Vì sao Quốc ca Việt Nam bị tắt trên YouTube trong trận tuyển Việt Nam gặp Lào?

Đăng lúc: 8:14 am, Ngày 07/12/2021

Next Sports đã tắt tiếng Quốc ca Việt Nam trên kênh YouTube vì sợ bản quyền âm nhạc, vốn trước đó đã bị BH Media tuyên bố đăng ký sở hữu bản quyền ca khúc "Tiến quân ca" của cố nhạc sĩ Văn Cao.

Tối 6/12, nếu như khán giả truyền hình vẫn có thể xem và nghe rõ ca khúc Tiến quân ca của cố nhạc sĩ Văn Cao trên tivi thì ngược lại, ở nền tảng YouTube, kênh Next Sport - đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình AFF Suzuki Cup 2020 - đã buộc phải tắt tiếng khi Quốc ca Việt Nam vang lên.
 
"Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm" - trên màn hình của kênh Next Sports đã đăng dòng thông báo như vậy ngay trước thềm trận đấu mà tuyển Việt Nam đánh bại Lào 2-0 nhờ 2 pha lập công của Công Phượng và Văn Đức. 
 
Sau khi trận đấu kết thúc, hàng ngàn người hâm mộ đã bày tỏ sự bất bình trên kênh YouTube Next Sports cũng như mạng xã hội Facebook về việc Quốc ca Việt Nam phải tắt tiếng. Theo Next Sports, đây không phải lần đầu, họ buộc phải tắt tiếng Quốc ca của Việt Nam trong các trận đấu của đội tuyển quốc gia khi được phát trên nền tảng YouTube.
Ngay trước trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam gặp Lào, khán giả rất bức xúc vì đến phần hát Quốc ca Việt Nam, âm thanh bị tắt trên Youtube vì Next Sports lo ngại bị BH Media đánh gậy bản quyền, xóa clip
 
Theo tìm hiểu, BH Media là đơn vị đứng ra đăng ký sở hữu bản quyền ca khúc Tiến quân ca và từng báo cáo cũng như xóa các video có ca khúc này trên nền tảng YouTube. Sau khi bị chỉ trích vào tháng 11 vừa qua, BH Media cho biết họ không nhận sở hữu bản quyền ca khúc Tiến quân ca mà được Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý và khai thác một bản ghi Tiến quân ca trên nền tảng số. Bản ghi này do Hồ Gươm Audio sản xuất.
 
Theo BH Media, Hồ Gươm Audio là chủ sở hữu của bản ghi nói trên. Nếu tài khoản nào đăng video sử dụng chính xác bản ghi Tiến quân ca do Hồ Gươm Audio sản xuất thì YouTube gửi thư thông báo xác nhận bản quyền và tiến hành gỡ video.
 
Sở dĩ BH Media có thể nhận là đơn vị sở hữu bản quyền ca khúc Tiến quân ca là bởi công ty này đã đăng ký sở hữu nhiều tác phẩm qua Content ID - một hệ thống tự động có thể mở rộng của YouTube. Hệ thống này cho phép chủ sở hữu bản quyền phát hiện ra những video trên YouTube có chứa nội dung thuộc quyền sở hữu của họ. Đây cũng là công cụ để chủ sở hữu bảo vệ bản quyền sản phẩm của mình cũng như thu tiền quảng cáo từ YouTube.
 
Theo NLĐO

Đọc thêm các bài khác