Chuyện chiếc bàn thờ và sự giới hạn trong sáng tạo văn hóa

Đăng lúc: 8:42 am, Ngày 16/07/2019

Cuộc thi bình chọn mẫu thiết kế trang phục dân tộc Việt Nam tham dự Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2019 đang dần đi đến hồi kết. Tuy nhiên, sự sáng tạo và yếu tố văn hóa trong những mẫu thiết kế vẫn là điều đáng bàn.

Lỗi văn hóa của trang phục
 
Một số mẫu thiết kế tham dự bình chọn do Ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam tổ chức nhằm tìm kiếm trang phục cho Hoàng Thùy tham dự phần thi National Costume (trang phục dân tộc) của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2019 đang gặp phải sự phản ứng gay gắt trong cộng đồng. Chưa bàn đến chuyện xấu đẹp, vấn đề mà cộng đồng chỉ trích, bàn tán nhiều nhất ở các trang phục chính là “lỗi” văn hóa.
 
Vài năm trở lại đây, phần thi National Costume (trang phục dân tộc) của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới đã được công chúng Việt biết đến nhiều hơn.
Bánh mì của H'Hen Niê lọt top 15 trang phục đẹp nhất Miss Universe 2018.
 
Khác với phần thi Traditional Costume (trang phục truyền thống), phần thi trang phục dân tộc đòi hỏi các trang phục phải mang tính sáng tạo, giải trí cao nhưng vẫn phản ánh được văn hóa, phong cách quốc gia mà nhìn vào đó người ta có thể biết ngay thí sinh đến từ đất nước nào.
 
Chính vì vậy, tuy chỉ là một phần thi phụ, nhưng trang phục dân tộc lại được các quốc gia đầu tư rất cao, trong đó có Việt Nam, nhằm tạo ấn tượng với công chúng, một phần cũng là cơ hội có thể quảng bá văn hóa của đất nước mình. Việc các nhà thiết kế đưa vào đó cả phong cảnh đất nước, mô tả công trình kiến trúc, món ăn vào trang phúc… cũng là điều dễ hiểu.
 
Nơi sáng tạo cần giới hạn
 
Năm 2018, thiết kế Bánh mì mà hoa hậu H’Hen Niê trình diễn tại phần thi này tuy cũng gặp nhiều dư luận trái chiều song vẫn được coi là thành công, góp phần đưa cô vào Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2018.
 
Tuy nhiên, ngay cả với những người có tư duy cởi mở, tương đối thoáng, sẵn sàng chấp nhận cái mới kể cả đưa bánh mì, mì Quảng vào trang phục thì với những thiết kế Bàn thờ, Nàng Phổ Minh, Thiên Mụ… năm nay họ vẫn cảm thấy… khó có thể chấp nhận được.
 
Cả hai thiết kế này đều liên quan tới văn hóa tâm linh của người Việt. Việc đưa bàn thờ hay tháp Phổ Minh (một công trình kiến trúc Phật giáo thời Trần) vào trang phục của người phụ nữ là điều cần hết sức cẩn trọng, nếu không muốn nói là cấm kỵ với một dân tộc trọng truyền thống văn hóa, tôn trọng tín ngưỡng như Việt Nam.
Thiết kế phản cảm, gây nhiều tranh cãi.
 
Trong khi đó, cách thể hiện của các nhà thiết kế lại khá thô, phản cảm. Sự thiếu nhạy cảm của các nhà thiết kể trẻ với vấn đề tâm linh cho thấy sự nhìn nhận hời hợt, thậm chí sai lệch về văn hóa dân tộc.
 
Vẫn biết sự sáng tạo, ấn tượng luôn là tiêu chí hàng đầu và ngày càng trở nên khó tìm trong môi trường toàn cầu hóa hiện nay. Để chạy theo yếu tố gây sốc, nhiều người đã chấp nhận cả những cấm kỵ có tính truyền thống.
 
Thành ngữ xưa có câu: “Nó lú, có chú nó khôn”, lẽ ra với những mẫu thiết kế như thế Ban tổ chức nên góp ý rút kinh nghiệm với tác giả thay vì đưa lên mạng bình chọn.
 
Trước sự việc này, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH TT&DL) cũng đã thốt lên rằng: “Tôi không biết vai trò người thẩm định ở đâu?”.
 
Các chuyên gia văn hóa bức xúc cho rằng, chắc chắn những người tạo ra mẫu thiết kế đó không hiểu biết về văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Đây là một sự “xúc phạm” về văn hóa của cha ông. Họ cũng đặt câu hỏi, những mẫu thiết kế đó nếu được đưa lên trình diễn thì sẽ quảng bá được điều gì cho văn hóa Việt Nam, đất nước con người Việt Nam với bạn bè thế giới khi đó là những mẫu thiết kế “què quặt” về văn hóa.
 
Rõ ràng đây là lỗi rất đáng trách của cả một ê kíp, sáng tạo mà phản văn hóa, gây chú ý mà tạo ra sự phản cảm. Làm thời trang, muốn mang cái đẹp của Việt nam giới thiệu với bạn bè thế giới mà hời hợt như vậy thì đã sai ngay từ nhận thức.
 
Bảo Minh/Theo GDTĐ

Đọc thêm các bài khác