Nhàn phi mạnh mẽ và quả cảm sau vẻ ngoài mong manh

Đăng lúc: 12:28 pm, Ngày 12/09/2018

Xa Thi Mạn được đánh giá là một gương mặt nổi bật trên màn ảnh nhỏ phim truyền hình TVB với nhiều vai ấn tượng, gần đây nhất là Nhàn phi trong bom tấn hậu cung "Diên hi công lược".

Sinh năm 1975, với danh hiệu Á hậu 2 và giải thưởng Thí sinh có tiềm chất diễn xuất tại cuộc thi Hoa hậu Hong Kong 1997, Xa Thi Mạn gần như “thuận buồm xuôi gió” khi quyết định chọn công việc diễn viên. Ngay tác phẩm đầu tay Tuyết sơn phi hồ, cô đã được TVB giao vai nữ chính Miêu Nhược Lan.
 
Trong suốt hơn 20 năm với hơn 50 bộ phim, Xa Thi Mạn chưa bao giờ phải đóng vai thứ hay vai phụ, dù màn ảnh nhỏ TVB luôn có những lứa diễn viên trẻ đẹp hơn được lăng xê tích cực. Tài năng, sức hấp dẫn của Xa Thi Mạn luôn bảo đảm rating cho những tác phẩm do cô đảm nhận vai chính, nhất là các nhân vật cổ trang. Có thể kể đến như Chu Chỉ Nhược trong Ỷ thiên đồ long ký 2001, Ngọc Châu trong Bí màn bí mật 2, Nhĩ Thuần trong Thâm cung nội chiến, Lưu Tam Hảo trong Cung tâm kế… 
 
Nhắc đến Xa Thi Mạn là khán giả nhớ ngay đến hình ảnh một mỹ nhân có vẻ như mong manh nhưng lại rất mạnh mẽ, đặc biệt là trong tạo hình cổ trang. Nói về Xa Thi Mạn, fan hâm mộ không thể nào quên những lần hóa thân vào hình ảnh công chúa.
 
Đó là Trường Bình công chúa (A Cửu) trong Bích huyết kiếm (2000). A Cửu là tên nhà văn Kim Dung đặt cho Trường Bình công chúa - một nhân vật có thật trong lịch sử, con gái thứ 2 của Hoàng đế Sùng Trinh nhà Minh (Trung Hoa) với Chu hoàng hậu, khi ông sáng tác tiểu thuyết Bích huyết kiếm. Xa Thi Mạn đã tái hiện hình ảnh một nàng công chúa không may sinh ra đúng vào thời suy tàn của nhà Minh bằng nét diễn trẻ trung, có một chút bướng bỉnh nhưng nhân hậu và đáng thương. Với vai diễn này, Xa Thi Mạn cùng Lâm Gia Đống (vai Viên Thừa Chí) được đôn lên hàng hoa đán, tiểu sinh mới của màn ảnh nhỏ TVB. 
Xa Thi Mạn ngoài đời ở tuổi 43.
 
Đó là Trường Bình công chúa (Chu Huy Ni) trong Đế nữ hoa (2003). Cũng là nàng Trường Bình công chúa nhưng dưới ngòi bút của các nhà soạn kịch, nhân vật mang tên Chu Huy Ni, được khai thác dưới một góc độ khác trong vở sân khấu tuồng cổ Đế nữ hoa nổi tiếng, kể lại mối tình trắc trở của nàng với chàng công tử Châu Thế Hiển. Sau gần 5 năm trong nghề, diễn xuất của Xa Thi Mạn đã đạt đến độ chín muồi nên nhân vật Chu Huy Ni do cô thể hiện được giới báo chí đánh rất giá cao, lọt vào top những vai diễn truyền hình được yêu thích nhất năm 2003 do tuần báo Next (Hong Kong) bình chọn. Kết hợp ăn ý, Xa Thi Mạn và Mã Tuấn Vỹ (vai Châu Thế Hiển) còn trở thành “Cặp đôi lý tưởng” trên màn ảnh nhỏ TVB.
 
Đo là Chiêu Dương công chúa trong Công chúa giá đáo (2010). Không muốn làm dâu hoàng tộc Thổ Phiên, Chiêu Dương công chúa vội vã tìm kiếm đương kim phò mã cho mình. Bà chủ tiệm vàng Đinh Lai Hỉ (Quan Cúc Anh đóng) đã đưa 2 con trai của mình là Kim Đa Lộc (Trần Hào đóng) và Kim Đa Thọ (Huỳnh Hạo Nhiên đóng) tiến cử với công chúa. Vì để cứu nguy gia đình, Kim Đa Lộc chấp nhận đám cưới với nàng Tam công chúa kiêu căng, hống hách. Bộ phim Công chúa giá đáo là cơ hội để Xa Thi Mạn phát huy khả năng diễn hài của mình, đồng thời là tác phẩm kết thúc 12 năm "bán thân" cho TVB, chuyển sang ký hợp đồng theo từng đầu phim.
 
