'Chạy đi chờ chi', ngoài lầy lội, còn có gì để xem?

Đăng lúc: 10:03 pm, Ngày 22/07/2019

Kết thúc mùa 1 với 15 tập tương đối ấn tượng về lượt người xem, "Running man" phiên bản Việt đã khởi động mùa 2. Tuy nhiên, ngoài tiếng cười, phiên bản Việt đã bỏ qua nhiều yếu tố khác một cách đáng tiếc.

Đủ “lầy” để giải trí
 
Running man phiên bản Việt với tên gọi Chạy đi chờ chi đã kết thúc mùa 1 với nhiều con số khẳng định mức độ thành công. Theo số liệu từ SocialHeat - hệ thống Social Listening and Market Intelligence, Chạy đi chờ chi dẫn đầu tốp game show được quan tâm nhiều nhất trên mạng xã hội và các nguồn tin tức trong 5 tháng đầu 2019. 
 
Cụ thể, Chạy đi chờ chi nhận được 337.240 lượt mentions (lượt đề cập của người xem thông qua những lần tag tên chương trình để chia sẻ cảm nghĩ, hình ảnh). Đây là con số lớn khẳng định độ hot và sức lan toả của chương trình trên mạng xã hội. Ngoài ra, theo số liệu thống kê, chương trình liên tục nhận được lượt xem cao ngất ngưỡng trên kênh YouTube với tỷ lệ người xem chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 18 - 34, đa phần là nữ giới và ở khu vực TP.HCM.
Sự lầy lội của người chơi giúp Chạy đi chờ chi tạo được tiếng cười.
 
Sự thành công của Chạy đi chờ chi - tân binh trong làng game show đến từ nhiều lý do. Trong đó, format Running man gốc từ Hàn Quốc đã khẳng định được thương hiệu là chương trình giải trí hàng đầu trong suốt 9 năm qua tại xứ sở kim chi. Lượng fan hùng hậu khắp châu Á và nhiều nước phương Tây, trong đó có Việt Nam, đã giúp chương trình tiếp cận nhanh chóng với khán giả cũ lẫn mới. Những màn xé bảng tên trứ danh, kịch bản đòi hỏi người chơi bộc lộ sự thông minh, sức mạnh và độ “chơi bẩn” để giành chiến thắng trở thành “cần câu” view khá tốt của Running man.
 
Bên cạnh format, dàn sao tham dự mùa 1 Chạy đi chờ chi cũng đáp ứng đủ tiêu chí hài hước, giải trí với Trấn Thành, Ninh Dương Lan Ngọc, Trương Thế Vinh, Ngô Kiến Huy, Jun Phạm, BB Trần và Liên Bỉnh Phát. 7 người chơi chính đều lăn xả với các thử thách đòi hỏi thể lực và độ khôn khéo là điểm cộng của chương trình. Đặc biệt, sự "phản bội" của những người chơi trong các tình huống liên tục tạo được tiếng cười và tương đồng với format chính của Hàn Quốc.
Trấn Thành là thành viên tạo được nhiều tình huống hài hước trong chương trình.
 
Cùng dàn khách mời theo từng tập phát sóng, 7 người chơi chính đều thường xuyên cập nhật thông tin về chương trình trên các tài khoản mạng xã hội. Lượt tương tác từ các dòng trạng thái đăng tải của lượng sao hùng hậu đẩy sức lan tỏa của chương trình lên mạnh hơn. Trong đó, nhiều nghệ sĩ không sở hữu lượng fan đông đảo như Liên Bỉnh Phát, Trương Thế Vinh, BB Trần sau từng tập đều nhận được lượt theo dõi tăng lên nhanh chóng.
 
Thiếu yếu tố văn hoá
 
Tuy nhiên, Running man bám trụ gần như không đối thủ trong làng giải trí Hàn Quốc, ngoài yếu tố giải trí còn rất nhiều điều khác. Đó là sự cộng hưởng từ nhiều yếu tố nhưng điểm then chốt giúp Running man đi được xa đến các quốc gia ngoài lãnh thổ chính là nhờ kịch bản chú trọng vào văn hoá. Giới giải trí Hàn có cách khai thác về lịch sử, văn hoá, ẩm thực hoàn toàn tự nhiên, và điều đó được thấy rất rõ ở Running man.
 
