam mê nhiếp ảnh đã lan tỏa, tác động tới không ít bạn bè cùng trang lứa. Nhiều bạn học cùng lớp đã mua máy ảnh, mua chân máy, nhờ tôi chỉ dạy, thậm chí có bạn còn xin đi theo… cầm đèn để học kinh nghiệm. Thế nhưng để tạo ra được những bức ảnh nude nghệ thuật thật không dễ dàng.
Muốn đuổi theo cái đẹp mong manh và khó nắm bắt của phụ nữ, nhiếp ảnh gia phải toàn tâm toàn ý vào sáng tác, không chút tà niệm, tâm hồn trong sáng. Khi đã cầm máy lên, chỉ tập trung vào kỹ thuật, đứng ở góc độ nào thì sẽ “săn” được bức ảnh đẹp nhất.
Ảnh hậu trường sáng tác của nghệ sĩ Thái Phiên tại Lâm Đồng.
Anh có giấu nghề hay sẵn sàng chia sẻ với mọi người bí quyết để có bức ảnh đẹp?
-Từ khi có trang web riêng và mạng xã hội, tôi thường chia sẻ các tác phẩm nude nghệ thuật của mình và bình thản đón nhận vô số lời bình phẩm, khen có, chê có, thậm chí ác ý cũng có. Cũng có rất nhiều nam giới nhắn tin, gọi điện xin đi theo làm “học trò” nhưng tôi không dám nhận. Phần vì không biết rõ họ là ai, phần vì biết tâm lý đám đông chủ yếu muốn đi theo vì tò mò, vì muốn gặp các cô người mẫu.
Có trường hợp tôi đành phải từ chối sự hợp tác của một trợ lý khi phát hiện người này đã rung động trước một cô người mẫu vừa chụp hình xong và nhắn tin xin hẹn riêng với cô. Rủi thay, cô người mẫu đã thông báo lại cho tôi nhằm tránh né những nguy cơ rắc rối không muốn có.
Vợ anh có thấy phiền khi chồng suốt ngày đưa các cô người mẫu đi chụp nude khắp nơi?
-Vợ tôi không hề ghen tuông hoặc hiểu lầm vì rất hiểu tính chất công việc của chồng. Tuy nhiên mỗi chuyến “săn bắt nghệ thuật” như vậy thường khá đắt đỏ, bởi để có được những bức ảnh chụp ngoài trời đẹp, độc lạ, đòi hỏi ê kíp chụp phải di chuyển đi xa.
Khác với nhiều người lầm tưởng rằng người mẫu nude phải rất trẻ đẹp, phần lớn các người mẫu của tôi đều là những người rất bình thường, vì yêu cái đẹp mà tự liên hệ xin được chụp. Với mỗi người, tôi sẽ lựa chọn ra những góc đẹp nhất để chụp làm sao tôn vinh được vẻ đẹp của họ. Những phần cơ thể không còn đẹp nữa, tôi sẽ có cách che đi bằng cách đánh ánh sáng hoặc sử dụng các phụ kiện để giấu bớt như khăn, voan…
Cái hay của người nghệ sĩ nhiếp ảnh là ở chỗ họ nhìn vào đâu, họ sẽ biết cách khai thác cái đẹp như thế nào một cách hiệu quả nhất.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những lần đi chụp ảnh nude của anh?
-Lần nọ tôi đột ngột nhận được cuộc điện thoại từ số lạ. Một cô gái dưới ba mươi tuổi gọi cho tôi bằng giọng rất thảng thốt và một mực xin tôi ra Hà Nội để chụp nude cho cô. Cô gái cho biết cô vừa thử sinh thiết và biết mình bị ung thư ngực nên muốn chụp gấp trước khi lên bàn mổ cắt đi bầu ngực. Trước tình cảnh đó, tôi không đành lòng chối từ lời thỉnh cầu của cô. Tôi đã phải một mình lỉnh kỉnh mang túi đồ nghề, đèn đóm phụ kiện hành nghề vốn cồng kềnh mà thông thường vẫn có trợ lý đi theo hỗ trợ, bay từ TP.HCM ra Hà Nội để thực hiện ước nguyện chụp nude bầu ngực cho cô gái.
Tôi tìm một khách sạn và hẹn cô gái tới chụp. Buổi chụp hôm đó, trên ngực cô gái còn dính băng cá nhân che chỗ đã chọc để thử sinh thiết. Tôi xử lý phần đó chìm trong bóng tối nên đảm bảo tính hoàn mỹ của khuôn hình. Vừa chụp, nước mắt cô gái vừa rơi lã chã. Sau khi chụp xong, tôi tặng lại toàn bộ hình cho cô gái và từ chối nhận tiền thù lao cũng như mọi chi phí bay ra, ăn ở sinh hoạt tại Hà Nội. Tôi thấy được an ủi phần nào vì đã giúp cô gái hoàn thành được ước nguyện trước khi phải cắt đi bầu ngực. Đó cũng là lần duy nhất tôi chụp ảnh nude trong một tâm trạng buồn.
Một trong những bức ảnh của Thái Phiên trong sách Miền cổ tích.
Theo anh, cần mở cửa như thế nào để công chúng có thể tiếp cận nhiều với nghệ thuật tranh, ảnh khỏa thân?
-Nhu cầu về ảnh và sách ảnh nude nghệ thuật tại nước ta là luôn có, bởi nếu tìm kiếm trên mạng chỉ có thể tìm được khoảng 5% ảnh nude nghệ thuật, còn lại là ảnh nude phi nghệ thuật. Khó khăn trong việc cấp phép sách ảnh nude suốt 10 năm qua, tôi cho rằng do các nhà quản lý văn hóa e ngại trình độ dân trí còn thấp chưa thể tiếp cận được. Nhưng thực ra dân trí ngày nay đã rất cao, trình độ thẩm thấu nghệ thuật của người dân đã tăng.
Các nhà quản lý văn hóa phải như một cánh cửa mở để đưa nghệ thuật ra với công chúng. Nhưng nếu chỉ mở he hé thì không được. Và càng mở ít bao nhiêu thì công chúng càng ít được tiếp cận với nghệ thuật. Không có món ngon thì người ta đành phải ăn các món khác không ngon vậy. Chỉ khi cánh cửa được mở rộng, tiếp cận được nghệ thuật nhiều hơn, người dân sẽ tự khắc nhận định được ranh giới rõ ràng giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật.
Lucy Nguyễn/Theo Thanh Niên