Vụ tiền ảo iFan và chuyện nghệ sĩ bị lợi dụng

Đăng lúc: 8:11 am, Ngày 16/04/2018

Sự thật là ít nghệ sĩ có trách nhiệm tìm hiểu cặn kẽ khi tham gia các hoạt động quảng bá cho một thương hiệu, nhãn hàng nào đó nên dễ dàng bị lợi dụng.

Sau Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng, Lam Trường đến lượt ca sĩ Lệ Quyên chính thức ra thông báo phủ nhận thông tin họ có liên quan đến vụ lừa đảo của công ty kinh doanh tiền ảo iFan, chiếm đoạt 15.000 tỉ đồng của hàng ngàn nhà đầu tư khiến công luận xôn xao những ngày qua. Cũng như các ca sĩ đàn anh, Lệ Quyên cho rằng mình không hề dính dáng gì đến iFan, đã bị iFan "lợi dụng". Sự thật của việc lợi dụng này như thế nào?
 
"Không có lửa sao có khói"
 
Thông báo của ca sĩ Lệ Quyên viết: "Chúng tôi không biết công ty iFan, Modern Tech, Pincoin là của ai cả. Họ đã lợi dụng hình ảnh của Lệ Quyên để lừa đảo người dân. Chúng tôi khẳng định thông tin Lệ Quyên làm hình ảnh đại diện cho công ty lừa đảo đó là không chính xác. Phía chúng tôi xin khẳng định chưa bao giờ có bất kỳ một hợp đồng, thỏa thuận nào với công ty này. Hy vọng khán giả của Lệ Quyên luôn sáng suốt, tỉnh táo khi những công ty mang danh tiếng của nghệ sĩ ra để kêu gọi mọi người tham gia, đầu tư. Trong trường hợp nếu phía các công ty sử dụng hình ảnh của Lệ Quyên đi lừa đảo, chúng tôi sẽ liên hệ với luật sư và nhờ sự can thiệp của pháp luật để bảo vệ hình ảnh của mình".
 
Thực tế, nghệ sĩ bị iFan lợi dụng hình ảnh là có thật. Việc sử dụng sức ảnh hưởng của những người nổi tiếng làm "mồi nhử" công chúng - đặc biệt fan (người hâm mộ) của nghệ sĩ tham gia vào những cuộc chơi này là cách nhanh chóng mang lại hiệu quả.
 
Nhưng không hẳn nghệ sĩ không dính líu gì đến hệ thống này, chỉ là vô tình hay hữu ý mà thôi. Trước đó, hệ thống tiền ảo iFan có hợp tác với một công ty ứng dụng công nghệ, xây dựng app (phần mềm ứng dụng) dành cho nghệ sĩ. Những app này cho phép người sử dụng sản phẩm (gồm nhạc, hình ảnh) của thần tượng bằng cách trả phí. Chi phí để sử dụng app không phải bằng tiền mặt mà bằng coin (tiền ảo) do phía iFan sản xuất. Vài ca sĩ đã có buổi ra mắt app của mình khá hoành tráng sau đó.
 
Sự liên quan này đã giúp cho iFan được quyền sử dụng hình ảnh của nghệ sĩ vào mục đích lừa đảo trục lợi. Đó là chưa kể khi diễn ra các sự kiện quảng bá thu hút khách hàng cho hệ thống của iFan, hầu hết các nghệ sĩ ngôi sao được mời tham dự và biểu diễn với giá thù lao cao ngất ngưởng. Những hình ảnh của nghệ sĩ qua những sự kiện này cũng mặc nhiên trở thành tư liệu cho đơn vị tổ chức sử dụng quảng bá tràn lan.
Từ phải qua: Đàm Vĩnh Hưng, Lam Trường, Dương Triệu Vũ trong ngày ra mắt app Showbizstore, được tính phí bằng coin (tiền ảo).
 
Vô tư thành vô tâm
 
Thực tế, với nghệ sĩ, nguyên tắc chung của họ là "có thù lao thỏa đáng thì làm, xem đó là công việc". Còn các nhãn hàng, thương hiệu đều cần người của công chúng để quảng bá cho dự án, sản phẩm của họ. Việc chọn nghệ sĩ làm gương mặt đại diện cho sản phẩm, theo nhiều hình thức khác nhau, luôn mang lại hiệu quả.
 
