Phim kinh dị Việt vẫn cần 'kìm cương' để đừng đi quá xa

Đăng lúc: 8:51 am, Ngày 18/04/2019

Tác phẩm kinh dị "Thiên linh cái" dời lịch chiếu, người trong giới lẫn khán giả theo dõi tác phẩm này ngầm hiểu phim phải chỉnh sửa mới qua khâu kiểm duyệt.

Bởi lẽ, chỉ trong các đoạn ngắn quảng bá, Thiên linh cái đã cho thấy sự táo bạo, khai thác tận cùng câu chuyện về gã thầy bùa biến thái, nhân vật có thật từng gây thảm án giết chết 4 cô gái ở miền Tây để luyện bùa. Nếu không khéo léo xử lý, những chi tiết luyện bùa phép dễ bị cho là truyền bá mê tín dị đoan hơn là răn đe con người nên hướng thiện.
 
Giới hạn cần thiết
 
Phim kinh dị vốn là thể loại hấp dẫn của nền điện ảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhiều phim thể loại này vốn đầu tư thấp nhưng doanh thu cực cao. Ở Việt Nam, số lượng nhà sản xuất tập trung cho kinh dị không phải ít nhưng hiếm phim thành công. Nguyên nhân là vì lâu nay, nhiều phim khó qua vòng kiểm duyệt hoặc nếu qua cũng theo mô-típ tội phạm bị ám ảnh bởi tội ác của mình nên hoang tưởng ra ma quỷ. Theo hướng này, nhiều tác phẩm kinh dị Việt có phần đầu hoành tráng song kết thúc lại giống nhau đến nhàm chán, thiếu sự bất ngờ. Gần đây, phim kinh dị Việt đã có sự đa dạng chủ đề, cách kể ấn tượng, mới nhất là Lật mặt 4: Nhà có khách.
Cảnh trong phim Thiên linh cái.
 
Trong phần 4 loạt phim Lật mặt của Lý Hải, yếu tố ma được thừa nhận, điều hiếm có trên phim Việt. Những tưởng cơ quan quản lý đã phá bỏ giới hạn của thể loại phim kinh dị trong khâu kiểm duyệt nhưng qua sự việc mới đây của phim Thiên linh cái cho thấy nhà quản lý vẫn duy trì giới hạn cho phép với thể loại này.
 
Phim Thiên linh cái hoãn chiếu chỉ 4 ngày trước lịch chiếu công bố chính thức với lý do đưa ra từ nhà sản xuất là điều chỉnh âm thanh và kỹ xảo phim đạt chất lượng cao hơn. Tuy nhiên phim này được người trong giới nhận định trước đó là rất khó qua cửa kiểm duyệt, ngay cả một trong những biên kịch của phim này cũng quan ngại. Bởi ngay từ hai đoạn ngắn quảng bá, phim đã gây sốc với cảnh nóng, cảnh luyện bùa phép rùng rợn, thanh tẩy vùng nhạy cảm trên cơ thể phụ nữ và quá bạo lực. Mặc dù đây đều là những tình tiết được nhắc đến trong vụ án gã thầy bùa biến thái nhưng trên màn ảnh rộng việc mô tả cụ thể mà không khéo dẫn dắt dễ có tác dụng tiêu cực. Ngay cả những cảnh phô bày cơ thể phụ nữ nếu không nói lên được giá trị của những khung hình này cùng thông điệp tích cực cũng dễ bị chỉ trích là "câu khách" bằng hình ảnh phản cảm. Rõ ràng, việc làm phim về kẻ giết người hàng loạt không mới ở nước ngoài nhưng khó ở Việt Nam do rất nhiều yếu tố khách quan đòi hỏi sự khéo léo dẫn dắt của người làm.
 
Cần hướng đến chân - thiện - mỹ
 
Nhiều người trong giới cho rằng dù cởi mở, cơ quan quản lý vẫn có những giới hạn nhất định cho tất cả thể loại phim chứ không riêng kinh dị. Như Lật mặt 4, cũng là thể loại ma nhưng yếu tố hài giữ vai trò chủ đạo, đi sâu vào nỗi sợ hãi bản năng của các nhân vật. Phim dù được ra rạp nhưng tác phẩm này cũng chịu giới hạn nhất định khiến "đầu voi đuôi chuột", tình tiết phần kết đẩy nhanh và chuyển sang đề cao tình mẫu tử gượng gạo, tạo ra chi tiết phi lý như người mẹ đã qua đời nhưng vẫn sinh hoạt bình thường bên các con chỉ vì không nỡ rời xa khi con bệnh và phải sống một mình. 
Cảnh phim Lật mặt 4: Nhà có khách.
 
Hẳn nhiên, sự kìm nén, giới hạn nào, nhất là với sáng tạo, cũng dẫn đến hai mặt: tích cực và tiêu cực. Nhưng người trong giới vẫn chấp nhận những giới hạn này như một cách giữ chuẩn mực, "kìm cương" những nhà làm phim dễ đi quá xa, từ sáng tạo trở thành phản cảm. 
 
"Tôi nghĩ cái gì cũng có giới hạn của nó. Nền điện ảnh các nước đều có quy định cụ thể. Luật Điện ảnh Việt Nam chưa được chi tiết, cụ thể hóa nên đôi lúc nhà sản xuất chưa thể nắm rõ, làm theo cảm hứng chủ quan của mình" - biên kịch Châu Thổ chia sẻ. Theo bà, phim dù thể loại kinh dị cũng cần dẫn dắt thị hiếu, mang đến khán giả những thông điệp phổ biến giá trị chân - thiện - mỹ chứ không phải mượn danh nghệ thuật để kích thích sự tò mò, câu kéo khán giả. Nỗi sợ từ tận sâu bên trong cùng sự day dứt, suy ngẫm có giá trị hơn nhiều so với kiểu kinh dị khai thác yếu tố giật gân, cảnh nóng, rùng rợn. 
 
"Ở Việt Nam, sự sáng tạo vượt khung cho kinh dị rất khó vì nhìn vào yếu tố nhận thức đã thấy chưa cao đồng bộ để cảm nhận đầy đủ sáng tạo của nghệ sĩ nên dễ đi ngược kỳ vọng. Thêm vào đó, các chuẩn đạo đức của chúng ta hiện nay đang đi xuống thấy rõ nên văn hóa mà cụ thể là phim ảnh cần hướng người xem đến giá trị chân - thiện - mỹ nhiều hơn. Từ đó, nó góp phần giúp nuôi dưỡng tính thiện trong tâm hồn mỗi người hơn" - nhà báo Cát Vũ bày tỏ quan điểm. 
 
Minh Khuê/Theo NLĐO

Đọc thêm các bài khác