Sẽ hạn chế nhập phim ngoại để phát triển điện ảnh trong nước?

Đăng lúc: 8:16 am, Ngày 20/08/2019

Tại buổi họp về Dự thảo Luật Điện ảnh sáng 19/8, nhiều ý kiến cho rằng cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn số lượng phim nhập mỗi năm để tạo đường cho điện ảnh Việt phát triển.

Bà Dương Thị Cẩm Thuý - Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM - cho rằng nên quy định chặt chẽ về số lượng, điều kiện cho phim nhập khẩu để vừa kiểm soát số phim nước ngoài nhập vào chiếu ở thị trường trong nước, vừa góp phần phát triển sản xuất phim trong nước.
 
Đồng ý kiến với Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM, PGS.TS Trần Luân Kim cho rằng hạn chế nhập khẩu phim là cách để điện ảnh Việt tăng cường sản xuất phim. Một cách hiệu quả để bảo vệ mình như cách mà điện ảnh Trung Quốc đang thực hiện, đó là hạn chế tối đa đầu vào và tăng cường tự sản xuất phim. Ông đưa ra con số mỗi năm, điện ảnh Trung Quốc chỉ cho phép nhập khẩu 40 phim, điều này vừa tạo cơ hội vừa là áp lực để điện ảnh trong nước khẳng định vai trò của mình.
Bom tấn Hollywood luôn hút khán giả.
 
Chủ đề bàn luận sôi nổi hơn khi ông Đỗ Duy Anh- nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh - tiếp tục ý kiến và nhấn mạnh rằng điện ảnh Việt nên “tự bảo vệ mình” bằng cách phải kiểm soát việc nhập khẩu phim hiện nay, tăng cường sản xuất/chiếu phim Việt Nam.
 
Cụ thể hơn, ông khẳng định: “Rạp chiếu phim là thị trường của điện ảnh. Phim Việt Nam không có thị trường, không có nơi chiếu, các nhà sản xuất sau khi làm xong đem phim ra rạp chiếu thì bị nơi này từ chối, nơi kia đưa vào giờ chiếu/ngày chiếu không phù hợp. Chúng ta phải đưa ra những giải pháp phù hợp để các rạp phải chiếu phim Việt Nam”.
 
Ông Đỗ Duy Anh nhấn mạnh cần quan tâm vì các rạp chiếu hiện nay chủ yếu chiếu phim nước ngoài, nếu cùng thời điểm ra mắt với một bộ phim quốc tế nào đó đang được yêu thích thì phim Việt khó có được suất chiếu tốt.  
Điện ảnh Hàn Quốc chú trọng phát triển điện ảnh trong nước nhưng vẫn xem việc nhập khẩu phim là cần thiết để phục vụ người xem.
 
Ông Đỗ Duy Anh nói thêm tính đến năm 2018, số lượng phim truyện Việt Nam sản xuất có mức tăng trưởng đáng kể. Đến năm 2018, phim Việt Nam sản xuất tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2012 (năm 2012: 16 phim, năm 2018: 37 phim), chiếm khoảng 25% đến 30% tổng số phim phát hành trong cả nước.
 
Giá đầu tư trung bình để sản xuất một bộ phim Việt có thời lượng từ 90 - 100 phút là khoảng từ 12 - 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi phát hành và phổ biến trong mạng lưới rạp chiếu phim, chỉ có khoảng 10% phim thu hồi được vốn sản xuất hoặc đạt được doanh thu cao. Còn lại, đa số không thu hồi được vốn sản xuất, đặc biệt là các phim nghệ thuật.  
 
Minh Tú/Theo PNO

Đọc thêm các bài khác