Đến năm thứ 13, giải thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam vẫn thiếu trước hụt sau vì khó tìm nhà tài trợ. Sân chơi này cũng chưa tạo được sức hút với người trong nghề lẫn khán giả đại chúng.
Tối 12/3, lễ trao giải Cánh diều sẽ diễn ra tại TP HCM. Trong các hạng mục của giải, phim truyện điện ảnh được quan tâm nhất. Năm nay có 17 phim gửi về tranh giải. Theo bà Hồng Ngát - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - con số này nhiều hơn hẳn các năm trước, là tín hiệu đáng mừng, cho thấy phim nước nhà đang ngày càng sôi nổi. Tuy vậy, trong danh sách có hơn 10 phim thuộc dòng phim thương mại, như: Để Mai Tính 2, Mất xác, Scandal: Hào quang trở lại, Quả tim máu, Hiệp sĩ mù, Tốc độ và đường cong, Năm sau con lại về, Bí mật lại bị mất... Dòng phim nghệ thuật và phim đề tài lịch sử khá ít ỏi, lép vế.
Trong khi có nhiều tác phẩm chất lượng kém nhưng vẫn gửi "tham gia cho vui" thì hai bộ phim được đánh giá có chất lượng tốt năm qua là Trúng số (đạo diễn Dustin Nguyễn) và Đập cánh giữa không trung (đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp) lại không tham dự. Bà Hồng Ngát cho biết, Hội có gửi lời mời đến đạo diễn các phim này, nhưng các chủ phim dường như không mấy mặn mà. Họ chỉ ngỏ lời khi đã hết thời hạn đăng ký.
Diễn viên Nguyễn Mạnh Trường đóng vai Nguyễn Ái Quốc trong phim mới Thầu Chín ở Xiêm, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng. Đây là một trong ba phim nhà nước đầu tư tại giải năm nay, bên cạnh Sống cùng lịch sử (Nguyễn Thanh Vân), Những đứa con của làng (Nguyễn Đức Việt).
Tiêu chí chấm giải Cánh diều năm nay tiếp tục bị nhận xét là chung chung: “Đề cao phim điện ảnh, truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực". Đây là căn cứ để chấm tất cả các loại phim, từ phim thương mại đến phim nghệ thuật.
Các phim truyện điện ảnh dự giải năm nay được trình chiếu miễn phí cho khán giả TP HCM tại 3 địa điểm: Rạp BHD Phạm Hùng, CGV Thảo Điền, Trung tâm văn hóa Tân Sơn Nhất. Ngày 5/3, vé mời phát miễn phí cho khán giả ở các rạp này để thưởng thức 17 bộ phim trình chiếu. Tuy vậy, BHD Phạm Hùng, CGV Thảo Điền là những rạp nằm cách xa trung tâm thành phố, điểm chiếu Trung tâm văn hóa Tân Sơn Nhất lại là hệ thống rạp khá cũ. Các kỳ Cánh diều trước đây ở TP HCM, rạp phục vụ miễn phí thường vắng khán giả.
Ban giám khảo Cánh diều có sự góp mặt của nhiều tên tuổi nổi tiếng, lão làng như: Tiến sĩ Trần Luân Kim, NSND Bùi Đình Hạc, đạo diễn Đào Bá Sơn, NSND Trà Giang... nhưng lại thiếu đi những gương mặt trẻ tài năng của lớp nghệ sĩ mới. Tại buổi họp báo công bố thông tin lễ trao giải, khi được hỏi liệu Hội Điện ảnh có gửi lời mời các đạo diễn trẻ ngồi ghế "nóng" sự kiện năm nay, bà Hồng Ngát khẳng định, Hội không quay lưng với các đạo diễn trẻ nhưng vẫn trân trọng và thấy sự có mặt của các nghệ sĩ cao tuổi - với kinh nghiệm lâu năm trong nghề - ngồi ghế giám khảo là điều cần thiết. Ngoài ra, theo bà Ngát, các gương mặt trẻ đang độ tuổi bận bịu với công việc và dự án riêng nhiều hơn nên ít có khả năng chia sẻ thời gian với hoạt động Hội. Bà hy vọng, các năm sau, khi những nghệ sĩ lớn tuổi không còn có thể đảm nhận công việc, sẽ có các gương mặt thay thế.
