Ông nói: "Nhiều lúc đi ngang qua các sân khấu, tôi nhớ lắm. Nhớ khán giả và nhớ các vai kịch của mình. Tôi thấy chạnh lòng khi mình rời xa sân khấu trong lúc niềm đam mê vẫn còn cháy bỏng".
Nghệ sĩ Huỳnh Thanh Trà tốt nghiệp Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn lớp đào tạo nghệ sĩ sân khấu cải lương năm 1966. Ra trường đầu quân về đoàn Ánh Chiêu Dương của NSND Năm Châu, với nghệ danh Dạ Khách. Lúc đó ông chỉ đóng vai phụ, nhưng đoàn này chẳng sống được bao lâu thì rã gánh. Kế đó ông đi theo gánh Thiên Hương, không bao lâu cũng chịu cảnh gánh hát tan rã.
Đến một ngày đẹp trời, ông lọt vào mắt xanh của đạo diễn Lê Dân, được mời thủ vai chính trong phim Loan mắt nhung, để từ sau bộ phim này, bước đường nghệ thuật của ông hanh thông, nghệ danh Huỳnh Thanh Trà của ông bắt đầu từ đó.
Huỳnh Thanh Trà trong phim Loan mắt nhung (1970)
Sau 1975, ông đầu quân về Đoàn Kịch nói Bông Hồng, khai trương vở Đôi bông tai của tác giả Trần Thiện Liêm, đạo diễn NSƯT Đoàn Bá cùng diễn với Nguyễn Chánh Tín và Thẩm Thúy Hằng. Một năm sau, ông đầu quân về Đoàn Kịch nói Kim Cương, tại chiếc nôi này đã diễn các vai kép chánh bên cạnh Kỳ nữ Kim Cương trong các vở: Vực thẳm chiều cao, Bão biển, Người tình trễ xe, Dưới hai màu áo, Lá sầu riêng, Huyền thoại mẹ, Lôi Vũ, Đám cưới đầu xuân…
Nhiều năm qua khán giả cứ ngỡ ông đã định cư tại Mỹ nhưng hóa ra ông vẫn ở Việt Nam?
-Trên thực tế, tôi có sang Mỹ sinh sống vài năm với vợ nhưng sau đó hồi hương. Có lẽ vì thế khiến nhiều kiều bào cứ nghĩ tôi đang định cư tại Mỹ.
Nhìn lại quãng đường đời đi qua, ông có hối tiếc điều gì?
-Vì nhiều lý do tôi đã ngưng hoạt động biểu diễn. Thi thoảng NSND Kim Cương tổ chức diễn lại, chúng tôi mới tụ họp, gần nhất là tái diễn vở "Lá sầu riêng" để gây quỹ cho người tàn tật.
Nhiều lúc đi ngang qua các sân khấu, tôi nhớ lắm. Nhớ khán giả và nhớ các vai kịch của mình. Hiện nay, nhiều đồng nghiệp của tôi, như Mai Thành, Tú Trinh, Kiều Phượng Loan, Mỹ Chi, Diễm Kiều, Thương Tín… vẫn còn tham gia biểu diễn, nên tôi cũng thấy chạnh lòng khi mình rời xa sân khấu trong lúc niềm đam mê vẫn còn cháy bỏng.
Vậy tại sao ông không tham gia diễn kịch hoặc đóng phim truyền hình trở lại. Khán giả vẫn còn ngưỡng mộ tài năng của ông - một kép đẹp có phong cách trên sân khấu kịch nói Bông Hồng và Kim Cương thuở nào?
- Muốn diễn phải có êkíp, tôi rời xa sân khấu và màn ảnh quá lâu làm sao có thể tìm được nhóm bạn ăn ý để làm nghề. Có lần, nghệ sĩ Tú Trinh và Mỹ Chi nói sẽ lập một nhóm kịch gồm những U60 để diễn nhưng rồi dự án đó không thành.
Trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, ông thích vai diễn nào nhất. Vì sao?
