Triển lãm Thời trang Nguyễn Công Trí và Nghệ thuật Đương đại với chủ đề “Cục Im Lặng” sẽ diễn ra từ ngày 27/12 - 29/12 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC).
Những nghệ sĩ tham gia trình diễn tác phẩm tại sự kiện bao gồm Nghệ sĩ Thị giác Ngô Đình Bảo Châu, Nghệ sĩ Múa - Biên đạo múa đương đại Ngô Thanh Phương, Kiến trúc sư VUUV, Nghệ sĩ Thị giác Lu Yang, Nghệ sĩ Thị giác Trương Công Tùng, Nhiếp ảnh gia Thời trang - Nghệ sĩ Thị giác Hứa Như Xuân, Nghệ sĩ Thị giác Tùng Crazy Monkey, Nghệ sĩ Thị giác Truc-Anh và Đạo diễn - Nhà sản xuất phim Bảo Nguyễn. Tất cả đều là những nghệ sĩ đương đại đầy tài năng trong nước và quốc tế.
Nghệ sĩ Thị giác Ngô Đình Bảo Châu
Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Ngô Đình Bảo Châu sớm nhận được sự ngưỡng mộ bởi khả năng linh hoạt trong việc ứng dụng nhiều cách thức biểu đạt của nghệ thuật như hội hoạ, sắp đặt hay điêu khắc trên các nền chất liệu mang đậm tính duy mĩ. Từ 2009, Ngô Đình Bảo Châu tham gia vào các dự án nghệ thuật và nhanh chóng dành được chú ý của giới hàm lâm nghệ thuật trong nước và quốc tế.
Nghệ sĩ Thị giác Ngô Đình Bảo Châu
“Câu chuyện về những truy vấn bản thân thời chập chững mới vào đời vào nghề” là khởi điểm trong bộ tác phẩm lần này của Ngô Đình Bảo Châu, đối thoại với bộ sưu tập No.1 của Nguyễn Công Trí, nơi màu trắng tinh khôi là điểm gặp gỡ đầu tiên giữa nghệ sĩ và nhà thiết kế.
Nghệ sĩ Múa, Biên đạo múa đương đại Ngô Thanh Phương
Tốt nghiệp Đại học Folkwang tại Đức, Ngô Thanh Phương trở về Việt Nam và làm việc với tư cách biên đạo múa chính tại Arabesque Dance Company. 2012, Ngô Thanh Phương nhận giải thưởng Biên đạo múa xuất sắc tại cuộc thi Modern Dance ở Hàn Quốc, cô cũng nhận được những đầu tư của giới hàn lâm nghệ thuật, bảo chứng cho khả năng trình diễn thiên bẩm của mình. Kể từ năm 2017, Ngô Thanh Phương tập trung vào việc pha trộn vẻ đẹp giữa văn hoá bản địa và văn hoá đương đại. Nữ nghệ sĩ tìm thấy sự đồng điệu trong ngôn ngữ nghệ thuật từ rẻo cao Tây Nguyên, Champa huyền bí cho đến Việt Nam đương đại, tạo nên một thế giới riêng mang đậm phong vị của Ngô Thanh Phương.
Nghệ sĩ Múa, Biên đạo múa đương đại Ngô Thanh Phương
Khi được giới thiệu về bộ sưu tập No.2 của Nguyễn Công Trí, biên đạo múa đương đại Ngô Thanh Phương đã “cảm nhận ngay mối liên hệ từ sự phá vỡ và tái tạo mãnh liệt của nhà thiết kế đối với giá trị truyền thống gắn liền trong bộ áo dài”. Từ trải nghiệm cá nhân ấy, kết hợp cùng các mẫu áo dài tái-cấu-trúc của Nguyễn Công Trí, cô sáng tác vở múa The Talks - tác phẩm dẫn dắt bằng ngôn ngữ cơ thể qua chuyển động múa đương đại.
