Sự dung tục xuất hiện trên sóng truyền hình, nhà đài im lặng tránh né

Đăng lúc: 9:33 am, Ngày 18/03/2020

Thay cho việc nhận lỗi và xin lỗi, nhà đài chọn cách im lặng cho qua, điều đó dần khiến văn hoá nhận lỗi càng trở nên xa xỉ với họ.

Chưa đầy một tuần, hai nội dung phát sóng trên VTV nhận nhiều chỉ trích từ khán giả vì phản cảm, dung tục. Chương trình Kèo này ai thắng lên sóng tối 12/3, có cảnh một người mẫu nữ ngậm củ cải trắng, ở một số góc quay trông rất phản cảm. Nhiều khán giả không thể xem hết tiết mục này. Chương trình được chiếu ở khung giờ vàng, không dán nhãn cấm trẻ em càng khiến nhiều người xem bức xúc.
Cảnh người mẫu ngậm củ cải trắng trong chương trình Kèo này ai thắng bị dư luận chỉ trích
 
Tiếp theo đó, một đoạn quảng cáo nước tăng lực được phát trên VTV cũng khiến dư luận dậy sóng khi có những từ ngữ đầy ẩn ý cùng đoạn kết liên quan đến chuyện giường chiếu. Khán giả đã gửi thư phản ánh đến Trung tâm Truyền hình Việt Nam bày tỏ bức xúc cũng như lên tiếng với các cơ quan truyền thông.
 
Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều nội dung phản cảm, dung tục xuất hiện trên truyền hình, liệu có bình thường? Kẻ hám danh mượn sóng nhà đài để nổi tiếng từ hành vi phản cảm? Nhà sản xuất cố tình câu khách bằng chiêu trò dung tục? Còn nhà đài, vì thiếu năng lực hoặc đồng thuận mà nhắm mắt cho qua?
 
Bức xúc của công chúng tăng gấp bội, bởi lẽ ra ở một đài truyền hình quốc gia, mọi thứ phải hết sức cẩn trọng. Nhưng không ít lần, những sai sót từ sơ đẳng đến nghiêm trọng cứ nghiễm nhiên xuất hiện trên sóng truyền hình, mặc kệ phản ứng của người xem.
Câu hỏi dung tục trong chương trình Trí khôn ta đây
 
Phóng viên liên lạc với người đại diện phát ngôn của VTV về việc hai nội dung liên tiếp bị chỉ trích phản cảm, người này cho biết “đang họp”, và không trả lời vấn đề trên. 
 
Lạ một điều, khi có vấn đề phát sinh trên sóng truyền hình, VTV luôn có những cuộc họp kéo dài, "miễn tiếp khách" và điều đó được lặp lại đến... vài năm. Từ khi VTV phát sóng đêm bán kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 khi cả nước đang chung tay khắc phục hậu quả của bão lũ, cho đến nụ hôn gợi dục của người chơi trong Lựa chọn của trái tim vào năm 2019…, mọi cuộc liên lạc của truyền thông đều chỉ nhận được từ người đại diện phát ngôn VTV 2 từ: “đang họp" (?!).
 
Ông Vũ Thành Vinh, Giám đốc Công ty truyền thông Khang cho rằng, hiện tại các nhà sản xuất chủ yếu lựa chọn những nhân tố trẻ vào vị trí biên tập, sản xuất. Điều này đáp ứng được yêu cầu về sự tươi mới, năng động, hài hước mà các nhà sản xuất cần cho các chương trình. 
 
“Trẻ có lợi thế ở việc nắm bắt xu hướng, nhưng mặt ngược lại, họ thường thiếu kinh nghiệm. Vì thế, người gác cổng ở đơn vị sản xuất và nhà đài cần phải thật sự cẩn trọng, bao quát hơn nữa để tránh những sai sót” - ông Vinh nói.
 
