Cú 'ngã ngựa' khá đau đớn cho phim Việt đầu năm 2021 mang tên 'Võ sinh đại chiến'

Đăng lúc: 12:41 am, Ngày 07/01/2021

Tại sao một bộ phim được làm chỉn chu, có nội dung tươi trẻ và dàn cast mới mẻ, nhận được phản hồi tích cực của truyền thông và khán giả, nhưng lại chết tức tưởi tại phòng vé đầu năm 2021?

Võ sinh đại chiến là bộ phim mở màn cho năm 2021. Phim được phát hành đúng ngày 1/1 - thời điểm được xem là thuận lợi vì đúng đợt nghỉ lễ và khán giả ít nhiều cũng ở trong tâm trạng tích cực, muốn đón nhận những điều mới mẻ đầu năm.
 
Nhưng “người tính không bằng trời tính”, sau dịp cuối tuần “vàng” ra mắt, bộ phim võ thuật lấy bối cảnh học đường được đầu tư kinh phí tới 21 tỷ đồng và thời gian sản xuất kéo dài ba năm chỉ thu về chưa tới 1 tỷ đồng doanh thu bán vé. Đây là cú “ngã ngựa” khá đau đớn cho phim Việt đầu năm 2021, và một lần nữa cho thấy thị trường điện ảnh Việt vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Phim dở thất bại đã đành, phim chất lượng khá vẫn thê thảm như thường.
Võ sinh đại chiến ra rạp đúng thời điểm vàng - Tết Dương lịch - nhưng thất bại về doanh thu
 
Võ sinh đại chiến là bộ phim của êkíp trẻ, mang đến tinh thần trẻ trung. Kịch bản phim có thể vẫn bám theo công thức khuôn mẫu ba hồi của Hollywood, dàn cast không có yếu tố ngôi sao để bán vé, nhưng lại mang đến không khí mới mẻ nhờ khai thác tinh thần võ thuật đậm chất Việt được lồng trong bối cảnh học đường. Những yếu tố này cũng từng giúp Em chưa 18 thắng lớn tại phòng vé năm 2017 và giữ kỷ lục phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Việt Nam trong hai năm, trước khi bị Cua lại vợ bầu lật đổ vào dịp Tết năm 2019.
 
Võ sinh đại chiến không có nhiều yếu tố ăn khách khi khai thác một kịch bản phim rom-com kiểu gài bẫy “cat and mouse” và hai diễn viên chính tạo được hiệu ứng chemistry như Kaity Nguyễn và Kiều Minh Tuấn, nhưng đây vẫn là tác phẩm có yếu tố giải trí. Dàn cast trong phim với những gương mặt gần như mới mẻ hoàn toàn, nhưng tạo được sức hút nhờ ngoại hình đẹp, nổi bật trong số đó là Tiến Hoàng, Katleen Phan Võ và đặc biệt là Gi A Nguyễn.
 
Gi A Nguyễn là nam diễn viên trẻ có tố chất để trở thành ngôi sao của điện ảnh Việt, trong bối cảnh điện ảnh trong nước âm thịnh dương suy và hoàn toàn thiếu một ngôi sao nam chính của lứa tuổi học đường. Diễn xuất của dàn diễn viên trẻ chưa hoàn toàn nổi bật và đôi lúc còn khá non nớt về kỹ năng, nhưng có thể bù lại bằng vẻ tươi sáng và chân thành.
 
Các màn võ thuật trong phim, đặc biệt là những trận đánh tay đôi được khai thác hiệu quả về thế đòn, góc máy và dựng phim linh hoạt, nhịp nhàng, kích thích được adrenaline của khán giả. Phim cũng tôn vinh tinh thần thượng võ của võ thuật cổ truyền Việt Nam.
 
Điểm hạn chế và có thể khiến bộ phim khó trở thành một chú “ngựa ô” tại phòng vé là cách làm phim vẫn khá an toàn, ôm đồm nhiều yếu tố giải trí như tình cảm học đường, võ thuật và hài hước, nhưng chưa yếu tố nào được khai thác một cách vượt trội. Thêm vào đó, kịch bản vẫn bám theo công thức có sẵn và không có yếu tố đột phá hoặc phá vỡ khuôn mẫu, gây bất ngờ cho khán giả.
 
Sự an toàn và đôi khi thiếu cực đoan là những điểm hạn chế của phim Việt, khó khiến phim ảnh phá vỡ ranh giới để đi xa hơn về mặt thưởng thức, điều mà điện ảnh Hàn rất thành công và vươn tầm ra thế giới.
 
Nhưng những điểm hạn chế nói trên vẫn không phá vỡ tổng thể của tác phẩm. Và so với hai phim Việt chiếu cùng thời điểm là Chị Mười Ba: Ba ngày sinh tửNgười cần quên phải nhớ, Võ sinh đại chiến vẫn là bộ phim chỉn chu hơn về nhiều mặt.
Tác phẩm quy tụ dàn diễn viên ít tên tuổi nhưng trẻ đẹp, luôn toát lên vẻ tươi sáng
 
Lý giải về sự thất bại tại phòng vé của Võ sinh đại chiến, nhà sản xuất Thái Bá Dũng - người từng thành công với việc đồng sản xuất phim Hai Phượng với Ngô Thanh Vân - thừa nhận trong cay đắng:
 
“Có 4 lý do khiến Võ sinh đại chiến thất thu tại phòng vé dù phim được đánh giá tốt về mặt truyền thông và khán giả:
 
1 - Phim của một đạo diễn mới và diễn viên mới, không có gương mặt quen thuộc ăn khách.
 
2 - Các suất chiếu bị ép với số lượng suất chiếu thưa thớt, giờ chiếu không thuận lợi.
 
3 - Phim hoàn toàn không có sự tham gia đầu tư của bất kỳ nhà phát hành nào.
 
4 - Những lý do khách quan khiến công tác truyền thông bị ảnh hưởng.
 
Phía đơn vị phát hành, trong cùng thời điểm, cũng có phim họ tự bỏ tiền đầu tư sản xuất, nên Võ sinh đại chiến bị rơi vào hoàn cảnh "con ruột - con ghẻ". Và dĩ nhiên, nhà phát hành phải tập trung đẩy phim "con ruột" mà họ đầu tư. Một lý do rất nghịch lý khác là do suất chiếu ít, giờ chiếu bất lợi, khiến doanh thu của Võ sinh đại chiến bị ảnh hưởng. Các nhà phát hành lại lấy đúng lý do doanh thu đó để tiếp tục ép suất chiếu và giờ chiếu của phim khiến cho tình trạng của phim càng thê thảm hơn”.
 
Theo ông Thái Bá Dũng, các nhà đầu tư, sản xuất phim, đặc biệt là những nhà sản xuất phim độc lập và những đạo diễn êkíp trẻ gặp khó khăn lớn vì "cuộc chơi không công bằng" trên. Nếu các rạp chỉ tập trung đẩy những phim do những đạo diễn quen thuộc và những phim do chính họ đầu tư sản xuất, sẽ không có "cửa" cho những đạo diễn mới và các nhà sản xuất phim độc lập khác chen chân. Sản xuất ra một bộ phim hay nằm trong khả năng của nhà sản xuất, đạo diễn, êkíp… nhưng bộ phim có ra được đến với khán giả hay không, chuyện đó lại phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà phát hành và chủ rạp".
 
Theo Zing

Đọc thêm các bài khác