Chỉ có một động lực duy nhất là con cái, phải lo cho chúng trưởng thành. Khi chúng ra đời tự lập được rồi, người làm mẹ như mình mới phần nào yên tâm.
“Ngày tháng đã qua đi trong chớp mắt, tóc đã điểm bạc, có chăng là kỷ niệm…”, Họa Mi đã từng tâm sự như vậy trong dịp về nước thực hiện đêm diễn Trở về mái nhà xưa, liveshow đầu tiên sau 41 năm ca hát tại nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) cách đây hơn một năm, vào ngày 13/6/2015. Khác với chuyến về làm CD năm 2009, lần này, chị ở lại. Người ruột thịt trong gia đình không còn ai, cha mẹ và hai người anh đều đã mất. Chị thuê một căn phòng để ở, cứ đến kỳ ba tháng lại sang Pháp thăm nhà một lần.
Đúng như chị nói, ngày tháng qua đi trong chớp mắt, nghề nghiệp đã cho tôi và chị có mối quan hệ quen biết từ lúc cả hai tóc còn xanh, bây giờ gặp lại, sau nhiều chục năm, dẫu “tóc đã điểm bạc” song trông chị vẫn không mấy khác. Vẫn là một Họa Mi giản dị, mộc mạc trong cách sống; hiền lành, thật thà trong giao tiếp, luôn toát lên sự hồn hậu của một người phụ nữ của gia đình, không bao giờ ra vẻ kiêu kỳ, ngay cả ở thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp ca hát. Cuộc trò chuyện của chúng tôi vì thế, không bàn đến những việc cao xa mà “vụn vặt” những chuyện đời của những người bạn lâu ngày gặp lại.
Ca sĩ Họa Mi.
Lần này về, Họa Mi định ở lại VN luôn sao?
-Năm 2009, sau khi về VN làm CD đầu tay ở tuổi 54, Họa Mi định trở lại Pháp sắp xếp khoảng một năm rồi “hồi hương” lâu dài, nhưng chẳng may công việc kinh doanh khi đó không được hanh thông. Tôi phải ở lại Pháp phụ ông xã, nấn ná mãi đến sáu năm sau mới về được. Lần về này là nhờ chị Bạch Yến (danh ca Bạch Yến). Một hôm, đang túi bụi làm bánh thì tôi nhận điện thoại của chị Bạch Yến, chị nói đã giới thiệu Họa Mi với chương trình Sol vàng (VTV9) và động viên Họa Mi về nước tham gia.
Tuy cùng ở Paris, nhưng chị và tôi cũng không mấy khi gặp được nhau. Tôi suốt ngày tất bật với chuyện kinh doanh, con cái, còn chị Bạch Yến, từ ngày qua Pháp định cư, cũng không còn biểu diễn tân nhạc ở sân khấu như lúc còn ở Mỹ, mà chuyển sang hát nhạc dân tộc, minh họa cho chồng là nhạc sĩ Trần Quang Hải trong các buổi ông diễn thuyết về âm nhạc truyền thống ở khắp các nước. Chị Bạch Yến nói thương Họa Mi thiệt thòi và thấy đây là cơ hội để Họa Mi trở lại với nghề. Nghe chị thuyết phục, lòng tôi càng nôn nao, rồi rất nhanh, tôi quyết định về lại một chuyến. Và tôi thật sự biết ơn chị, vì đã từ rất lâu, Họa Mi mới có một đêm được hát thỏa sức như đêm Sol vàng - Trở về mái nhà xưa (13/6/2015) và đầy hưng phấn vì lại được đứng đúng chỗ của mình.
Sau đêm diễn, Họa Mi nhận được nhiều lời mời cộng tác từ các đài truyền hình như Vĩnh Long, SCTV 11, VTV3, HTV7, VTV9… Thấy việc kinh doanh ở Pháp lúc này tương đối ổn, những đứa con lớn đã tự lập, con trai út đã vào đại học, và quan trọng hơn hết là được ông xã ủng hộ, tôi quyết định ở lại VN lâu dài. Tôi muốn được xuất hiện thường xuyên hơn trên sóng truyền hình như một cách thông báo với khán giả gần xa rằng Họa Mi đã về.
