Nghị định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, được Chính phủ ban hành ngày 14/12, thông qua quy định mới về việc cấp phép phổ biến ca khúc trước 1975 và đi thi quốc tế.
Bỏ cấp phép phổ biến ca khúc trước 1975
Ngày 14/12, Chính phủ đã ban hành nghị định mới về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, quy định các đơn vị, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật phải có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép biểu diễn nghệ thuật trong khuôn khổ hợp tác quốc tế ở Trung ương. UBND cấp tỉnh cấp phép sự kiện trên địa bàn.
Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý 7 ngày trước khi diễn ra sự kiện nghệ thuật. Cơ quan quản lý cấp phép tổ chức sự kiện trong vòng 5 ngày sau khi nhận được hồ sơ; trường hợp không cấp phép phải nêu rõ lý do.
Nghị định nêu những điều cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn gồm: Chống nhà nước; xuyên tạc lịch sử; xâm phạm an ninh quốc gia; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân...
Tháng 3/2017, Cục Nghệ thuật Biểu diễn ra quyết định tạm dừng lưu hành năm ca khúc trước 1975, trong đó có Con đường xưa em đi. Quyết định này được thu hồi sau đó
Ngoài ra, các chương trình, tác phẩm nghệ thuật không được kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại. Trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, hành vi không được trái thuần phong mỹ tục dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng động và tâm lý xã hội.
Theo quy định trước đây, việc cấp phép biểu diễn nghệ thuật được tách thành hai nhóm với tác phẩm sáng tác trước năm 1975 hoặc của người Việt Nam sinh sống, định cư ở nước ngoài và tác phẩm sau năm 1975.
Với tác phẩm sáng tác sau năm 1975 sẽ không cần phải cấp phép phổ biến mà chỉ cần cấp phép biểu diễn theo từng chương trình cụ thể. Tuy nhiên, với tác phẩm sáng tác trước năm 1975 và của người Việt Nam ở hải ngoại thì phải được cấp phép phổ biến, sau đó mới được đưa vào các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Như vậy, nghị định mới đã bỏ quy định cấp phép phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu.
Trước đó, hồi tháng 2/2019, Chính phủ đã chấp thuận chủ trương sửa đổi hai nghị định 79 và 15 về nghệ thuật biểu diễn. Khi đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất bỏ cấp phép ca khúc trước năm 1975, bởi cho rằng đây là tài sản cá nhân của tác giả và phần lớn có nội dung lành mạnh. Cơ quan quản lý chỉ can thiệp, ngăn chặn "những sáng tác có nội dung phản động, chống phá nhà nước, bôi nhọ tổ chức, cá nhân".
Tranh cãi về việc có nên duy trì cấp phép ca khúc trước 1975 hay không xảy ra từ tháng 3/2017, khi Cục Nghệ thuật biểu diễn đột ngột yêu cầu dừng lưu hành 5 ca khúc trước 1975 với lý do không rõ ràng. Trước phản ứng gay gắt của dư luận, Cục phải thu hồi lại quyết định. Nhưng sau đó, dư luận lại bất ngờ vì Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dù được hát khắp mọi nơi hơn 50 năm mà vẫn chưa được cấp phép.
Tháng 5/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngừng việc cấp phép ca khúc nếu nội dung không trái thuần phong mỹ tục và xâm phạm lợi ích quốc gia. Lúc này Cục trưởng Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương bị điều chuyển về Văn phòng Bộ vì liên quan đến diễn biến trên.
Đầu năm 2018, lần đầu tiên Bộ Văn hóa công khai dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng nghị định về nghệ thuật biểu diễn, trong đó đề xuất bỏ cấp phép ca khúc trước 1975, đồng thời lập danh sách các bài hát cấm nếu đi ngược lại lợi ích dân tộc.
Bỏ cấp phép người đẹp đi thi quốc tế
Nghị định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, được Chính phủ ban hành ngày 14/12, thông qua quy định mới về việc đi thi quốc tế. Ngoài không cần giấy phép từ Cục, các người đẹp cũng không cần có danh hiệu trong nước. Họ cần đề nghị cơ quan chuyên môn về văn hóa thuộc UBND cấp tỉnh nơi cư trú cấp văn bản xác nhận đi thi.
Người đẹp Nguyễn Thị Thành từng bị phạt vì đi thi nhan sắc ở Ai Cập không có giấy phép năm 2017
Hồ sơ đề nghị xác nhận gồm tờ khai về việc ra nước ngoài dự thi; lý lịch tư pháp; bản sao giấy mời dự thi từ đơn vị tổ chức. Những ai không có giấy xác nhận sẽ không được sử dụng danh hiệu đạt được tại cuộc thi quốc tế đó trong hoạt động biểu diễn ở Việt Nam. Người có nhu cầu đi thi quốc tế phải không có án tích, đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, hay trong thời gian bị xử lý hành chính. Cá nhân đó không trong thời gian bị đình chỉ hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Theo quy định cũ, công dân muốn ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu phải đạt danh hiệu chính tại các cuộc thi sắc đẹp trong nước. Người đi thi phải có một tổ chức trong nước đại diện làm thủ tục đề nghị Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp giấy phép.
Trước đây, nhiều người ra nước ngoài dự thi và đoạt giải, nhưng khi về nước đều bị xử phạt. Nguyễn Thị Thành bị phạt 22,5 triệu vì thi nhan sắc ở Ai Cập năm 2017. Năm 2014, Diệu Linh không có giấy phép dự thi Hoa hậu Du lịch Quốc tế (tiền thân của Hoa hậu Đông Nam Á). Dù đoạt giải cao nhất, khi trở về, cô chịu phạt 22,5 triệu đồng. Người đẹp Phan Hoàng Thu cũng bị phạt 15 triệu đồng vì "thi chui" tại cuộc thi này.
Theo VnExpress