Bên cạnh cốt truyện giàu trí tưởng tượng, hiệu ứng kỹ xảo đỉnh cao, những tác phẩm zombie (xác sống) Hàn Quốc còn phê phán sự phân cấp xã hội khắc nghiệt.
Bán đảo Peninsula, phần hai của tác phẩm Train to Busan (Chuyến tàu sinh tử) đình đám vừa tung ra đoạn trailer đầu tiên đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả. Đáng chú ý, đây được xem là bom tấn thứ 2 trong năm 2020 của xứ kim chi khi khai thác đề tài xác sống sau thành công vượt bậc của Kingdom 2.
Bán đảo Peninsula mô tả cuộc đấu tranh của những người sống sót dưới đống đổ nát trong một trung tâm thành phố rộng lớn. Hình ảnh cảng biển, nơi những con tàu khổng lồ bị bỏ lại, những con đường nhếch nhác cùng những chiếc ô tô rỉ sét, và hàng trăm thây ma như đội quân xác sống luôn trực chờ đe dọa tính mạng con người... ám ảnh người xem.
Bán đảo Peninsula là phần hai của Train to Busan (Chuyến tàu sinh tử)
Nếu trước đây, mô tuýp lãng mạn, đề tài xuyên không và cổ trang được giới làm phim Hàn Quốc ưu tiên, trong khi zombie chỉ được xếp vào đề tài hạng B (không được ưu tiên) thì hiện tại, zombie trở thành thể loại đắt giá của màn ảnh rộng xứ Hàn.
Theo YTN, định kiến về thể loại zombie đã hoàn toàn bị phá vỡ ở xứ kim chi sau tiếng vang của Train to Busan (năm 2016, đạo diễn Yeon Sang Ho). Bộ phim thu hút hơn 11,5 triệu lượt xem, mang về 140 triệu USD lợi nhuận phòng vé và phát hành rộng rãi ở hơn 160 quốc gia trên toàn thế giới.
Hiệu ứng từ Train to Busan, nhiều bộ phim zombie khác như Dạ quỷ, Strange Family... được giới làm phim Hàn Quốc liên tục cho ra mắt. Nhưng phải đến series Kingdom phát hành trên nền tảng Netflix, K-zombie (zombie phiên bản Hàn Quốc) mới thực sự trở thành tâm điểm.
Một phân cảnh ấn tượng trong series Kingdom 2
Ra mắt ngày 14/3/2020, Kingdom 2 (Vương triều xác sống 2) liên tục nằm trong top 10 bộ phim của Netflix được xem trực tuyến nhiều nhất trên toàn cầu. Bên cạnh yếu tố kinh dị, kịch bản mới lạ, khán giả còn mãn nhãn trước những hiệu ứng hình ảnh chân thực và sống động.
Thực chất, đề tài zombie không mới với nền điện ảnh thế giới, tuy nhiên cái hay của các nhà sản xuất phim Hàn Quốc là tìm ra được điểm đặc trưng, từ đó xây dựng nên thương hiệu K-zombie. Ẩn sâu trong Train to Busan hay Kingdom, người xem dễ dàng nhận thấy những phê phán xã hội khắc nghiệt thông qua hành động và suy nghĩ của các nhân vật.
Chuyến tàu sinh tử mở đầu bằng câu chuyện về Seok Woo (Gong Yoo thủ vai), thành công trong sự nghiệp nhưng ít quan tâm đến gia đình. Trên chuyến tàu đến Busan, Seok Woo đưa con gái nhỏ đi gặp mẹ, bất ngờ có một người biểu hiện kỳ lạ rồi dần biến thành xác sống khát máu, lây lan virus nguy hiểm khiến mọi người xung quanh thành người chết biết đi và tấn công khắp nơi. Giữa ranh giới tử thần, sự phân chia thứ bậc, định kiến xã hội về những người xứng đáng được sống và phải chết biểu hiện vô cùng rõ nét.
Sự phân hóa giai cấp thể hiện rõ nét trong Chuyến tàu sinh tử
Tương tự Train to Busan, Kingdom cũng lột tả chân thực về sự phân bậc xã hội, giữa tầng lớp quý tộc và nông dân. Ở nơi đó, các nhân vật nắm quyền luôn cố gắng duy trì hệ thống phân hóa giai cấp dẫu trong tình hình dịch bệnh lây lan.
Chính sự thay đổi trong tư duy làm phim, không ngại lồng ghép những vấn đề thời sự hay phê phán sự phân hoá về giai cấp trong xã hội, đã giúp các tác phẩm của Hàn Quốc gây dấu ấn mạnh mẽ với khán giả toàn cầu trong những năm gần đây. Sau thành công của Train to Busan, Kingdom... chắc chắn đề tài zombie sẽ trở thành xu hướng của giới làm phim xứ kim chi trong thời gian tới.
Theo PNO