Trong nhiều tập, các phần thi nấu ăn để chính người chơi tìm hiểu về ẩm thực và giới thiệu đến bạn bè quốc tế nguồn thực phẩm thiên nhiên dồi dào của Hàn Quốc như một cách marketing cực kỳ tốt. Ngoài ra, các trò chơi được tổ chức tại những địa điểm lịch sử  - văn hoá nổi tiếng; người chơi hoá thân vào các nhân vật để diện trang phục truyền thống, giúp khán giả truyền hình hiểu được văn hoá bản địa của quốc gia mà không phải thông qua một cách truyền thông nào khác. Chạy đi chờ chi có khai thác yếu tố văn hoá nhưng không được chú trọng trong từng tập.
 
Người chơi mặc áo dài để chơi trò xé bảng tên, đi cà kheo thực hiện thử thách là 2 hoạt động hiếm hoi có sự xuất hiện của văn hoá Việt Nam của Chạy đi chờ chi. Ngoài ra, thời lượng còn lại dành cho những trò chơi thể lực, chọc cười khán giả một cách cơ học dù được quay tại những địa điểm văn hoá như Bưu điện Thành phố, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng áo dài... Sự thiếu chiều sâu, thiếu tinh tế (hoặc thiếu sự thấu hiểu) của ê-kíp chính đến từ Hàn Quốc dẫn đến chương trình không nêu bật được vẻ đẹp, giá trị lịch sử - văn hoá của các địa điểm tổ chức quay chương trình nói riêng và Việt Nam nói chung.
 
Một điểm trừ lớn trong Chạy đi chờ chi là sự xuất hiện của quảng cáo dày đặc, điều này vượt xa phiên bản gốc về tần suất xuất hiện và cách người chơi chính nói về sản phẩm. Ở bản gốc, thỉnh thoảng nhãn hàng sẽ được xuất hiện nhưng một cách ý nhị và có giới hạn. Đôi lúc, tên thương hiệu chỉ được thoáng qua ở một góc máy và không người chơi nào nhắc lại tên.
 
Riêng ở Chạy đi chờ chi, sự xuất hiện của nhãn hiệu đã đến mức “bội thực”: từ người chơi chính hướng dẫn cách sử dụng, mời mọc thưởng thức, liên tục khen ngon/đẹp đến các thương hiệu xuất hiện ngay trong các thử thách. Tại tập chơi xô ngã bowling của Hàn, êkíp chuẩn bị những chai gỗ (ky) giống phiên bản ngoài đời thực, chỉ khác kích thước thì tại Chạy đi chờ chi, chương trình sử dụng chai nước từ nhà tài trợ để thay chai gỗ. Cách áp dựng này một công đôi việc, vừa quảng cáo vừa phù hợp với thử thách, nhưng người xem không có cảm giác thật sự thoải mái.
6 thành viên nam đều hài hước nhưng so với phiên bản gốc, họ không được phân định tính cách rõ ràng cho từng nhân vật trừ Jun Phạm - thành viên tỏ ra yếu về thể lực và thường thua trong các pha xé bảng tên.
 
Running man Hàn Quốc sở hữu được lượng người xem ở mọi lứa tuổi nhờ vào sự đa dạng tuổi tác của người chơi. Với thành viên lớn tuổi nhất, Ji Suk Jin - 53 tuổi, anh thu hút một lượng lớn khán giả ở độ tuổi của mình theo dõi. Còn lại, tầm tuổi từ 35 - 45 chiếm đa số. Người trẻ nhất, Lee Kwang Soo 34 tuổi được mệnh danh “hoàng tử châu Á” là người chơi sở hữu lượng fan trẻ tuổi hùng hậu nhất. 
 
Tại Chạy đi chờ chi của Việt Nam, người chơi không đa dạng độ tuổi như bản gốc nên lượng khán giả theo dõi hạn chế hơn. Với Việt Nam, độ tuổi từ 18 - 34 chiếm đa số. Trong đó khoảng cách giữa 18 - 24 và 25 - 34 tuổi không chênh lệch nhau nhiều trong khi với chương trình gốc của Hàn Quốc, lượng người xem thuộc mọi lứa tuổi.
 
Theo chia sẻ từ một số người chơi chính, sau mùa 1, Chạy đi chờ đi đang rục rịch chuẩn bị mùa 2 với nhiều thử thách hứa hẹn hài hước, lầy lội hơn. Tính giải trí luôn là yếu tố quyết định sống còn của một game show truyền hình nhưng giá như đơn vị sản xuất chú trọng hơn nữa, để tận dụng hơn nữa việc quảng bá lịch sử, văn hoá của quốc gia - điều đã được nhìn thấy ở phiên bản gốc của Hàn Quốc cũng như cách mà làn sóng Hallyu tấn công các nước khác - thì tốt biết bao!
 
Minh Tú/Theo PNO

Đọc thêm các bài khác