Nhưng chúng ta đều biết rằng những chương trình trên đều được ghi hình và phát lại. Nghĩa là, nhà đài - đơn vị gác cổng cuối cùng hoàn toàn có thể hạn chế sai sót, ở mức thấp nhất. Và khi xảy ra sự cố, nhà đài phải chịu trách nhiệm cao nhất. 
Cảnh hôn gợi dục bị dư luận phản ứng trong chương trình Lựa chọn của trái tim, phát sóng năm 2019 trên VTV3
 
Nhưng, im lặng trở thành vũ khí đắc lực cho họ vượt bão dư luận khi gặp sự cố, thể hiện sự vô trách nhiệm đến lạ lùng. Khi xảy ra những tình huống phản cảm trên truyền hình khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ, thiết nghĩ nhà đài không thể giải quyết theo kiểu chuyện nhà đóng cửa bảo nhau, càng không thể im lặng phớt lờ việc xin lỗi khán giả. Tiếc rằng cách hành xử kém văn hoá đó lại là lối ứng xử “thịnh hành” của họ trong nhiều năm qua. 
 
Đáng nói hơn, mọi sai sót trên sóng truyền hình đều được VTV cho "chìm xuồng" sau "cuộc họp" dài đằng đẵng của người đại diện phát ngôn. Có vẻ như, cách thức hữu hiệu này vẫn đang được nhà đài tận dụng triệt để.
 
Những nội dung phản cảm đã từng xuất hiện trong rất nhiều chương trình trước đó như: Nữ hoàng quyến rũ, Ngôi sao tình yêu… hầu hết đều thoát án phạt. Những chỉ trích, phẫn nộ của khán giả diễn ra trong một thời gian ngắn rồi cũng "chìm xuồng". Mọi việc lại đâu vào đấy, như một lời thách thức, rằng nhà đài có quyền của họ, thích làm gì thì làm, bất chấp làm sai, làm bậy; bất chấp những hình ảnh, lời nói dung tục, phản cảm sẽ có tác động xấu đến suy nghĩ, ý thức, thẩm mỹ... của người xem, nhất là những khán giả trẻ và trẻ em.
 
Nhà sản xuất, hoặc im lặng, hoặc đẩy bóng trách nhiệm sang chân người khác. Liên hệ với nhà sản xuất Kèo này ai thắng, đơn vị này từ chối trả lời về lùm xùm người mẫu ngậm củ cải với lý do người phụ trách chương trình đã đi công tác. Năm 2019, gameshow Nữ hoàng quyến rũ khi bị chỉ trích lại cho rằng nội dung đều phụ thuộc vào đơn vị phía Nhật Bản kiểm soát. 
 
Nhà đài không thấy mình sai, không thấy mình có lỗi? Họ cho mình cái quyền coi thường khán giả nên chẳng việc gì phải xin lỗi? Và cứ thế tiếp tục mặc kệ ''rác" lên sóng. 
 
Sau khi hình ảnh trong Kèo này ai thắng bị phản ứng, chỉ có MC của chương trình - Liêu Hà Trinh lên tiếng xin lỗi khán giả: “Tôi cũng muốn gửi tới khán giả lời xin lỗi khi những hình ảnh này đã gây ra cảm giác tiêu cực, phản cảm. Tôi hy vọng mọi người sẽ mở lòng và thông cảm, coi đây như một sự cố gây hiểu lầm trên sóng truyền hình do khâu hậu kỳ chưa chuẩn xác”.       
 
Thực ra, Liêu Hà Trinh không có lỗi, bởi cô không phải là người có quyền quyết định giữ hình ảnh đó hay cắt bỏ khi đưa lên sóng. Người cần phải xin lỗi là ê-kíp thực hiện, nhà sản xuất và quan trọng nhất là nhà đài - "cánh cửa" cuối cùng kiểm soát những gì được phép phát sóng nhưng, họ im lặng một cách lạ lùng, khó hiểu.
 
Văn hoá xin lỗi - bài học sơ đẳng nhất - có lẽ quá khó với nhà đài tại Việt Nam!
 
Theo PNO

Đọc thêm các bài khác