Kiến trúc sư VUUV
Thành lập nhóm năm 2016, VUUV là một trong những tên tuổi được chú ý trong giới nghệ sĩ và kiến trúc tại Việt Nam. Bộ đôi kiến trúc sư Vũ Hoàng Sơn và Vũ Hoàng Hà, sau gần 20 năm kinh nghiệm học tập và làm việc tại châu Âu, tương đồng trong ý niệm hướng tới kiến trúc bền vững thông qua sự linh hoạt của công năng. Họ đi tìm giải pháp cho những không gian nhỏ của kiến trúc đô thị, khai thác những khía cạnh mới của các phần tử kiến trúc, tương tác cảm xúc giữa vật liệu và không gian, kết nối kiến trúc và các ngành nghệ thuật khác… để tạo ra những không gian sáng tạo đầy duy mỹ.
Bộ đôi kiến trúc sư VUUV - Vũ Hoàng Sơn và Vũ Hoàng Hà
Trong thiết kế của mình, Công Trí dùng các chất liệu nguyên bản để tạo nên bộ trang phục theo cơ thể người mặc - tựa như một lớp vỏ kiến trúc từ tự nhiên ôm lấy cấu trúc vật lý của con người. Tương tự với điều đó, công trình của VUUV là một biến thể từ ngôn ngữ đan lát tre nứa truyền thống, đem lại một luồng gió mới cho nghệ thuật thủ công Việt Nam, vận dụng nó vào bố cục không gian nhằm tạo ra bầu không khí kiến trúc dung chứa con người, ở đây là các khách tham quan.
Giao kết - tác phẩm của VUUV lấy cảm hứng từ nhà thiết kế Nguyễn Công Trí sẽ là một biến thể từ ngôn ngữ đan lát truyền thống Bắc Bộ, một màu sắc rất riêng trong Triển lãm lần này
Nghệ sĩ Thị giác Lu Yang
Sự đối lập trong nghệ thuật của Lu Yang được thể hiện bằng một lớp áo sặc sỡ đến chói loà. Nữ nghệ sĩ người Thượng Hải mê đắm những hình thái rực rỡ từ phong cách mỹ thuật của anime, trò chơi điện tử và khoa học viễn tưởng, rồi lấy đó làm chất liệu nền để sáng tạo ra những tác phẩm mang cảm hứng đối lập giữa hư ảo và hiện thực cuộc sống. Ngắm nhìn các tác phẩm của Yu Yang là ngắm nhìn một thế giới rực rỡ sắc màu, nhưng chất chứa nhiều ý niệm thẳm sâu của người nghệ sĩ về cuộc sống đa dạng.
Nghệ sĩ Thị giác Lu Yang
Lu Yang đem đến triển lãm tác phẩm video nổi tiếng nhất và cũng đầy khiêu khích của cô, Mạn Đà La Hoang Tưởng (2015) như một trình hiện hòa chung với thiết kế ấn tượng trong bộ sưu tập No.4 của Nguyễn Công Trí. Tác phẩm nghệ thuật và thiết kế của cả hai xoay quanh câu hỏi: tận cùng bản thể học của con người là gì? Phải chăng chính là xác thịt - cấu tạo căn bản, thứ liên đới mật thiết tới sự tồn tại của mỗi sinh linh - sự sống rồi cái chết.
Nghệ sĩ Thị giác Trương Công Tùng
Sinh năm 1986, Trương Công Tùng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh chuyên ngành sơn mài. Chiêm nghiệm thẳm sâu từ nhiều năm quan sát và nghiên cứu về khoa học, vũ trụ và triết học, đã tạo thành thế giới quan nghệ thuật ấn tượng của Trương Công Tùng. Trương Công Tùng trở thành thành viên của Art Labor và thực hiện rất nhiều Triển lãm trong nước và quốc tế dưới tư cách một nghệ sĩ solo và một thành viên của Art Labor Collective.
Nghệ sĩ Thị giác Trương Công Tùng
“Sự vây hãm của con người trước những cám dỗ từ tiện nghi vật chất hiện đại” là ý niệm trong bộ sưu tập No.5 của nhà thiết kế Nguyễn Công Trí mà nghệ sĩ Trương Công Tùng đồng cảm. Công nghệ và cuộc sống tiến bộ ngày nay khiến con người sinh hoạt tiện lợi hơn, tăng năng suất lao động, kết nối với nhau nhanh và dễ dàng hơn, nhưng cũng khiến chúng ta trở thành công cụ cho kỹ thuật, trong một thế giới phát triển với tốc độ vô tiền khoáng hậu. Nếu nhìn vào trang phục của Công Trí, ta thấy ẩn dụ về chiếc lồng giam giữ con người; thì tác phẩm của Công Tùng tựa như một ám chỉ ngầm cho trạng thái nhân loại đang mắc kẹt dưới hang động của kỷ nguyên công nghệ.
