Lưu Đào lần trở thành "hiện tượng" bởi sau bốn tiếng, cô giúp thương hiệu bán được số hàng hóa trị giá 150 triệu nhân dân tệ (21,2 triệu USD).
Từ đầu năm, hàng loạt sao hạng A livestream cho các thương hiệu, trong đó có Lưu Đào, Dương Mịch, Địch Lệ Nhiệt Ba, Angelababy, Triệu Vy... Ngày 14/5, Lưu Đào lần đầu livestream và trở thành "hiện tượng" bởi sau bốn tiếng, cô giúp thương hiệu bán được số hàng hóa trị giá 150 triệu nhân dân tệ (21,2 triệu USD), lượt người xem đạt 21 triệu.
Tân Xuyên, quản lý phụ trách mảng livestream của trang mua sắm trực tuyến Taobao, nói trước năm 2019, để mời nghệ sĩ, anh mất nhiều thời gian trao đổi, thuyết phục vì các sao cho rằng việc này khiến họ giảm sang trọng, ảnh hưởng danh tiếng. Song theo sự phát triển của thương mại điện tử, hình thức livestream ngày càng được người tiêu dùng đón nhận. Không những vậy, hình thức này được quan chức chính phủ, chủ doanh nghiệp lớn áp dụng trong nhiều trường hợp, vì thế khán giả không cảm thấy đây là việc "thiếu sang trọng".
Lưu Đào - minh tinh thành công khi livestream
Tân Xuyên cho rằng Covid-19 cũng thúc đẩy nghệ sĩ livestream bán hàng. Trong bối cảnh phần lớn hoạt động giải trí bị ngừng, các sao cần tìm phương thức để giao lưu khán giả một cách trực quan, sinh động, thay vì chỉ giao lưu bằng hình ảnh, chữ trên Weibo.
Mặt khác, những năm gần đây cơ quan quản lý hạ thù lao của giới sao khi đóng phim, tham gia show truyền hình, khiến thu nhập của nghệ sĩ bị ảnh hưởng. "Livestream cho thương hiệu không phải việc vất vả, thu nhập lại cao, thời gian làm việc ít, lý do gì không làm?", Tân Xuyên nói.
Mộ Bình, một quản lý nghệ sĩ, cho biết đặc điểm của ngành giải trí là theo thị hiếu, phong trào. Quản lý này nói: "Nghệ sĩ livestream đã trở thành trào lưu hot, không tham gia, bạn sẽ lỗi thời. Ai không được mời mới hết thời". Hiện, các fan thường theo dõi những buổi livestream của thần tượng, so sánh thần tượng nào có nhiều người xem hơn, bán được nhiều hàng hơn.
Nghệ sĩ bậc trung ở Trung Quốc nhận khoảng một triệu nhân dân tệ (3,2 tỷ đồng) cho một buổi livestream, cao hơn so với tham gia một chương trình truyền hình phải mất nhiều buổi ghi hình.
Các nghệ sĩ còn lo ngại việc thường xuyên livestream sẽ làm khán giả nhàm chán, không còn giữ được sự bí ẩn, thu hút với fan. Ví dụ, khi livestream bán giày, nghệ sĩ phải thử nhiều mẫu mã, mô tả về các mẫu giày đó. Nếu không giỏi ăn nói, buổi làm việc sẽ thất bại. Vì thế, công ty quản lý luôn cân nhắc về tần suất livestream của sao cũng như yêu cầu họ nâng cao khả năng giao tiếp, tính hài hước.
Theo VnExpress