Họa Mi về VN, còn tiệm bánh ở Pháp thì sao? Thật ngạc nhiên khi biết Họa Mi cũng là một thợ làm bánh “tay nghề cao” bởi khó ai tin “danh ca” một thời lại phải cực nhọc tay chân như vậy?
-Họa Mi biết đến nghề làm bánh từ khi lập gia đình với người chồng sau. Ông xã tôi lớn lên ở bên Tây, vốn là một kỹ sư điện tử, từng làm nhiều năm cho hãng hàng không Pháp (Air France), nhưng sau đó lại chuyển nghề sang sản xuất kem. Tôi nghĩ chắc anh có năng khiếu đặc biệt về lĩnh vực này nên mau chóng trở thành người VN làm kem có thương hiệu được khách hàng xếp hạng “á quân” ở Paris một thời gian dài, bỏ mối cho nhiều cửa hàng, rồi tiếp đến làm thêm bánh mì, bánh ngọt… Khi chúng tôi quen nhau, anh đã ly hôn. Khi về với anh cũng là lúc tôi không có công ăn việc làm mà còn có ba con nhỏ.
Tôi không thể ngồi đó chờ người khác nuôi cả mấy mẹ con, nên chỉ có một con đường là lao động, học lấy nghề làm bánh, làm kem của chồng. Mỗi nghề đều có cái hay riêng, nên khi thấy những ổ bánh, những cây kem mình làm ra được người tiêu dùng đón nhận, khen ngợi, tôi càng an tâm gắn bó với công việc. Hơn nữa, công việc đó giúp tôi nuôi được con cái một cách đàng hoàng. Tôi vào xưởng cùng làm với thợ từ 6 giờ sáng đến 11 giờ đêm, mỗi ngày chỉ ngủ khoảng bốn tiếng đồng hồ.
Làm kinh doanh phải chịu sự tác động rất lớn của thị trường, chúng tôi lại làm bánh theo kiểu thủ công, nên chỉ đủ sống chứ khó giàu như người ta sản xuất công nghiệp. Hiện các con lớn của tôi đều đã ra riêng, ông xã vẫn tiếp tục trông coi tiệm, chỉ mướn thêm người phụ. Họa Mi về VN, vừa được trở lại không khí ca nhạc, vừa có cơ hội nghỉ ngơi, bù đắp cho những tháng ngày lao động tất bật. Chúng tôi dự định vài năm nữa, khi con út đã tự lập, vợ chồng sẽ dà nh nhiều thời gian sống ở VN hơn.
Ca sĩ Họa Mi trong chương trình Sol vàng.
Là ca sĩ được nhiều người trọng vọng, đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, bỗng chốc phải sống một cuộc đời khác, làm một nghề nghiệp khác suốt hơn 20 năm, nghĩ lại, Họa Mi thấy những khúc quanh ấy có ý nghĩa gì?
-Tôi thấy trong số bạn bè, đồng nghiệp, chắc chưa ai chìm nổi như mình. Hát rồi nghỉ, nghỉ rồi hát, nếu không có những bất trắc đó, chắc hôm nay Họa Mi đã có một chỗ đứng khác chứ không bị ít nhiều lãng quên như bây giờ. Tôi nghĩ đó là phần số, không cãi lại được. Cũng như chưa bao giờ tôi nghĩ có ngày mình được trở lại với nghề như hiện tại. Tôi về đây được là nhờ có những người còn nhớ tới mình, họ vờ không chú ý đến chuyện Họa Mi còn đang làm bánh mì, mà mạnh dạn đưa mình về.
Trong những chìm nổi đó, điều gì là động lực giúp Họa Mi vượt qua khó khăn?
