Phải chăng Disney sắp nuốt chửng cả Hollywood?

Đăng lúc: 8:19 am, Ngày 03/08/2019

Hãng Walt Disney đang có một năm 2019 đầy rực rỡ với vị trí đứng đầu bảng xếp hạng phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại thuộc về" Avengers: Endgame" cùng 2 bộ phim live-action cán mốc tỷ USD.

Đây có lẽ sẽ là một năm kỷ lục của đế chế truyền thông này khi có thể thu về tổng cộng 9 tỷ USD. Nhiều người đặt câu hỏi rằng: Ván cờ mang tên Hollywood phải chăng đang bị Disney thao túng với những bước đi được tính toán đầy khôn ngoan?
 
Hàng loạt phim live-action gia nhập câu lạc bộ tỷ USD
 
Với thành tích vang dội của The Lion King (Vua sư tử), hãng Disney vừa sở hữu bộ phim thứ tư trong năm 2019 đạt mức doanh thu trên một tỷ USD toàn cầu sau Captain Marvel, Avengers: EndgameAladdin.
 
Sau chưa đầy ba tuần phát hành, phiên bản mới của The Lion King do Jon Favreau thực hiện đã đạt mức doanh thu đáng mơ ước. Được làm lại từ phiên bản hoạt hình ra mắt năm 1994, The Lion King là bộ phim live-action thú vị nhất của Disney khi hoàn toàn không có diễn viên nào tham gia vào mô phỏng hành động.
 
Ngân sách được sử dụng cho The Lion King lên đến khoảng 260 triệu USD biến bộ phim trở thành phiên bản live-action đắt nhất của Disney từ trước đến nay. Tuy nhiên, phiên bản mới này dường như chỉ thành công trong việc khoe công nghệ kỹ xảo, hình ảnh tân tiến của Disney chứ không đạt được bất kỳ giá trị mới nào về mặt nội dung.
The Lion King phiên bản CGI, không người đóng cán mốc một tỷ USD toàn cầu. 
 
Những tưởng việc bộ phim hoàn toàn làm bằng kỹ xảo và khai thác tình yêu của các fan thế hệ trước sẽ khó trở thành cú hít phòng vé dù hình ảnh có mãn nhãn đến đâu. Thế nhưng một lần nữa, Disney đã chứng tỏ được họ luôn đúng và luôn làm chủ cuộc chơi doanh thu của mình. Khi họ muốn một bộ phim nào đó thắng thì chắc chắn bộ phim ấy sẽ làm nên chuyện.
 
Trước đó vài ngày, Aladdin cũng chính thức gia nhập câu lạc bộ tỷ USD vào 28/7 sau khoảng 10 tuần công chiếu, bất chấp nhiều tranh cãi về dàn diễn viên. Tính đến nay, Disney đã cho ra đời 12 bộ phim live-action dựa trên các tác phẩm hoạt hình đình đám của mình. Trong đó có tới 4 phim trên một tỷ USD và 3 phim trên 500 triệu USD.
 
Khởi tạo và thống lĩnh trào lưu live-action
 
Bộ phim chuyển thể người đóng đầu tiên của Disney là The Jungle Book đã ra mắt năm 1994 nhưng phải đến 5 năm trở lại đây, live-action mới thật sự trở thành cơn sốt ở thị trường điện ảnh mà Disney là người khởi xướng.
 
Từ năm 2014 với tác phẩm Maleficent (doanh thu 758,5 triệu USD) đến nay mới chỉ 5 năm mà Disney đã cho ra đời 10 bộ phim với kinh phí không dưới 100 triệu USD mỗi phim.
 
Sắp tới, Nhà Chuột dự kiến cho ra đời 14 bộ phim chuyển thể nữa, trong đó Maleficent 2, Mulan đã được ấn định ngày khởi chiếu, còn Cruella, The Jungle Book 2, Tink, The Little Mermaid đã chọn được diễn viên và đang trong quá trình sản xuất. 
Trong vòng 5 năm, Disney cho ra đời 10 bộ phim live-action với mức độ đầu tư công phu. 
 
Disney đang nỗ lực "vắt sữa" trên nguồn tài nguyên vô giá của mình - những kiệt tác hoạt hình nổi tiếng - để tạo ra những bộ phim live-action công phá màn ảnh rộng. Từ những nhân vật hoạt hình nổi tiếng như Nàng tiên cá, Bạch Tuyết, Pinocchio đến những nhân vật ít tiếng hơn như Oliver (Oliver và những người bạn), James (Cậu bé mồ côi và trái đào khổng lồ) cũng lần lượt được khai thác.
 
Không chỉ vậy, các nhân vật phụ được yêu thích trong những bộ phim hoạt hình trước đó như Cruella (101 con chó đốm), Tinker Bell (Cậu bé bay Peter Pan) cũng được Disney “hô biến” lên màn ảnh rộng.
 
