Nếu nửa đầu 2018, một số phim Việt bật lên với doanh thu ấn tượng thì 6 tháng cuối năm là những cú trượt dài. Số phim thắng đếm chưa đủ mười ngón tay.
Những thất bại "ngoạn mục"
Sáu tháng đầu năm, doanh thu phim Việt tại rạp nổi lên với vài con số ấn tượng: Siêu sao, siêu ngố đạt mức 109 tỷ đồng, chỉ xếp sau Em chưa 18 về kỷ lục doanh thu; tiếp đến là Lật mặt: 3 chàng khuyết của Lý Hải với 85,5 tỷ đồng và đứng thứ 3 là Tháng năm rực rỡ - một bộ phim remake hiếm hoi thành công phòng vé với con số ấn tượng 84 tỷ đồng.
Nhưng đến nửa cuối năm, con số doanh thu trượt dài, chỉ nổi lên Chàng vợ của em với 86 tỷ đồng. Còn lại, hàng loạt bộ phim dù tạo được tiếng vang nhưng doanh thu không tương đồng. Trong đó, Song Lang và Người bất tử là hai bộ phim có sự thể nghiệm mới về mặt đề tài, thể loại tuy nhiên doanh thu không như kỳ vọng.
Poster phim Chàng vợ của em.
Ngoài những bộ phim trên, những cái tên còn lại như Nhắm mắt thấy mùa hè, Ông ngoại tuổi 30, Thử yêu rồi biết, Hạ cuối tình đầu, Yêu em bất chấp... xuất hiện rồi lặng lẽ biến mất khỏi rạp. Sự xuất hiện, nếu có chỉ là một vài giải thưởng mà diễn viên được nhận như Phương Anh Đào với giải Nữ diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ V năm 2018, cho vai diễn trong phim Nhắm mắt thấy mùa hè; Liên Bỉnh Phát với giải Viên ngọc quý Tokyo tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo 2018 cho vai diễn trong Song Lang...
Thất bại về mặt doanh thu phòng vé trong năm 2018 là điều mà những nhà làm phim, thậm chí khán giả đều thấy rõ. Có quá nhiều phim nhanh chóng bị hất khỏi rạp vì vắng khán giả, một vài phim khác nằm trong chiến dịch “giải cứu” như 100 ngày bên em của Vũ Ngọc Phượng và Song Lang.
Song Lang là một trường hợp “giải cứu” hoàn toàn khác. Thời điểm Song Lang ra rạp không có sự cạnh tranh của phim khác nhưng thể loại và đề tài phim đi chệch thị hiếu của khán giả và cách phát hành rộng rãi một bộ phim thiên về nghệ thuật là tự bức tử.
Ba diễn viên chính trong phim 100 ngày bên em.
Chưa kể, 2018 là năm nổi cộm vấn đề PR bẩn, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu phim. Chú ơi, đừng lấy mẹ con là trường hợp hy hữu và đáng quên của điện ảnh Việt năm nay. Nhà sản xuất kêu trời vì scandal tình cảm của Kiều Minh Tuấn và An Nguy nhưng cho đến nay, không ai nghĩ đây là sự vô tình, không nhằm mục đích PR cho bộ phim. Sự thất bại ê chề của Chú ơi, đừng lấy mẹ con là bài học lớn cho những êkíp sản xuất phim về sau.
Hiện tại, Hồn papa, da con gái của nhà sản xuất Charlie Nguyễn (công chiếu 28/12) đang được kỳ vọng sẽ tạo kỳ tích doanh thu phòng vé dịp cuối năm. Với sự trở lại của Kaity Nguyễn và Thái Hòa, Hồn papa, da con gái hoàn toàn có cơ sở để tin vào điều đó nhưng, đây chưa phải là phim thành công của nhà sản xuất Charlie Nguyễn.
Thất bại đâu chỉ bởi nội dung
“Doanh thu phim Việt năm nay không được như năm vừa rồi, thậm chí ở mức rất thấp. Đây là tín hiệu hơi buồn cho anh em trong giới làm phim. Lý do thất bại, chất lượng không phải là vấn đề mà vì có quá nhiều phim nhập từ nước ngoài”, đạo diễn Mai Thế Hiệp trăn trở. Năm 2018, đạo diễn Mai Thế Hiệp cho ra rạp bộ phim Thạch Thảo.
Theo đạo diễn Mai Thế Hiệp, mỗi tuần có từ 6 - 8 phim ra rạp thì rất khó để một bộ phim mới trụ lâu. Qua tuần thứ 2 lại có những phim mới ra thì bắt buộc phim trước đó phải nhường chỗ. Khi cung nhiều hơn cầu thì đương nhiên, không có đất sống cho tất cả.