Và hiện tại, khán giả đang rất quan tâm đến nhân vật Nhàn phi trong tác phẩm truyền hình Trung Quốc "làm mưa làm gió" trên mạng xã hội - Diên hi cộng lược. Xuất thân nhà gia giáo, Huy Phát Na Lạp thị tiến cung được phong Nhàn phi. Tính tình nhu mỳ, không ham lợi danh nhưng vì biến cố gia đình, mẹ và em trai qua đời, lại thêm những tranh chấp, hãm hại chốn hậu cung khiến Nhàn phi dần dần thay đổi bản chất. Nàng từng bước dẹp mọi chướng ngại vật để lên Nhàn quý phi, Nhiếp lục cung sự Hoàng quý phi và cuối cùng là Kế Hoàng hậu.  
Xa Thi Mạn với hình ảnh Nhàn phi đang rất được yêu thích.
 
Trong Diên hi công lược, không chỉ có những cuộc tranh quyền đoạt lợi của các phi tần mà còn là cuộc so tài đọ sắc của dàn diễn viên nữ đông đảo. Nếu Tần Lam được yêu thích qua hình ảnh Hoàng hậu Phú Sát đoan trang, hiền đức thì Đàm Trác ấn tượng với hình ảnh Cao quý phi; nếu Ngô Cẩn Ngôn sắc xảo và cuốn hút khi thể hiện nhân vật Ngụy Anh Lạc từ cung nữ lên thành Lệnh phi thì Xa Thi Mạn đã khiến người xem nhớ mãi hình ảnh Nhàn phi mạnh mẽ, quả cảm phía sau vẻ ngoài mong manh. Cô đã có những chia sẻ quanh vai diễn này trên mạng QYJ (Trung Quốc).
 
Trong mắt cô, Nhàn phi là người phụ nữ thế nào?
 
-Nàng ấy tốt bụng nhưng cố chấp, hiền lành nhưng có dã tâm.
 
Vì sao cô nhận lời sang Đại lục tham gia bộ phim Diên hi công lược?
 
-Đơn giản thôi, vì tôi thích nhân vật Nhàn phi. Đã lâu lắm rồi, tôi không gặp được một vai nào nhiều mặt giống như Nhàn phi. Ngay từ trên kịch bản, tôi đã cảm nhận được đây là nhân vật sẽ khiến khán giả thích thú. Diên hi công lược là tác phẩm được đầu tư quy mô nên dĩ nhiên tôi không thể bỏ qua.
 
Lần đầu tiên đóng một vai có tính cách phản diện, cô có sợ ảnh hưởng đến hình tượng của mình không?
 
-Tôi nghĩ khán giả bây giờ thông minh lắm, họ biết đâu là phim ảnh, đâu là đời thường, không vì một vai phản diện mà ghét người diễn viên. Quan trọng bộ phim hấp dẫn, diễn viên diễn tốt hay không.
 
Cô có sợ khán giả sẽ so sánh vai Nhàn phi trong Diên hi công lược với nhân vật Nhĩ Thuần rất thành công trước đây trong bộ phim TVB Thâm cung nội chiến?
 
-Tôi không sợ, vì đó là hai hình ảnh nhân vật khác nhau. Vả lại, Nhĩ Thuấn là vai diễn rất lâu rồi, thậm chí người xem đã quên mất nàng ấy như thế nào.
 
Có cảnh quay nào trong Diên hi công lược khiến cô khó quên?
 
-Đó là đoạn cuối, cảnh Nhàn phi trút hết ruột gian để nói cảm nhận của mình về Hoàng đế. Tuy thoại rất dài, toàn cổ ngữ nhưng từng câu từng chữ của nhân vật như ngấm vào máu tôi nên lúc diễn rất cảm xúc.
 
Sau tác phẩm Diên hi công lược, yêu cầu cho những kịch bản sau có gì khác hơn không?
 
-Vẫn thế thôi. Kịch bản phải hay, lạ và vai diễn phải hấp dẫn tôi. Còn nữa, bạn diễn, đối thủ cộng tác cũng rất quan trọng.
 
Đóng phim cổ trang ở Trung Quốc và ở Hong Kong có sự khác nhau gì?
 
-Khác nhau nhiều lắm. Phim cổ trang ở Trung Quốc hầu như được quay ngoại cảnh, cảnh thật hoặc cảnh phục dựng như thật. Còn bên Hong Kong, phần lớn các cảnh quay đều thực hiện tại phim trường, bối cảnh được dựng đơn giản. Dĩ nhiên, khi đứng giữa một bối cảnh thật, chân thực, cảm xúc của người diễn viên cũng thật hơn.
 
Giữa phim cổ trang và hiện đại, cô thích thể loại nào?
 
-Mỗi thể loại có cái thú vị của nó. Cổ trang thì cần sự tưởng tượng vì không ai biết người xưa ăn nói, đi đứng như thế nào; được mặc những bộ trang phục đẹp như vai công chúa chẳng hạn. Với phim hiện đại, nhân vật sẽ gần gũi hơn nên đòi hỏi sự chân thực tuyệt đối.
 
Anh Dương/Theo Điện ảnh VN

Đọc thêm các bài khác