Phim Việt chứa những tình tiết đậm chất kỳ ảo, giả tưởng (fantasy) dù đã xuất hiện cách đây hơn chục năm, nhưng để nâng lên hẳn thành một thể loại thì vẫn chưa.
Tất cả chỉ mới dừng lại ở việc thêm thắt những yếu tố đó như một thứ “gia vị” lạ cho những thể loại quen thuộc như kinh dị, tâm lý, tình cảm…
Điểm xuyết là chính
Vừa qua, đoàn phim Nhân duyên: Người yêu tiền kiếp (CHP Entertainment sản xuất, đạo diễn Luk Vân) đã có buổi “khoe phim” (showcase) giới thiệu những hình ảnh đầu tiên về tác phẩm ngôn tình này. Điểm đáng chú ý trong bộ phim sắp ra rạp vào ngày 4/10 tới, là nội dung mang màu sắc giả tưởng xuyên không, kể về mối tình ngàn kiếp giữa Mai - một cô gái thời hiện đại, và Nhật - một chàng trai sống vào thời nhà Trần. Trong phim, bối cảnh xã hội đương đại khéo léo đan xen thời phong kiến, tạo nên một bộ phim cổ trang - hiện đại lạ mắt.
Phim Nhân duyên: Người yêu tiền kiếp chứa nhiều yếu tố kỳ ảo, giả tưởng như một cách làm mới cho mô-típ tình yêu nam - nữ đã cũ trên màn ảnh.
Một tuần trước đó, đoàn phim Pháp sư mù (ra mắt vào ngày 8/11) cũng có buổi “khoe phim” tương tự, với những đoạn trích hé lộ câu chuyện thế giới tâm linh bí ẩn, cùng những tình tiết mang tính hư ảo về bùa chú, phép thuật. Nếu Nhân duyên: Người yêu tiền kiếp dùng yếu tố siêu thực như một cách làm mới mô-típ tình yêu quen thuộc, thì Pháp sư mù lại tận dụng yếu tố này như một phương thức qua cửa kiểm duyệt. Ngay từ những cảnh đầu phim, dòng chữ “Tất cả những gì xảy ra trên phim chỉ là giả tưởng” như một “lá bùa” để Hội đồng duyệt khỏi bắt bẻ, còn khán giả không phải thắc mắc những gì diễn ra trên phim liệu có thật và logic không?
Mười mấy năm trước, các nhà làm phim thương mại đã thử sức với chất giả tưởng trong bộ phim Hồn Trương Ba da hàng thịt (2006), Nụ hôn thần chết (2008), Giải cứu thần chết (2009). Ý tưởng táo bạo, mới mẻ, hài huớc, cùng những cảnh quay kỳ ảo đã giúp những bộ phim tết này đạt doanh thu khả quan. Sau thành công đó, điện ảnh Việt mỗi năm đều đặn trình làng một, hai phim hơi hướm giả tưởng, thường là chuyện liên quan đến tâm linh, thỉnh thoảng pha thêm chút khoa học.
Poster phim Nụ hôn thần chết (2008).
Tuy vậy, màu sắc giả tưởng trong các phim chỉ dừng lại ở tính điểm xuyết, chủ yếu để gây cười (Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu, Hồn papa da con gái, Người lạ ơi), tăng thêm chất kỳ bí (Bóng ma học đường, Lời nguyền huyết ngải, Cậu chủ ma ca rồng) hoặc chỉ để tăng tính bay bổng cho các pha hành động (Lửa Phật, Siêu nhân X, Tấm Cám: Chuyện chưa kể), chứ chưa đủ sức nâng lên thành một thể loại riêng biệt như hài, tình cảm, kinh dị, hành động…
Mạo hiểm cao, thành công thấp
Làm phim kỳ ảo, giả tưởng không thể thiếu những cảnh quay kỹ xảo tốn kém. Điều này khiến các nhà làm phim e ngại khi muốn đầu tư một tác phẩm thuần giả tưởng. Nhà sản xuất Quỳnh Chi chia sẻ: “Dòng phim này không chỉ tốn tiền mà còn tốn thời gian, vì xử lý các cảnh kỹ xảo rất lâu. So với những phim tôi đã làm trước đây, Nhân duyên: Người yêu tiền kiếp tốn kinh phí gấp đôi”.
