Vẫn lên kế hoạch diễn Tết nhưng các sàn kịch có vẻ "xìu" hơn bởi tình trạng khan hiếm kịch bản hay đúng chất Tết.
Dự kiến trong dịp Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018, 12 vở kịch mới của 9 sân khấu tại TP.HCM sẽ được đầu tư phục vụ khán giả nhưng các ông bà bầu vẫn than vãn "tìm vở hay quá khó".
"Canh bạc cuối năm"
Sân khấu Kịch IDECAF năm nay chỉ đầu tư 2 vở diễn Tết. Theo NSƯT Thành Lộc, vì sân khấu số 7 Trần Cao Vân đang ngưng hoạt động để sửa chữa nên IDECAF của anh chỉ chọn 2 vở diễn Tết, bên cạnh các vở cũ vẫn còn thu hút đông khán giả.
Đạo diễn Vũ Minh cho biết anh đang lên sàn tập vở Thám tử si tình. Còn các vở khác, đạo diễn và tác giả đang ráo riết chỉnh sửa, chưa tiết lộ thông tin.
NSND Hồng Vân cũng trong tâm trạng "liệu cơm gắp mắm" khi 5 vở mới triển khai trong sự hồi hộp, lo âu: "Tôi cố gắng cho ra mắt khán giả vở Ngọn Lan trong gió để thử thăm dò thị hiếu người xem. Bốn vở còn lại gồm Bốn nàng độc thân, Rambi, Con của chồng tôi và Căn nhà im lặng đang triển khai".
Sân khấu Kịch Sài Gòn năm nay có 4 vở mới, vẫn xoay quanh đề tài ma quỷ, mang yếu tố tâm linh, giáo dục con người lánh xa cái ác, nhân thêm điều thiện. Ông bầu Mạnh Tràng than: "Kịch diễn Tết luôn là nỗi ám ảnh. Nghĩ ra đề tài để không bị trùng lắp, mang lại tiếng cười đồng thời thể hiện được chất riêng của thương hiệu là sự đau đầu. Năm nào cũng vậy, cứ như canh bạc cuối năm, phải tính toán đủ bề để vở diễn sống được hết tháng giêng là mừng".
Giấc mộng vàng son - một trong 2 vở Tết của Hoàng Thái Thanh.
Sân khấu Hoàng Thái Thanh có 2 vở kịch Tết. Trong đó, vở đang chuẩn bị phúc khảo mang tên Sài Gòn có một ngã tư, do đạo diễn NSƯT Thành Hội dàn dựng.
Kịch Nụ Cười Mới của ông bầu Vũ Văn Long cũng dàn dựng 3 vở mới diễn Tết nhưng vẫn chưa công bố chính thức tên tác phẩm. Sự dè dặt của bà bầu Đại Ngọc Trâm, Sân khấu Kịch Rubik, cũng vì muốn chọn lựa chu đáo hơn kịch mục ngày Tết.
Trong khi đó, Sân khấu Trịnh Kim Chi đã rục rịch dựng 4 vở: Game ơi là show, Thầy giáo ma, Hồn nữ mơ hoang và Chuyến đi tử thần. "Các vở này phải chuẩn bị từ tháng 11 năm ngoái nên mới có thể yên tâm sắp lịch diễn Tết năm nay" - bà bầu này cho biết.
"Sống sót" đến tháng giêng?
Theo đạo diễn Ngọc Hùng (Nhà hát Thế Giới Trẻ), mùa kịch Tết đã trở nên quen thuộc với những người làm sân khấu nên trước đó vài tháng, Thế Giới Trẻ đã đặt hàng các tác giả và đạo diễn chuẩn bị vở mới.
"Tết năm nay, chúng tôi giới thiệu đến khán giả 4 vở: Bao giờ mẹ lấy chồng (tác giả: Nguyễn Bảo Ngọc, đạo diễn: Ngọc Hùng), Thiên thần? Cân luôn! (tác giả, đạo diễn: Bùi Quốc Bảo), Sao đại chiến (tác giả, đạo diễn: Cao Tấn Lộc) và Tình kỹ nữ (tác giả: Bảo Ngọc - Vũ Phúc An, đạo diễn: Phúc Zelo). Thế mạnh của chúng tôi là có đội ngũ tác giả quen thuộc, gắn bó nhiều năm như: Nguyễn Thu Phương, Nguyễn Bảo Ngọc, Bùi Quốc Bảo, Cao Tấn Lộc… nên việc đặt hàng kịch bản không quá khó khăn. Quan trọng là ý tưởng. Cái khó là chọn đề tài sao cho hấp dẫn, hợp không khí vui tươi của ngày Tết và đến khi hết Tết, các vở này vẫn có thể sống được" - đạo diễn Ngọc Hùng phân tích.
Cảnh trong vở Bao giờ mẹ lấy chồng của Nhà hát Thế Giới Trẻ.
Đạo diễn Ngọc Hùng cho biết khi lên kế hoạch tập vở cho sân khấu, anh luôn nghĩ ra ý tưởng rồi làm việc với tác giả Nguyễn Bảo Ngọc và nhà văn Nguyễn Thu Phương, thống nhất nội dung câu chuyện xuyên suốt và chủ đề tư tưởng. Trên cơ sở đó, tác giả có thể viết kịch bản nhanh hơn và đạt được ý đồ mà đạo diễn mong muốn cho vở diễn. "Còn Bùi Quốc Bảo và Cao Tấn Lộc vừa là tác giả và đạo diễn nên việc đó lại dễ dàng hơn. Sân khấu cũng đang xuất hiện một đội ngũ đạo diễn trẻ có cách làm việc như thế. Đạo diễn đề nghị trước về đề tài sẽ dàn dựng, sau đó triển khai kịch bản với tác giả và lên sàn tập. Muốn tránh thất vọng khi tuổi thọ vở Tết không cao thì bắt buộc phải làm như vậy" - anh khẳng định.
Theo bà bầu Trịnh Kim Chi, mùa diễn kịch Tết không còn đơn thuần là kiếm thật nhiều sô, nhiều tiền. Các sân khấu còn đối mặt áp lực nặng nề là làm sao để sau Tết, khán giả vẫn tìm đến mình.
NSND Hồng Vân đúc kết: "Năm nào cũng tất bật lo kịch Tết rồi lại thất vọng khi có nhiều vở không sống nổi đến tháng giêng. Điều này là vấn đề nan giải đối với các sàn kịch hiện nay".
Đạo diễn trẻ - nhân tố mới
"Kịch bản của tác giả chuyên nghiệp đôi lúc không mang tính thời sự dù rất chắc về mặt văn học, tình huống. Với tác giả và đạo diễn trẻ, họ đang ở tư thế dấn thân, nếu được uốn nắn, họ sẽ có sản phẩm tốt" - NSND Hồng Vân nhận xét về việc sử dụng đội ngũ trẻ. Vì thế, Tết năm nay, Kịch Phú Nhuận có nhiều đạo diễn trẻ đảm nhận dàn dựng các vở diễn: Đinh Mạnh Phúc, Mi Trần, Tam Thanh, Xuân Nghị... Nhà hát Thế giới trẻ cũng tạo điều kiện để Phúc Zelo giới thiệu tác phẩm đầu tay với vai trò đạo diễn.
"Đó là nhân tố mới của kịch Tết năm nay. Chưa biết hiệu quả thế nào nhưng Hội đồng Nghệ thuật - Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM rất hoan nghênh việc tạo điều kiện cho các đạo diễn trẻ có đất dụng võ" - đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc bày tỏ.
Thanh Hiệp/Theo NLĐO