Tham vọng của Disney quá rõ ràng, không chỉ thâu tóm lần lượt các thương hiệu điện ảnh đắt giá nhất như Avatar, X-Men, Fantastic Fours (Fox), vũ trụ điện ảnh Marvel (Marvel Studios), Star War (Lucasfilm), Pixar mà hãng phim này còn muốn độc bá "ván cờ" tỷ USD mang tên live-action mà họ chính là người nắm trùm. Bởi lẽ, Disney sở hữu trong tay quá nhiều quân cờ giá trị để có thể kiểm soát mọi đường đi nước bước trên ván cờ ấy.
 
Dĩ nhiên, việc đào sâu vào kho tàng vô giá trong quá khứ có thể khiến sự sáng tạo của những nhà làm phim Disney bị thui chột. Đó là điều mà công chúng và các nhà chuyên môn lo lắng. Nhưng câu trả lời của Disney đã quá rõ ràng: Họ sẽ kiếm tiền bằng mọi cái họ có. Trong đó, kho báu hoạt hình đủ nhiều để họ khai thác triệt để và kiếm hàng tỷ USD mỗi năm... dễ như chơi.
 
Ván cờ tỷ USD do Disney thao túng
 
Sự thống trị ngày càng bành trướng của nhà Chuột khiến các bộ phim chiếu cùng thời điểm trở nên lép vế. Hiện tại, mới chỉ có một phim khác đạt doanh thu trên một tỷ USD trong năm nay mà không phải do Disney phát hành là Spider-Man: Far from Home của Sony. Tuy nhiên, tham gia sản xuất bom tấn siêu anh hùng lại chính là Marvel Studios - một đơn vị thuộc Nhà Chuột.
 
Chưa hết, hiện Toy Story 4 của Disney có doanh thu gần 920 triệu USD. Chưa ra mắt tại một vài thị trường lớn, phần 4 của Câu chuyện đồ chơi vẫn còn khả năng đạt doanh thu một tỷ USD trong thời gian tới. Điều này cho thấy sự áp đảo hoàn toàn của Disney đối với thị trường điện ảnh trong hơn nửa đầu năm 2019.
 
Không chỉ dừng lại ở đó, từ giờ tới cuối năm, Disney còn hai bom tấn có khả năng “gây bão” phòng vé là phim hoạt hình Frozen IIStar Wars: Episode IX - The Rise of Skywalker. Dựa trên doanh thu của các phần trước, việc hai bộ phim mang về trên một tỷ USD là điều hoàn toàn khả dĩ. 
Avatar 2 bị hoãn chiếu một năm để phục vụ cho tính toán đường dài của Disney. 
 
Trước đó không lâu, Disney mới thông báo rằng tổng doanh thu toàn cầu trong gần 7 tháng đầu năm của hãng là 7,67 tỷ USD. Kỷ lục trước đó của nhà phát hành đến vào năm 2016 với 7,61 tỷ USD. Giới phân tích dự báo hãng Disney sẽ dễ dàng đạt doanh thu kỷ lục 9 tỷ USD trong năm 2019.
 
Tại thị trường Bắc Mỹ, Disney chiếm tới 38% tổng doanh thu phòng vé trong 7 tháng đầu năm. Nếu tính cả các phim của Fox - hãng phát hành mới bị Nhà Chuột thâu tóm, con số sẽ lên tới hơn 40%.
 
Đầu tháng 5, Disney gây hoang mang khi tuyên bố sẽ dời lịch phát hành của Avatar 2 bị trễ lại một năm tức bộ phim sẽ ra rạp vào dịp Lễ Giáng sinh trong ngày 17/12/2021. Theo đó, toàn bộ những phần tiếp theo của loạt phim Avatar là phần 3, 4 và 5 cũng sẽ lần lượt ra mắt vào các năm lẻ tiếp theo là 2023, 2025 và 2027. 
Thương hiệu quốc dân Star Wars tiếp tục được Disney khai thác triệt để. 
 
Còn với những năm chẵn? Disney không dễ dàng bỏ qua khi họ còn có con át chủ bài khác là thương hiệu biểu tượng của nước Mỹ - Star Wars.
 
Star Wars: The Rise of Skywalker vẫn giữ nguyên lịch ra rạp vào ngày 25/12 năm nay. Tuy nhiên, các phần tiếp theo của Star Wars với nội dung mới, không thuộc triolgy (bộ ba phim về Skywalker) lần lượt được ra mắt vào mùa Giáng sinh của các năm chẵn là 2022, 2024.
 
Từ đó có thể thấy Disney muốn gom tất tần tật doanh thu của mùa Giáng sinh – mùa sôi động và năng suất nhất của thị trường phòng vé mỗi năm. Theo đó, việc nắm trong tay vũ trụ siêu anh hùng Marvel, Avatar và Star Wars, vị trí thống lĩnh phòng vé trong ít nhất 7 năm nữa chắc chắn vẫn không thoát khỏi tay đế chế trị giá hàng trăm tỷ USD - Walt Disney.
 
Hoàng Linh/Theo Zing

Đọc thêm các bài khác