Cảnh trong phim Thạch Thảo.
“Việc phải bảo trợ phim Việt thì hơi quá, vì sau cùng, khán giả vẫn cần những sản phẩm phim chất lượng. Không nên bảo trợ mà nên tiết chế lượng phim ra rạp. Nếu một tuần có 8 phim ra rạp thì khán giả không thể xem tất cả. Chúng ta nên thận trọng với lượng phim nhập. Theo tôi biết, tại Mỹ, người dân chỉ xem phim Mỹ. Lâu lâu họ mới có một phim nước ngoài. Còn ở Việt Nam, phim Mỹ, Hàn, Nhật, Trung Quốc... phim nào cũng nhập thì rất dễ loạn thị trường”, đạo diễn Mai Thế Hiệp nói.
Trong câu chuyện thất bại doanh thu, không chỉ vì sự nở nồi của phim ngoại nhập như đạo diễn Mai Thế Hiệp nói mà về nội dung, vẫn là câu chuyện đáng bàn. Siêu sao, siêu ngố - bộ phim không hoàn hảo về chất lượng nhưng đạt doanh thu kỷ lục trong khi Song Lang, Người bất tử được đánh giá cao về nội dung lại thất bại mặt doanh thu.
Chuyện nghịch lý bao đời của điện ảnh Việt vẫn tồn tại và chính yếu tố thương mại đẩy những nhà làm phim chọn cách làm dễ dãi, chọc cười sinh lý. Điểm rơi của chất lượng kịch bản, nội dung phim trong năm 2018 là dễ thấy với Lala - Hãy để em yêu anh (Chipu đóng chính), Lộ mặt, Em gái mưa...
“Thị trường phim Việt đang có sự tuột dốc rất rõ, phim thất bại quá nhiều, phim thắng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lý do thất bại không nằm ở khán giả mà thuộc về các nhà làm phim vì đề tài, cách thể hiện, thể loại và năm nay, phần sai đó quá nhiều”, đạo diễn - Nhà sản xuất (NSX) Charlie Nguyễn cho biết.
Cũng theo Charlie Nguyễn, khán giả Việt đang hồ nghi và mất niềm tin với phim Việt. “Qua 3 năm 2016, 2017, 2018 phim thất bại quá nhiều. Những người làm phim sẽ phải nhìn lại thất bại này và buộc phải tìm cách khắc phục. Hy vọng họ khắc phục được vì không thể để khán giả liên tục mất niềm tin. Giữa phim Việt và phim Hollywood, họ không ngần ngại chọn Hollywood, điều đó đang xảy ra chứ không cần chờ đợi. Khán giả Việt mất niềm tin vào phim Việt là vấn đề rất nguy hiểm nhưng họ hoài nghi đều có lý do, bởi có quá nhiều bộ phim khiến họ thất vọng”, Charlie khẳng định.
Cảnh trong phim Song Lang.
Một yếu tố tưởng mới mà cũ, ảnh hưởng đến doanh thu phim Việt 2018 là vấn đề phát hành. Với Song Lang, bài học phát hành và cách truyền thông đến khán giả là điều không thể không nhắc đến. Phim có khá nhiều thông điệp tốt và câu chuyện lẫn thủ pháp điện ảnh đều ở mức khá, tuy nhiên, thông tin khán giả tiếp cận được về phim chỉ dừng ở yếu tố... đồng tính. Sau thất bại ê chề về doanh thu và những lần “Cho Song Lang thêm một tuần nữa” được kêu gọi, đạo diễn - NSX Hồng Ánh cho rằng câu chuyện phát hành phim không còn là vấn đề phụ mà phải được tính toán kỹ lưỡng.
“Làm NSX hay đơn vị phát hành, biết mình biết ta thì mới hiệu quả, vì mơ mộng càng nhiều, thiếu thực tế, bạn càng dễ ngã đau. Việc hiểu rõ mình muốn gì, sản phẩm đang có trong tay như thế nào sẽ giúp bạn tránh được những rủi ro, đặc biệt về tài chính”, Hồng Ánh nói.
Đạo diễn Mai Thế Hiệp cũng đồng quan điểm: “Phim nghệ thuật cũng có lượng khán giả riêng. Nên có những rạp chuyên chiếu những bộ phim nghệ thuật để định hình cho khán giả. Điều này không làm rạp mất doanh thu mà tập trung được lượng khán giả mục tiêu. Phim nghệ thuật không thể chiếu đồng bộ ở 100 cụm rạp mà nên tìm cách phát hành khác. Sau Song Lang, phát hành là bài học dành cho NSX”.
Diễm Mi/Theo PNO