Chuyện chưa biết về kiệt tác 'Cô gái bán hoa' của điện ảnh Bắc Hàn

Đăng lúc: 9:20 am, Ngày 23/02/2019

Mặc dù vẫn còn là bức tranh mơ hồ, xa lạ với khán giả quốc tế nhưng điện ảnh Triều Tiền cũng có những bộ phim ghi được dấu ấn, trong đó, "Cô gái bán hoa" có lẽ là tác phẩm được biết đến nhiều nhất.

Điện ảnh Triều Tiên đã tận hưởng thời hoàng kim vào những năm 1970 và 1980 khi nhà nước tung ra khoảng 30 đến 40 bộ phim mỗi năm. Trong giai đoạn này, nhiều bộ phim chất lượng ra đời trong đó phải kể những bộ phim của đạo diễn người Hàn Shin Sang Ok như: Pulgasari (phim quái vật lấy cảm hứng từ Godzilla của Nhật), Chạy trốn, Tình yêu của tôi, Một sứ giả không trở lại
 
Tử đạo cho Tổ quốc là chủ đề luôn được ưa chuộng tại quốc gia Đông Á này. Trong đó, bộ phim Số phận của một thành viên quân đoàn tự vệ, bộ phim dựa theo cuốn tiểu thuyết của ông Kim Nhật Thành trong cuộc chiến chống lại sự chiếm đóng của Nhật Bản, là một trong những tác phẩm được ca ngợi và nổi tiếng nhất tại Triều Tiên. Ngoài ra, Biển máu, Đồng chí vĩnh cửu, Quốc gia và định mệnh… cũng là những cái tên tiêu biểu của dòng phim này.
 
Thế nhưng, nổi tiếng nhất trong số những bộ phim kể trên phải kể đến Cô gái bán hoa, tác phẩm cũng được khán giả quốc tế biết đến nhiều nhất khi nói về phim ảnh tại quốc gia vốn có những chính sách đóng cửa nghiêm ngặt này. Được sản xuất vào năm 1972 bởi cặp đạo diễn Pak Hak - Choe Ik Gyu và kịch bản do ông Kim Nhật Thành chấp bút, tác phẩm từng gây tiếng vang tại nhiều quốc gia trên thế giới. Phim là câu chuyện xoay quanh cuộc đời bất hạnh của Kotpun (Hong Yong Hee thủ vai), một cô gái bán hoa.
Nữ diễn viên Hong Yong Hee đảm nhận vai chính trong Cô gái bán hoa - tác phẩm kinh điển của điện ảnh Triều Tiên. Đây cũng là bộ phim Bắc Hàn được khán giả quốc tế biết đến nhiều nhất.
 
Bối cảnh phim đặt vào những năm 30 của thế kỷ trước, khi đất nước Triều Tiên đang nằm dưới sự cai trị của đế quốc Nhật Bản và chế độ địa chủ phong kiến. Nhân vật trung tâm của câu chuyện là Kotpun, một cô gái nông thôn nghèo. Hàng ngày, Kotpun lên núi hái hoa thành từng bó để mang xuống chợ bán lấy tiền chữa bệnh cho mẹ. Ở nhà, cô có một em gái mù. Người cha mất sớm, mẹ của Kotpun trở thành con nợ của nhà địa chủ, phải bán mình làm nô bộc để gán nợ.
 
Người nhà địa chủ thường xuyên miệt thị Kotpun và lôi kéo cô đến làm gia nô cho bọn họ. Tuy nhiên, mẹ của Kotpun từ chối. Bà tự nhủ dù đau ốm và mệt mỏi đến đâu cũng không được bỏ cuộc. Bởi nếu bà qua đời, Kotpun sẽ phải gánh nợ thay và bị ép trở thành một Kisaeng (một hình thức kỹ nữ của nước Triều Tiên phong kiến, tương tự với Geisha ở Nhật).
 
Cuối cùng, Kotpun cũng dành dụm đủ tiền để mua thuốc cho mẹ nhưng khi cô trở về thì bà đã mất. Cùng lúc đó, bà địa chủ bị sốt nặng và đổ tội cho em gái của Kotpun, rằng em đang bị linh hồn của người mẹ ám theo và đuổi em ra ngoài trời tuyết lạnh. Khi Kotpun hỏi rằng em cô đâu, nhà địa chủ liền sai người trói cô lại. Tưởng như mọi chuyện đã đi vào bế tắc, người anh trai bị đi đày năm xưa của Kotpun bỗng trở lại và tập hợp mọi người lật đổ gia đình địa chủ quái ác, giải cứu hai cô em gái của mình...
Poster tiếng Pháp của Cô gái bán hoa.
 
Sau khi Cô gái bán hoa ra mắt, nữ diễn viên chính Hong Yong Hee không chỉ trở thành một gương mặt quốc dân tại quê hương mà còn được khán giả nhiều nước yêu mến, ngưỡng mộ. Hình ảnh của cô trong phim cũng được in lên tờ tiền 1 won của nước này. Tác phẩm của hai đạo diễn Pak Hak - Choe Ik Gyu cũng là phim Triều Tiên đầu tiên được vinh danh tại Liên hoan phim Karlovy Vary lần thứ 18 được tổ chức tại Tiệp Khắc. Cũng nhờ tiếng vang từ tác phẩm này, phiên bản kịch Cô gái bán hoa đã được trình diễn tại hơn 40 quốc gia trên thế giới, trong đó có Pháp, Ý, Đức, Algeria, Nhật Bản...
 
Giá trị của bộ phim Cô gái bán hoa không chỉ nằm ở tầm vóc lớn trong nội dung mà còn ẩn chứa trong những khung hình đậm chất thơ. Sau gần 50 năm, bộ phim vẫn xứng đáng được nhớ đến như bản tuyên ngôn của nghị lực và tinh thần nhân văn hơn là một tác phẩm tuyên truyền hô khẩu hiệu thuần tuý.
 
Theo Thanh Niên - Tri thức trẻ

Đọc thêm các bài khác