-Vai Chu Phác Viên trong vở kịch Lôi Vũ của tác giả Tào Ngu (Trung Quốc). Thời đó, có nhiều đoàn dựng tác phẩm này nhưng tôi thích bản dựng của Đoàn Kịch nói Kim Cương. Vai này cho tôi nhiều cảm xúc, đến nỗi khi rời xa sàn diễn, tôi vẫn còn thuộc lời thoại. Kịch chỉ diễn ra trong một ngày, bi kịch của một gia đình quyền quý nhưng bên trong hoàn toàn mục nát vì thói đạo đức giả, mà Chu Phác Viên là người gây ra tội ác, gieo mầm đau khổ cho các con của mình. Cái giá phải trả của nhân vật quá đắt. Bài học của vai này mang thông điệp bất biến: Gieo gì thì gặt nấy.
Tôi thích dòng kịch để lại bài học cho người xem, bên cạnh sự giải trí phải có ý nghĩa giáo dục. Vở kịch này mang lại doanh thu cùng với chất lượng nghệ thuật cho Đoàn Kịch nói Kim Cương một thời gian dài.
Nghệ sĩ Huỳnh Thanh Trà trong vở kịch Tanhia trên sân khấu đoàn Kim Cương nhiều năm trước
Ông học cải lương nhưng thành danh sau bộ phim Loan mắt nhung, để từ đó chuyển sang đóng kịch rồi nổi tiếng khi gắn với hai thương hiệu kịch Bông Hồng và Kim Cương. Hình như kịch nói hợp với ông?
-Tôi học diễn viên cải lương tại Trường Quốc gia kịch nghệ Sài Gòn, là học trò của NSND Năm Châu, Phùng Há, nghệ sĩ Duy Lân, Năm Nở, danh cầm Chín Trích… nhưng khi ra trường thì dòng đời xui khiến tôi tham gia bộ phim Loan mắt nhung với nghệ sĩ Thanh Nga, sau đó có cơ hội gắn với các ban kịch. Duyên may đã định khiến tôi theo sân khấu kịch nói luôn cho đến bây giờ. Có lẽ duyên số của tôi gắn với kịch nói.
Ngẫm nghĩ lại, ông có cho những được mất, thành bại trên đời là duyên số?
-Duyên số chỉ một phần. Bạn không thể thay đổi thế giới nhưng bạn có thể thay đổi bản thân mình. Việc cần làm sau những vấp ngã là chọn lựa một con đường đúng đắn để kiên trì bước tiếp.
Ông có bao giờ phải hối hận khi nghĩ về việc làm của mình?
-Hối hận thì nhiều. Nó cho tôi nhìn rõ con đường mình đi cần phải cẩn trọng hơn.
Nghệ sĩ Huỳnh Thanh Trà cùng nghệ sĩ Kiều Phượng Loan, Mỹ Chi, Diễm Kiều hôi ngộ tại lễ tưởng nhớ hai soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng năm 2018
Riêng với ông, Kỳ nữ Kim Cương để lại điều gì khiến ông khó quên nhất?
-Tôi lại không nhớ kỷ niệm lúc đi diễn, có lẽ thời đó chúng tôi chỉ biết lao vào nghề một cách vô tư, sáng tạo hết mình và bằng lòng với mỗi suất diễn đầy ắp khán giả. Kỷ niệm khó quên trong tôi về chị chính là khi chúng tôi đều đã giã từ sân khấu. Tôi học ở chị cách chăm lo cho đồng nghiệp, dấn thân làm việc thiện. Đã 6 năm rồi, kể từ khi Kỳ nữ Kim Cương tổ chức chương trình mang tên Nghệ sĩ tri âm, trao quà cho nghệ sĩ nghèo, tôi đều đồng hành bên chị, cùng các thành viên của Đoàn Kịch nói Kim Cương chăm lo cho đồng nghiệp nghèo khó. Điều này giống như liều thuốc bổ cho tuổi về chiều. Mình vẫn còn sống có ích cho đời, cho cộng đồng.
Nếu cần có lời khuyên với các diễn viên trẻ đang theo nghề ông sẽ nói gì với họ?
-Hãy mạnh dạn nắm bắt cơ hội thể hiện mình. Nghề diễn viên đừng ngại lội ngược dòng, vì như tôi học cải lương, thấy con đường mình chọn không sáng với chính mình thì chuyển ngay và kịch nói đã mở rộng vòng tay để đón chào tôi. Khi đã đi đúng thì hãy luôn chăm chút và tử tế với nghề.
Theo NLĐO