Con số doanh thu của phim Việt có đáng tin cậy?

Đăng lúc: 8:32 am, Ngày 29/03/2019

Chỉ trong ba tháng đầu năm 2019 có đến ba bộ phim vượt qua cột mốc 100 tỷ đồng, thậm chí hai phim trong số đó chạm hoặc gần chạm mức kỷ lục mới là 200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, những con số doanh thu lâu nay chúng ta biết được (từ nguồn nhà sản xuất cung cấp) đều không được kiểm chứng vì thị trường điện ảnh Việt Nam vẫn chưa có một đơn vị theo dõi, công bố doanh thu phòng vé độc lập và công khai như các nước trên thế giới.
 
Ở khu vực Bắc Mỹ, Box Office Mojo (BOM) là trang web chuyên theo dõi doanh thu phòng vé độc lập dựa theo một hệ thống thuật toán chính xác.
 
BOM theo dõi và cập nhật rất chặt chẽ mức doanh thu đến từng ngày và có một hệ thống dữ liệu khổng lồ để từ đó giới phân tích thị trường nhận định sự thành công hay thất bại của một bộ phim, hoặc đưa ra những dự đoán khá chính xác mức doanh thu cho những bộ phim sắp ra mắt.
 
Không chỉ riêng khu vực Bắc Mỹ, BOM còn theo dõi và cung cấp thông tin về kết quả phòng vé của hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới.
 
Nhiều năm trước, con số BOM cung cấp tại thị trường Việt Nam còn khá sơ sài thì từ đầu năm 2019, trang web này đã cập nhật khá chi tiết mức doanh thu theo từng tuần.
Một cảnh phim Hai Phượng.
 
Theo con số BOM công bố đến hết ngày 24/3, Hai Phượng (tên tiếng Anh là Furie) có mức doanh thu là 4,96 triệu USD tại thị trường Việt Nam, cộng thêm gần 600.000 USD tại thị trường Bắc Mỹ. Như vậy tổng doanh của bộ phim này đạt khoảng 5,56 triệu USD, cao hơn một chút so với mức doanh thu Cua lại vợ bầu đạt được tại thị trường Việt Nam.
 
Nếu tính ra tiền Việt, mức doanh thu hai phim này đạt được xấp xỉ 130 tỷ đồng, thấp hơn khá nhiều so với con số 176,5 tỷ và 200 tỷ đồng mà hai nhà phát hành Galaxy và Studio 68 công bố vào ngày 17/2 và 25/3 vừa qua.
 
Trả lời câu hỏi về sự chênh lệch khá lớn này giữa hai đơn vị quốc tế và trong nước, ông Nguyễn Hoàng Hải - giám đốc phát hành phim của CGV Việt Nam - cho biết có thể do BOM cập nhật chậm hơn hoặc lấy từ nguồn thông tin không chính thức hoặc không đầy đủ.
 
Trong khi đó, ông Thái Bá Dũng - một nhà sản xuất của Studio 68 - thì cho rằng BOM chỉ cập nhật các hệ thống rạp chiếu lớn như CGV, Lotte, Galaxy hay BHD mà bỏ qua những hệ thống rạp chiếu nhỏ như Cinestar, Đại Thanh, Tháng Tám hay nhiều cụm rạp nhỏ lẻ khác ở các tỉnh thành vì không có số liệu chính thức.
 
Nhà sản xuất này cũng cho rằng BOM chỉ cập nhật số liệu dựa trên lượng vé bán trực tiếp tại rạp chứ không tính được số lượng đặt vé bao rạp lên đến hàng ngàn lượt vé mà Studio bán cho các đơn vị như Vietnam Airlines, Saigontourist hay Vietravel...
 
Khi được hỏi tại sao Việt Nam chưa có một hệ thống kiểm toán độc lập để theo dõi phòng vé một cách trung lập, khách quan, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng việc này thực sự cần thiết, nhưng phải có đơn vị uy tín do Nhà nước quy định làm thì mới đảm bảo tính minh bạch.
 
Còn hiện tại, nhà sản xuất, rạp hay nhà phát hành đều phải cung cấp số chính xác cho các cơ quan quản lý của Nhà nước nhưng không được công bố chính thức.
 
Chỉ có một số bộ phim có doanh thu thành công hoặc lập kỷ lục, nhà phát hành mới cung cấp cho báo chí. Điều đó dẫn đến tình trạng báo chí chỉ biết được doanh thu của những bộ phim thành công, còn những bộ phim thất bại thì... hoàn toàn không biết.
 
Lâm Lê/Theo TTO

Đọc thêm các bài khác