Còn đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn giải thích: "Tôn chỉ của Hội là không có rào cản nào cả. Cái chúng tôi mong muốn nhất là giám khảo có vị trí, nghề nghiệp càng đa dạng càng tốt, càng nhiều chiều càng tốt. Nói về tuổi tác, vẫn có những người đạo diễn lớn tuổi làm phim cho tuổi teen, thì khi đóng vai trò giám khảo họ cũng sẽ cảm thụ được các sản phẩm của lớp trẻ. Kết quả không bị lệ thuộc vào tuổi tác của giám khảo".
Đoàn phim Thần tượng lên nhận giải (từ trái qua): diễn viên Hứa Vĩ Văn, Harry Lu, Hoàng Thùy Linh và đạo diễn Quang Huy trên sân khấu Cánh diều ở Hà Nội năm 2014.
Cơ cấu giải thưởng Cánh diều vẫn luôn có sự dao động, thay đổi qua các năm. Cơ cấu năm nay gồm: một giải Cánh diều Vàng, hai giải Cánh diều Bạc và hai bằng khen cho mỗi hạng phục phim. Ngoài ra, Cánh diều còn trao giải cho phim cả truyền hình và phim video. Việc có quá nhiều giải thưởng trong bối cảnh chất lượng phim điện ảnh, truyền hình Việt Nam chưa thật đặc sắc đã khiến cho một số giải trở nên dễ dãi. Nhiều tác phẩm đoạt giải gần như hoàn toàn lạ lẫm với khán giả.
Dù được xem là giải thưởng lớn của Hội điện ảnh, hàng năm Ban tổ chức vẫn phải "liệu cơm gắp mắm" khi tính đến quy mô và cách tổ chức sự kiện, do gặp khó khăn trong việc tìm nhà tài trợ.
Từng hai lần làm đạo diễn Cánh diều, diễn viên Quyền Linh không ngần ngại chia sẻ, Hội điện ảnh có một ít kinh phí nhưng không đủ để tổ chức một sự kiện quy mô. Nhiều năm nay, giải Cánh diều khó khăn trong việc tìm tài trợ để thực hiện các hoạt động. Năm nay, 10 ngày trước khi Lễ trao giải diễn ra, chương trình gần như không có đủ kinh phí để tổ chức. Nhờ một số mối quan hệ cá nhân, cuối cùng, cũng có nhà tài trợ ủng hộ địa điểm, sân khấu, âm thanh, ánh sáng... và tiệc liên hoan cho gần 500 nghệ sĩ, nhà báo, khách mời sau lễ trao giải.
Lễ trao giải qua các năm vẫn để lại nhiều sạn. Ở Cánh diều 2013 tại Hà Nội, chương trình bắt đầu từ 8h tối nhưng phải tới gần nửa đêm mới kết thúc. Khâu tổ chức cập rập, không theo kế hoạch chuẩn bị cụ thể dễ dẫn tới những sai sót kéo dài từ năm này qua năm khác, thể hiện sự không chuyên nghiệp của giải thưởng.
Năm nay, đạo diễn Quyền Linh cho biết, để tránh trường hợp bị quá giờ phát sóng truyền hình, tiết kiệm thời gian cho các tiết mục hấp dẫn hơn, ban tổ chức chỉ mời các đại diện lên sân khấu nhận giải cho các giải Cánh diều Vàng. Các giải Cánh diều Bạc và bằng khen được đọc tên vinh danh, công bố trên sân khấu, và phát sau chương trình.
Mặc dù tổ chức trong hơn một thập kỷ qua, giải thưởng Cánh diều chưa quy tụ đông đảo người trong nghề. Nghệ sĩ tham dự đa phần đều là những tên tuổi gạo cội. Nhiều nghệ sĩ trẻ chưa hứng thú với sự kiện này và thường chỉ tới tham dự khi biết chắc mình có giải đem về.
Theo Thoại Hà - Nguyên Minh/VnExpress