Những tác phẩm tự truyện, hồi ký ra đời từ nhu cầu "được nói" và "được nghe" sự thật. Nhưng chính điều đó cũng khiến hồi ký, tự truyện dễ gây tranh cãi, thậm chí là những phản ứng dữ dội.
Nửa đầu thế kỷ 20, hồi ký văn học ra đời, đánh dấu với sự xuất hiện của nhiều tác phẩm như Những ngày thơ ấu (Nguyên Hồng), Cai (Vũ Bằng), Cỏ dại (Tô Hoài)…Trong giai đoạn 1945 - 1975, hồi ký, tự truyện không mấy sôi động, chỉ có một số tác phẩm như Đời viết văn của tôi (Nguyễn Công Hoan), Một tuổi thơ văn (Nguyên Hồng), ở miền Nam có các hồi ký của Vũ Bằng, Quách Tấn, Nguyên Vũ.
Sau năm 1975, hàng chục hồi ký văn học ra đời như Nửa đêm sực tỉnh (Lưu Trọng Lư), Hồi ký song đôi (Huy Cận, Xuân Diệu), Hồi ký Anh Thơ, Bóng ngày qua (Quách Tấn); Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương (Ma Văn Kháng), Người đàn bà cầm bút (Lê Minh)…
Những năm gần đây bùng nổ sách hồi ký, tự truyện, đặc biệt trong giới văn nghệ như Tâm thành và Lộc đời (NSƯT Thành Lộc), Đằng sau những nụ cười (ca sĩ Khánh Ly), Để gió cuốn đi (Ái Vân), Một đời giông bão (Thương Tín), Là tôi (Hà Anh), Tôi vẽ chân dung tôi (Hương Giang Idol), I believe I can fly (Đức Phúc), Chạm tới giấc mơ bay (Sơn Tùng M-TP), Vàng Anh và Phượng Hoàng (Hoàng Thùy Linh)… và mới đây nhất là Phút 89 (cựu cầu thủ Lê Công Vinh).
Cách đây 12 năm, khi tự truyện Lê Vân yêu và sống ra mắt, nghệ sĩ Lê Vân đã phải hứng chịu rất nhiều chỉ trích. Theo TS Trần Ngọc Hiếu (Khoa Ngữ văn - Đại học Sư phạm Hà Nội), phản ứng của công chúng có lẽ không chỉ vì những gì Lê Vân nói không tốt về cha mình (NSND Trần Tiến), mà còn bởi những câu chuyện vượt qua “thang đạo đức” thông thường, như quyết định làm người thứ 3, hay việc cô không biết đứa con trong bụng mình là của ai.
Bìa cuốn tự truyện, hồi ký Để gió cuốn đi (Ái Vân), Lê Vân yêu và sống (Lê Vân), Một đời giông bão (Thương Tín).
Theo nhận định của nhà nghiên cứu văn học Mai Anh Tuấn (Đại học Văn hóa Hà Nội), sự thật có thể làm tổn thương người khác, mặt khác, khi bối cảnh xã hội còn tồn tại nhiều thiết chế, khuôn mẫu đạo đức, thì chừng đó, sự thật vẫn bị những vòng kim cô kìm kẹp khi muốn thoát ra. Mặc dù dễ gây ra tranh cãi, nhưng sự thật được đưa ra trong hồi ký, tự truyện cho thấy nhiều giá trị xã hội và văn hóa, trong đó có những giá trị về lịch sử.
Nhà văn Tô Hoài từng phải chịu nhiều sức ép khi hồi ký Cát bụi chân ai, Chiều chiều ra mắt. Nhưng đến giờ, những tác phẩm đó được nhìn nhận giá trị, trong đó có việc khắc họa một giai đoạn của lịch sử cũng như đời sống giới văn nghệ sĩ của một thời. Theo TS Trần Ngọc Hiếu, có những cuốn hồi ký, tự truyện là những tự sự của nhân chứng trong những sự kiện của lịch sử. Những tác phẩm ấy đã giúp lấp vào những “điểm mù” trong lịch sử, khi lịch sử chính thống bị khuyết trống.
Nhà báo Lê Anh Hoài (người chấp bút tự truyện Không lạc loài) cho rằng, hiện nay còn có dạng viết tự truyện, hồi ký theo kiểu “công nghệ” làm đẹp. “Cô bạn tôi kể cô ấy được một ông tướng về hưu mời viết tự truyện với giá 250 triệu, nhưng sau đó cô ấy đã từ chối vì thấy không thể làm được”, nhà báo Lê Anh Hoài nói. Thậm chí, theo nhà phê bình Mai Anh Tuấn, ở đâu đó, có những bàn tay muốn dùng tự truyện để truyền thông, PR cho sản phẩm của mình.
Nói về sự thật trong tự truyện, hồi ký, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhìn nhận: “Chúng ta chỉ có thể tiếp cận sự thật, chứ không thể biết được sự thật. Không có sự thật nào bắt đầu từ một cái nhìn, một chủ thể nhìn, không có sự thật đồng nhất cho mọi người, không có sự thật tuyệt đối, tròn vo”. Ông cho rằng: “Người viết phải là người có thẩm quyền về những câu chuyện đưa ra và phải chịu trách nhiệm về những gì mình viết”. Còn nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn cho rằng độc giả hiện nay đang có nhiều thách thức bởi “một khi tự truyện, hồi ký được nâng lên công nghệ viết phải hết sức cảnh giác với những câu chuyện được kể trong đó”.
Không thể phủ nhận sức hấp dẫn từ những câu chuyện bí mật được đưa ra trong tự truyện, hồi ký, nhưng có những câu chuyện (có thể hư cấu hoặc không) đã nhấn chìm cuộc đời của những con người. “Với tư cách người đọc, tôi không thích dùng sự thật tấn công người khác. Nếu vậy, người ta cũng đã hiểu sai tinh thần của sự thật”, nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn nói. TS Trần Ngọc Hiếu cho rằng, không có sự thật duy nhất, nên cần có nhiều những tác phẩm để người đọc có thể soi rọi “sự thật” từ nhiều chiều.
Ngọc An/Theo Thanh Niên