-Chỉ có một động lực duy nhất là con cái, phải lo cho chúng trưởng thành. Khi chúng ra đời tự lập được rồi, người làm mẹ như mình mới phần nào yên tâm. Tôi vượt qua tất cả, quên cả bản thân mình cũng chỉ từ nguồn động lực đó. Khi tôi cùng các con sang Pháp, đứa lớn nhất 13 tuổi, kế đến 11, rồi 6. Không đứa nào biết tiếng Pháp. Nhớ lại thời gian đầu, không nhà, không người quen, không tiền bạc, Họa Mi phải thuê chung nhà trọ với người ta, một mình xoay xở với đàn con. Tối khuya đi hát ở một nhà hàng người Hoa, tiền cát sê rẻ bèo, nhưng vậy cũng đã là may mắn, mà rồi công việc ở đấy cũng không kéo dài bao lâu. Bù lại, tôi thỉnh thoảng có được sô của trung tâm Thúy Nga, Làng Văn, biểu diễn lòng vòng châu Âu.
Đâu được chừng 5 năm, khi Thúy Nga Paris dời sang Mỹ, tôi không còn nơi nào để hát, mỗi năm chỉ sang thu DVD cho trung tâm này khoảng bốn lần. Lúc đó, muốn có sô thường xuyên hơn phải định cư ở Mỹ mà hoàn cảnh của tôi là không thể, vì còn có các con. Điều an ủi nhất đối với tôi là các con đều học hành chăm ngoan. Điều mừng nữa là các cháu không đứa nào bị di truyền căn bệnh thoái hóa võng mạc sắc tố giống ba chúng. Bởi năm 1990, khi đưa chồng cũ và các con sang Pháp khám mắt, các bác sĩ bên đó đã cảnh báo phải cho các con kiểm tra mắt hằng năm, qua 18 tuổi mới biết có bị di truyền hay không.
Cuộc đời nhiều thăng trầm hẳn có nhiều chuyện buồn. Vậy với Họa Mi, lúc nào là lúc Họa Mi buồn nhất?
-Nói mình vô tư thì cũng không hẳn, nhưng có lẽ cuộc sống phải nhiều lo toan, hết chuyện nọ lại phải nghĩ đến chuyện kia nên tôi ít thời gian để nghĩ ngợi, hiếm khi rảnh để buồn. Đi hát mình không bon chen, không đòi hỏi, được đi hát là phần thưởng quý giá, là vui nên sao cũng được. Trời cho tôi sức khỏe, làm việc quần quật suốt từ sáng đến đêm mà không bệnh hoạn gì, đến tuổi này vẫn được khen “trẻ, đẹp” (cười). Có buồn chăng là một đôi lúc chợt nhớ mình không được làm nghề như bạn bè. Ca sĩ mà không được đứng trên sân khấu thường xuyên là nỗi đau lớn.
Với Họa Mi, ca sĩ mà không được đứng trên sân khấu thường xuyên là nỗi đau lớn.
Họa Mi có bao giờ tự hỏi sao cuộc đời mình lắm đa đoan, không lúc nào thảnh thơi?
-Có hỏi cũng đâu trả lời được, Họa Mi cứ tin là mình có sẵn số… cực. Mồ côi cha năm 11 tuổi, mồ côi mẹ năm 18 tuổi, phải sống nương vào người anh. Ngay cả lúc mẹ còn sống, mẹ luôn đau yếu, cũng chỉ nhờ anh lo. Mười chín tuổi đi hát, mới có tiền tự nuôi thân. Khi tôi vào đời cũng là lúc giai đoạn đất nước khó khăn, nhiều người thất nghiệp, mình được làm nghề, kiếm đủ cơm ăn là mừng.
Phụ nữ ai cũng muốn được chồng lo cho, nhưng Họa Mi lấy chồng thì chồng bệnh, gia đình chồng khó khăn, phận dâu con phải phụ lo cho tới ngày Họa Mi đi. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ là phận số rồi, mình lo được thì lo cho hết mình, không nghĩ gì khác, bây giờ ngồi nhớ lại, thấy sao mình có thể vượt qua được cái truông đó. Hồi sự nghiệp đang lên cao, tôi có nhiều sô, kể cả được đi hát ở nước ngoài, tuy không giàu nhưng cũng không bị đói, nghĩ lại cám ơn đời, cám ơn Trời Phật. Có lẽ mình sống ở đâu, sống với ai, làm việc gì cũng hết lòng nên mọi chuyện lần hồi rồi cũng… hanh thông.
