Đàn ông Việt trên phim: Thừa bạo lực, thiếu nam tính; ít người bản lĩnh, nhiều kẻ nhu nhược

Đăng lúc: 6:38 am, Ngày 08/01/2020

Diễu hành trên phim truyền hình Việt Nam hiện giờ đa số là những nhân vật nam vũ phu, âm mưu thủ đoạn, vô công rồi nghề hoặc nhu nhược…

Những pha trợn mắt dọa khán giả
 
Nếu có cuộc bầu chọn nam diễn viên trợn mắt nhiều nhất màn ảnh nhỏ chắc Việt Anh và Trọng Hùng sẽ phải cạnh tranh danh hiệu này. Khán giả hẳn chưa quên đôi mắt trợn trừng của thiếu gia Phan Hải (Việt Anh) trong Người phán xử mỗi khi anh ta muốn đánh đập một ai đó.
 
Ở phần hậu truyện sau đó, Phan Hải đã có màn đấu võ mắt và võ mồm với bà trùm (Vân Dung đóng). Nhiều khán giả xem xong khó tưởng tượng đây có thể là sản phẩm phim truyền hình OTT (phát trên mạng) vì rất bạo lực và rất thiếu văn hóa.
 
Trong đó hình ảnh Phan Hải xấu thậm tệ và bạo lực một cách vô nghĩa lý, đến mức sau đó hẳn phần đông khán giả đã xem phim này nếu nghĩ đến diễn viên Việt Anh người ta chỉ thấy một người đàn ông hay trợn mắt, quát tháo.
 
Trong phim Người phán xử, Trọng Hùng diễn rất đạt một kẻ hữu dũng vô mưu, động một tí là trợn mắt, động thủ. Sau đó, nét diễn này được đạo diễn Về nhà đi con, Sinh tử tiếp tục khai thác và khán giả lại được chứng kiến một Trọng Hùng hùng hổ, sừng sộ, động một tí là trợn mắt.
Những gương mặt hùng hổ của đàn ông trên phim Việt
 
Không chỉ phim truyền hình miền Bắc, mà phim truyền hình miền Nam cũng đầy rẫy những nhân vật nam tương tự. Có vẻ ngày nay các đạo diễn rất ưa kịch tính, nên có xu hướng khai thác nét đáng sợ của nhân vật nam, và thích cận cảnh những pha trợn mắt, nạt nộ, đánh nhau.
 
Ngay tập đầu tiên của Bán chồng khán giả đã được chứng kiến nhân vật Cường (Đinh Hữu Tài) trợn mắt, lao vào đánh vợ. Những pha cận cảnh gương mặt nộ khí sung thiên của Cường hẳn khiến không ít khán giả chết khiếp.
 
Trong Tiệm ăn dì ghẻ, chỉ mới hai tập đầu khán giả đã kịp cảm thấy ghê rợn nhân vật Minh (Quang Tuấn). Dù là biểu cảm tức giận hay yêu thương, đôi mắt của nhân vật này luôn long lên tia nhìn đáng sợ. 
 
Dường như nhân vật người chồng vũ phu trên phim truyền hình đang "lạm phát" nên tháng trước, fanpage của VTV Giải trí đã mở một cuộc bình chọn vui về "người đàn ông lý tưởng" cho các chị em.
 
Trong đó bốn nhân vật được chọn gồm Thái (Hoa hồng trên ngực trái), Khải (Về nhà đi con), Cường (Bán chồng), Thanh (Sống chung với mẹ chồng) đều đang trong trạng thái trợn mắt, bóp cổ phụ nữ, hoặc mắng vợ.
 
Đàn ông Việt trên phim không chỉ bạo lực…
 
Bán chồng ngoài nhân vật Cường vũ phu, còn có một "bộ sưu tập" những nhân vật nam không hay ho gì. Phải kể đến Hưng, một kẻ lợi dụng vẻ bề ngoài đẹp trai làm khổ biết bao người phụ nữ. Hay Vui, một chàng trai quê ít học, gây ra bao đau khổ với người vợ trẻ, để mãi sau này mới trưởng thành.
 
Không lối thoát có nhân vật bác sĩ ngoại khoa Quang Minh đẹp trai, tài giỏi, tự phụ, háo danh đã dùng thủ đoạn để chiếm đoạt người yêu của anh trai mình. Sau đó Minh đã phụ tình, tìm cách đến với con gái của giám đốc bệnh viện với ước mơ được đổi đời…
 
Thế giới đàn ông trong Quỳnh Búp Bê mới là đáng sợ, vì phần lớn là những kẻ suy đồi, lòng lang dạ sói, coi phụ nữ là món hàng để trao đổi, khi cần có thể tra tấn phụ nữ không gớm tay…
 
Mẫu đàn ông gia trưởng cũng rất phổ biến trong phim truyền hình hiện giờ. Phim Tiếng sét trong mưa có nhân vật cậu Ba, một người chung tình nhưng độc ác, gia trưởng... Cậu Ba không ngại đánh người chỉ vì không vừa miệng ăn, thậm chí còn giết người chỉ vì ghen. 
Những nhân vật người chồng nhu nhược trên phim truyền hình, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải: Công (Gạo nếp, gạo tẻ), Phong (Cả một đời ân oán), Thanh (Sống chung với mẹ chồng), Dũng (Hoa hồng trên ngực trái)
 
Ở chiều ngược lại, là một hệ thống những nhân vật nam nhu nhược, vì nghe lời mẹ đã không bảo vệ được hạnh phúc hôn nhân như hai anh em Đăng, Phong (Cả một đời ân oán), Dũng (Hoa hồng trên ngực trái), Thanh (Sống chung với mẹ chồng)…
 
Hay những người đàn ông sợ vợ quá mức như Mai trong Tình mẫu tử, Công - kẻ "bám váy" phụ nữ như trong Gạo nếp, Gạo tẻ…
 
Khảo sát với các biên kịch cho thấy, phim truyền hình của Việt Nam bây giờ chủ yếu theo đuổi đề tài gia đình và lâu nay nữ thường được chọn là nhân vật trung tâm, và hay bị nhìn dưới góc độ nạn nhân.
 
Do đó nhân vật nam giới như sếp, chồng, người yêu... lại trở thành những người gây ra đau khổ cho phụ nữ, để từ đó phụ nữ tìm thấy sức mạnh của bản thân và vươn lên.
 
Theo TTO

Đọc thêm các bài khác