Nghệ sĩ múa đương đại Alexander Tú
Trong hơn nửa thập kỷ, Alexander Tú đã truyền nguồn năng lượng tích cực đến thế hệ vũ công trẻ Việt Nam trong hành trình sáng tạo và hội nhập quốc tế. Alexander Tú mang chất liệu nghệ thuật dân gian cùng tinh thần Việt đến với công chúng, thông qua kỹ thuật vũ đạo mang hơi thở thời đại. Anh là nghệ sĩ cống hiến vị cộng đồn. Với khát vọng phát triển khiêu vũ tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam, đưa những tài năng Việt đến với thế giới đã đưa anh trở về gắn bó với Học viện âm nhạc và biểu diễn nghệ thuật SOUL và Tổ chức Giáo Dục Âm nhạc & Nghệ thuật Biểu diễn Á châu (AMPA). Dưới sự dìu dắt của anh, lần đầu tiên một nhóm nhảy Việt là Young LYRICIST được mời biểu diễn tại chương trình khiêu vũ quốc tế Dance Proms 2017 tổ chức tại London.
Nghệ sĩ múa đương đại Alexander Tú
Trong bộ sưu tập no.6, Nguyễn Công Trí mường tượng một viễn cảnh nơi con người không còn là trung tâm của mọi sự sống mà là loài nấm, và hình hóa cụ thể nấm thành những mẫu trang phục tựa điêu khắc.
Trong vở múa Thế giới mới gan dạ, Alexander Tú cùng với nhóm LYRICÍST sử dụng chính chuyển động của cơ thể diễn viên múa để diễn tả những đặc tính của loài nấm - sinh thể có sức sống mãnh liệt do nó luôn đặt mình nằm ở ngưỡng quân bình giữa những nghịch lý.
Nhiếp ảnh gia Thời trang, Nghệ sĩ Thị giác Hứa Như Xuân
Như Xuân Hứa nổi tiếng trong giới thời trang với những bộ hình nghệ thuật hợp tác cùng các tạp chí danh giá trong nước và quốc tế. Được đào tạo bài bản tại Paris về Nhiếp ảnh, Điện ảnh, Lịch sử nghệ thuật - sáng tạo của Hứa Như Xuân phong phú những câu chuyện thị giác được biểu thị toàn vẹn, đầy mĩ cảm thông qua nhiều hình thái nghệ thuật đa dạng. Mỗi bối cảnh là cách Như Xuân trả lời một vấn đề nhân sinh; cô hữu hình hoá, cấu trúc hoá những ý niệm phức tạp thành hình ảnh và các chất liệu nghệ thuật.
Nhiếp ảnh gia Thời trang, Nghệ sĩ Thị giác Hứa Như Xuân
Vốn là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, trong triển lãm này, Hứa Như Xuân lần đầu tiên thử nghiệm nghệ thuật sắp đặt dành riêng cho No.7 của Nguyễn Công Trí - bộ sưu tập đầy tính hoài niệm về Sài Gòn. Kết nối với hoài niệm ấy, đây cũng là tác phẩm mà Như Xuân - người con xa xứ dành tặng cho thành phố này. Sử dụng ánh sáng và sân khấu dựng cảnh, sắp đặt vị nơi chốn này vượt khỏi giới hạn một giấc mơ siêu thực, tìm lại kho báu tình cảm cho tính Việt đã mất đi, thông qua niềm cảm kích đầy chất thơ về khái niệm “nhà”.
Nghệ sĩ Thị giác Tùng Monkey
Chặng đường Tùng Monkey đến với nghệ thuật thị giác từng được miêu tả như “một viên đá quý dần lộ diện lấp lánh trong ánh sáng” hay “đứa trẻ khao khát tìm điều mới mẻ”. Các sáng tạo của Tùng Monkey tập trung vào nghệ thuật trình chiếu kĩ thuật số thời gian thực. Anh thể nghiệm những hình ảnh hoạt hoạ thú vị hay các luồng ánh sáng 3D độc đáo, kết hợp cùng video nghệ thuật để tạo ra chuỗi liên hoàn những hiệu ứng duy mỹ độc bản trong từng khoảnh khắc.