Cho đến nay, sau nhiều chục năm, hình ảnh ca sĩ Họa Mi mảnh mai, tươi trẻ, xinh đẹp, đêm đêm đèo xe máy chở chồng là một người đàn ông to con, bảnh trai, kẹp theo bên hông cây kèn saxophone, đến biểu diễn tại các tụ điểm ca nhạc là một hình ảnh thật đẹp nhưng cũng thật đáng… thương. Có phải vì đó là mối tình lãng mạn nhất của Họa Mi?
-Nếu nói biểu hiện tình yêu đôi lứa là sự rung động con tim, là nỗi nhớ mong cháy lòng, là sự hồi hộp khắc khoải… thì tôi đã biết yêu từ rất sớm, lúc mới 15, 16 tuổi. Nhưng đó là một tình yêu đơn phương, yêu thiết tha nhưng không dám ngỏ lời sợ người ta biết mình yêu người ta vì tôi mặc cảm về gia cảnh, nhà nghèo, cha không còn, mẹ lại hay đau ốm. Lúc ấy, tuy rất đau khổ nhưng mình mới lớn, đâu biết phải làm sao, chỉ biết tự khổ, rồi tự hết. Đến khi đi hát ở đoàn Kim Cương thì gặp Lê Tấn Quốc, anh vì mắt yếu không tự đi xe được nên ngày nào cũng nhờ Họa Mi chở về nhà.
Có lẽ “chàng” đã để ý Họa Mi nên cứ cố tình nhờ chở, chở đâu chừng sáu tháng sau, anh ngỏ lời hỏi cưới. Tôi lúc ấy là phận mồ côi, sống chung với người anh nên thèm một mái ấm gia đình riêng, có người đàn ông bên cạnh; lại thấy anh Quốc hiền lành, tử tế nên gật đầu đồng ý. Hỏi rằng khởi đầu có xuất phát từ tình yêu say đắm không thì chắc là không, nhưng khi về làm vợ, tình thương từ từ đến. Tôi luôn tự dặn lòng, người phụ nữ khi lấy chồng phải có nghĩa vợ chồng, xem nhà chồng là nhà mình.
Chồng bệnh thì vợ chăm sóc, có thể lo được gì cho chồng thì cứ làm hết sức. Vậy nên, Họa Mi khi đó, trong điều kiện có thể từ các mối quan hệ do nghề nghiệp đem lại, đã đưa anh Quốc đi chạy chữa khắp nơi, cả trong nước lẫn nước ngoài nhưng bệnh tình vẫn không bớt, và việc quyết định ở lại Pháp của tôi cũng phần lớn vì mục đích đó. Thế nhưng, sau khi biết khả năng khỏi bệnh là vô vọng, anh Quốc đã kiên quyết trở về VN vì không muốn trở thành gánh nặng cho vợ, mặt khác, cũng chỉ ở quê nhà anh mới có cơ hội tiếp tục làm nghề.
Tôi nghĩ, số phận đã cho duyên nợ của chúng tôi đến đó thì đành phải chấp nhận thôi. Cuộc hôn nhân với ông xã hiện nay, tôi nghĩ cũng do số phận sắp đặt, chỉ tình cờ gặp mà nên duyên. Anh là một người giỏi giang, bao dung và độ lượng, là chỗ dựa tin cậy cho tôi trong lúc bơ vơ, đã cùng tôi nuôi các con trưởng thành. Với cả hai người chồng trong đời, tôi đều gắn bó với họ trước nghĩa sau tình, nhưng thật may mắn, cả hai đều là những người đàn ông tốt, chân tình và đều dành cho tôi sự thương yêu, trân trọng.
Giờ đây, tôi mừng vì anh Quốc đã có cuộc sống mới ổn định, nghề nghiệp của anh vẫn được trọng dụng. Cùng với ba đứa con chung của anh và tôi, những người con trong cuộc hôn nhân sau của anh nay cũng đều đã trưởng thành. Chúng tôi giờ đây coi nhau là bạn.
Cát Vũ/Theo Phụ nữ TP