Trong những buổi giới thiệu dự án bất động sản cao cấp, nhân viên bán hàng bao giờ cũng nhấn mạnh: "Ở đây, khu này có ca sĩ A, B, C, D,… người mẫu này, hoa hậu nọ, diễn viên kia,…Họ đều chọn ở những căn hộ này vì tiện ích, sang trọng,…".
 
Phương thức dùng người nổi tiếng quảng bá này thành công đến mức hầu hết các dự án bất động sản đều "kéo" ít nhất vài ba gương mặt showbiz tham gia các sự kiện của họ. Những thông tin sao hạng A như Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly,… sở hữu căn hộ cao cấp triệu USD, như từng được công bố trên báo, nay đã xưa rồi. Bây giờ, các ngôi sao được mời đến dự các buổi mở bán căn hộ của từng dự án với tư cách người ký hợp đồng mua bán. Những thông tin hình ảnh các sao đi xem nhà mẫu, đứng ngắm nghía các dự án bất động sản đang hoàn thiện, ký hợp đồng mua nhà hay hạnh phúc rạng ngời trong căn hộ mới,... được quảng bá sâu rộng trên các phương tiện truyền thông. Tất nhiên, chẳng có hợp đồng nào được ký. Tất cả chỉ là sô diễn sự kiện.
 
Thời gian gần đây, khi hoạt động quảng bá trên trang cá nhân đạt hiệu quả cao, các nhãn hàng đều thuê nghệ sĩ quảng cáo bằng cách viết status với những lời khen có cánh cho sản phẩm của họ. Theo thống kê, chỉ 1% nghệ sĩ khi có lời mời quảng bá sản phẩm là quan tâm tìm hiểu hoạt động của công ty, chất lượng sản phẩm và phải dùng thử để kiểm chứng chất lượng trước khi nhận lời, vì sợ quảng bá cho sản phẩm không tốt sẽ ảnh hưởng đến uy tín cá nhân. 99% còn lại chỉ cần thỏa mãn mức thù lao, nếu hợp lý là nhận ngay mà không quan tâm sản phẩm đó là gì, chất lượng ra sao. Son môi tự làm, thuốc trà giảm cân không thương hiệu, viện thẩm mỹ các kiểu,… đều được nghệ sĩ nhiệt tình quảng bá vì mức thù lao được trả khá.
 
Lâu lâu, khán giả lại thấy nghệ sĩ này xuất hiện trên báo với chiếc đồng hồ giá tỉ đồng hay chiếc vòng tay vài trăm ngàn USD. Kèm theo hình ảnh đó là những bài viết PR trên báo truy tận nhãn hàng, giá tiền và phân tích vì sao các ngôi sao lại thích nó nhiều đến thế. Công chúng có thể không biết nhưng người trong nghề đều hay đó là những sản phẩm quảng cáo, các sao được thuê đeo để quảng bá mà thôi. Việc một người nổi tiếng bỗng dưng gắn liền tên mình với một thương hiệu nào đó, thậm chí là xuất hiện trong buổi ra mắt phim có sao quốc tế hay trong một chuyến từ thiện do một nhãn hàng nào đó tổ chức… đều là thương vụ, đôi bên cùng có lợi.
 
"Vô tư nhận hợp đồng mà không quan tâm đến những gì sẽ xảy ra sau đó là tình trạng phổ biến của giới nghệ sĩ lâu nay. Chuyện kinh doanh của các nhãn hàng đúng là không liên quan đến chuyên môn của nghệ sĩ. Thế nhưng, nếu chịu để ý và có trách nhiệm hơn, chắc chắn nghệ sĩ sẽ có sự lựa chọn kỹ lưỡng hơn cho sự xuất hiện, gắn kết của họ khi được mời tham gia, hợp tác. Nếu gặp được đối tác tử tế không sao nhưng gặp phải trường hợp như iFan thì công chúng có nghi ngờ "nghệ sĩ dính líu" cũng không hẳn là vô lý" - một người trong giới nhận định. 
 
Thùy Trang/Theo Người Lao Động

Đọc thêm các bài khác