Nghệ sĩ Thị giác Tùng Monkey
Là một nghệ sĩ sử dụng công nghệ làm chất liệu sáng tác chính, Tùng Khỉ dường như đứng ở tuyến đối lập với ý tưởng trong bộ sưu tập no.8 của Nguyễn Công Trí, khi các thiết kế xoay quanh chất vấn về sự vây hãm của Internet và mạng xã hội. Bằng tác phẩm sắp đặt trình chiếu video và VR, Tùng Khỉ đẩy người xem đi sâu hơn vào thế giới ảo ấy, lọt vào thế giới của muôn vàn kết nối, triệu mạng lưới dữ liệu. Các chiều kích của hình ảnh biến hóa khôn lường, khiến người xem không thể định hình được chiều không gian nào. Ngay bản thân cấu trúc vật lý của tác phẩm, ở đây là hệ khung màn chiếu, cũng trái ngược hẳn với kỹ xảo thị giác tỏa ra trên bề mặt của nó. Cầu võng tạo một cái bẫy thị giác, hút người xem vào thế giới ảo, nơi các múi hình ảnh như neuron thần kinh kết nối nhau bằng tốc độ chớp mắt do vi tính tổng hợp và thao túng.
Nghệ sĩ Thị giác Truc-Anh
Các tác phẩm của Truc-Anh trải dài từ hội hoạ cho đến điêu khắc, sâu trong sáng tạo của Truc-Anh là những ý niệm sắc sảo và nhạy cảm được sinh ra đâu đó giữa thực tại và mộng ảo. Người nghệ sĩ Pháp gốc Việt sinh năm 1983 thành danh qua nhiều giải thưởng.
Nghệ sĩ Thị giác Truc-Anh
Nghệ sĩ Truc-Anh thích thú với “tiếp cận của Công Trí trong bộ sưu tập No.9 khi anh ấy không phản đối những điều thường được xem là trái ngược nhau, như truyền thống và tính đương thời, hình học chính xác và dáng vẻ hữu cơ, ruộng lúa nông thôn và khoa học viễn tưởng.” Truc-Anh đưa sự đối lập này vào sáng tác của mình trong triển lãm lần này, với bộ tác phẩm đồ sộ gồm tranh vẽ, điêu khắc tĩnh, điêu khắc động, sắp đặt vị nơi chốn (site-specific installation). Phòng triển lãm là một không gian tỏa bầu không khí linh thiêng, tưởng chừng điện thờ của nữ thần sông, lúa gạo, mặt trăng, và thần rắn.
Đạo diễn, Nhà sản xuất phim Bảo Nguyễn
Đạo diễn, Nhà sản xuất phim Bảo Nguyễn sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Anh tốt nghiệp New York University bậc Cử nhân và School of Visual Arts bậc Thạc sĩ Nghệ thuật. Bảo Nguyễn là đối tác sáng lập của EAST Films - được thành lập bởi nhiều nhà làm phim đình đám người Việt Nam, có trụ sở tại Sài Gòn và Los Angeles, Mỹ.
Đạo diễn, Nhà sản xuất phim Bảo Nguyễn
Bộ sưu tập No.10 của nhà thiết kế Nguyễn Công Trí được lấy cảm hứng từ hình ảnh quen thuộc của những gánh hàng hoa bán dạo ở Sài Gòn khiến Bảo Nguyễn liên tưởng về sự kiện phát hiện Hang Sơn Đoòng - một kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp của Việt Nam. Anh phát triển dựa trên ý tưởng này, như một câu chuyện ngụ ngôn về sự khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn ngay bên cạnh ta mà hằng lâu nay không biết. Đó có thể là một kì quan thế giới, một điều siêu nhiên vĩ đại, hay đơn giản là một đóa hoa, nhành cây hoang dại, một tình cảm giữa người với người trong mối quan hệ thân thương. Cả hai đã cùng “dệt” nên Trong khu rừng, có một cánh cửa.
Tiểu Linh