Tương tự, nhà sản xuất Hồng Tú cho biết: “Ban đầu dự tính kỹ xảo có 700 shot, nhưng quay xong đã thành 1.000 shot, kinh phí cho phần này chiếm hết 1/3 trong con số ước tính từ 17-20 tỷ đồng”. Những bộ phim có yếu tố giả tưởng khi ra rạp đều khiến người ta không khỏi giật mình về độ chịu chơi của nhà đầu tư. Lửa Phật, Tấm Cám: Chuyện chưa kể hay Người bất tử đều tiêu tốn một triệu đô la trở lên.
Thông thường, rủi ro cao đi kèm thành công lớn, nhưng trong làm phim, điều này là không hẳn. Những phim mang hơi hướm giả tưởng thời kỳ đầu như Nụ hôn thần chết, Giải cứu thần chết thắng lớn về doanh thu (một phần cũng nhờ chiếu dịp tết), nhưng những phim về sau không được may mắn như vậy, trừ Tấm Cám: Chuyện chưa kể. Lý do khi mới xuất hiện, phần kỹ xảo trong những phim này khiến khán giả háo hức đón chờ, nhưng khi sự mới lạ đó qua đi, người xem không còn bận tâm đến những cảnh quay “ảo tung chảo” ấy nữa, mà chuyển hướng vào nội dung câu chuyện.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng làm Hồn Trương Ba da hàng thịt, Nụ hôn thần chết, Giải cứu thần chết, Siêu nhân X chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất của phim giả tưởng là thuyết phục khán giả tin vào những gì biên kịch tưởng tượng. Hạn chế của những phim Việt có yếu tố này thường là làm không tới về đời sống nhân vật cũng như cảnh trí”.
Poster phim Hồn Trương Ba da hàng thịt (2006).
Thật khó tìm thấy sự thuyết phục từ những ý tưởng quá bay bổng, nhưng chả có mục đích gì khác ngoài việc chọc cười nhạt nhẽo, kiểu một nhà khoa học bị biến thành con chó (phim Hoán đổi thân xác), hay chuyện một cô gái từ sao Kim đến trái đất, vừa gặp một chàng trai đã đòi động phòng để bản thân được tăng “level” trên vũ trụ (phim Người lạ ơi).
Một số phim ý tưởng “phăng” có vẻ thú vị, nhưng đường dây câu chuyện càng tiến triển càng có lỗ hổng, như tình huống trung tướng De Bray đã hiểu rõ khả năng đáng gờm ở người bất tử Hùng qua hai lần bắt hụt hắn, vậy mà đến lần thứ ba truy bắt cũng chỉ dẫn theo vài chục tên lính gác và một mũi thuốc mê (phim Người bất tử), hay chuyện hai nhân vật Đức Cường và Huy Long được miêu tả là ma cà rồng hùng mạnh, nhưng suốt phim, khán giả chỉ thấy hai anh chàng này đi loanh quanh trong biệt thự với phong thái cố tỏ ra lạnh lùng (phim Cậu chủ ma cà rồng)...
Rõ ràng phim giả tưởng có lợi thế là rộng đất cho biên kịch thả trí tưởng tượng bay cao, nhưng với thực tế phim Việt còn hạn chế ở khâu kịch bản như hiện nay, thì việc theo đuổi những câu chuyện mang màu sắc kỳ ảo là điều vô cùng phiêu lưu. Và thành công đếm trên đầu ngón tay của những phim có yếu tố giả tưởng cũng cho thấy lối làm phim thể loại này, dù đã đi, nhưng sẽ khó mà thành đường.
Theo Phụ nữ