Vì sao các chương trình giải trí nghỉ chơi với sóng truyền hình?

Đăng lúc: 1:25 am, Ngày 01/11/2020

Thời gian gần đây, nhiều nhà sản xuất đang có xu hướng phát sóng các chương trình giải trí trên nền tảng YouTube, thay vì chọn truyền hình theo phương thức truyền thống.

Nghề độc người lạ - chương trình ghi lại trải nghiệm thực tế với những hoàn cảnh, công việc đặc biệt có ý nghĩa với xã hội - đã lên sóng ba tập trên kênh YouTube của nghệ sĩ Quang Thảo. Muốn ăn phải lăn vào bếp do Trường Giang cầm trịch đã lên sóng được hai tập, mang về hàng triệu lượt xem. Ngôn tình hoàn mỹ được phát sóng gần đây trên YouTube hiện đứng vị trí 46 trong nhóm chương trình thịnh hành tại Việt Nam.
 
Trong khi đó, Tiếng rao 4.0 phát trên YouTube cũng nhận được sự ủng hộ lớn. MCV, một nhà sản xuất (NSX) kỳ cựu trong lĩnh vực truyền hình cũng có một số chương trình phát sóng trên YouTube như Bước ra ánh sáng, Real Life (Sống thật).
Chương trình Muốn ăn phải lăn vào bếp của Trường Giang với khách mời Puka
 
Nhìn chung, nội dung của các chương trình đều ở mức ổn đến khá tốt. Chất lượng hình ảnh không kém cạnh những chương trình trên truyền hình. Tiếng rao 4.0 sau nhiều tập phát sóng trên YouTube đã được Đài Truyền hình TP.HCM hợp tác sản xuất để mang lên sóng truyền hình.
 
Vì những nền tảng mạng đang phát huy nhiều lợi thế, nên các chương trình đang có xu hướng đổ lên đó. Sự phát triển này là tất yếu. Ông Bửu Điền (giám đốc Công ty Điền Quân, đồng thời là host của chương trình Tiếng rao 4.0) cho biết: “Có bao nhiêu người còn thói quen theo dõi truyền hình như trước? Hiện tại, ai cũng dễ dàng sở hữu điện thoại thông minh, máy tính bảng… tiếp cận internet, nên họ thường xem những gì tiện cho quỹ thời gian, công việc. Đó là ưu thế cơ bản để các NSX chọn nền tảng mạng phát sóng. Xu thế này có thể sẽ tiếp tục mạnh hơn trong tương lai”.
Ông Bửu Điền trong chương trình Tiếng rao 4.0
 
Đài truyền hình thường chỉ có những khung giờ nhất định để phát gameshow, chương trình giải trí. Vì thế, NSX phải “xếp hàng” chờ đợi. Từng có NSX chờ nhà đài đến khi chương trình lên sóng thì đã “nguội”. Với khung giờ phát hành linh hoạt, YouTube không làm khó họ như thế. Nếu có sự cố, NSX có thể dễ dàng điều chỉnh, thay đổi khung giờ phát.
 
Với chương trình mới, NSX mới muốn lên sóng truyền hình không dễ. Còn YouTube, cơ hội được chia đều cho tất cả. “Tôi đã không dẫn chương trình truyền hình từ rất lâu. Nếu có, tôi e mình đã hết thời khi người trẻ có xu hướng thích những thần tượng như Trấn Thành, Trường Giang… Vì thế, việc sản xuất để phát trên YouTube giúp tôi cảm thấy thoải mái, dễ biết được phản ứng của khán giả” - ông Bửu Điền chia sẻ.
 
Việc phát hành không phụ thuộc nhà đài mang đến sự thoải mái cho các NSX, về việc điều chỉnh nội dung, thời lượng. Nghệ sĩ Quang Thảo cho biết: “Nếu như truyền hình 20 phút phải đúng 20 phút, thì với YouTube, khi nhân vật hay, có thể kéo dài thời gian một chút, còn câu chuyện mỏng sẽ được gói lại”.
 
Ban đầu, nghệ sĩ Quang Thảo chỉ đặt mục tiêu mỗi tập phát sóng tiếp cận được 1.000 khán giả, nhưng hiệu quả hiện tại đã tăng gấp mười lần. Điều đó có thể giúp những hoàn cảnh được đề cập nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn. Con số này sẽ tăng dần theo thời gian, bởi chương trình vẫn tồn tại trên YouTube không chỉ xuất hiện rồi “biến mất” như trên truyền hình. Đó là ưu thế của chương trình phát trên nền tảng mạng.
Nghệ sĩ Quang Thảo với chương trình Nghề độc người lạ
 
Môi trường mạng trở thành “cửa lách” cho những nhóm nội dung khó lên sóng truyền hình. Chẳng hạn, Bước ra ánh sáng, Sống thật hay Hẹn hò đam mỹ là những chương trình dành cho cộng đồng LGBT.
 
Từng có trường hợp, NSX bị nhà đài chèn ép tỷ lệ ăn chia nên buộc chương trình mới phát sóng được vài tập đã phải ngưng. Vì thế, khi sản xuất độc lập, NSX chủ động hơn về phần lợi nhuận. Hiện tại, một số đơn vị đầu tư, nhà tài trợ bắt đầu nhúng tay vào các show chiếu mạng, như Muốn ăn phải lăn vào bếp đang được phát trên kênh của Trường Giang. 
 
Thực tế, lợi nhuận thu được từ chương trình phát YouTube không quá cao so với quảng cáo trên truyền hình. Những đơn vị cần hợp tác với bên thứ ba để phát triển kênh thì phải chia hoa hồng từ 30-50%. Vì thế, truyền hình vẫn có ưu thế nhất định. Khi chương trình lên truyền hình đảm bảo chất lượng nội dung, uy tín của NSX. Nhưng với rất nhiều ưu thế, môi trường mạng đang trở thành một hướng đi mới.
 
Tuy nhiên, nền tảng 4.0 tạo điều kiện thuận lợi cho các NSX nhưng không ít người xem nhẹ mặt thẩm mỹ, nội dung, làm rất qua loa hoặc gây sốc như chương trình Dare Pong, Date and Kiss
 
Cơ quan chức năng chỉ vào cuộc khi mọi chuyện đã rồi. Mức xử phạt hành chính sau đó chỉ mang tính răn đe, chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề: kiểm duyệt nội dung trước khi đăng tải. Cứ như thế, những nội dung bẩn vẫn nhởn nhơ tồn tại, như trường hợp gần đây của Hưng Vlog. Trong khi đó, nhóm trẻ em cũng bị ảnh hưởng không ít bởi những nội dung bạo lực, phản khoa học từ môi trường này. YouTube đã có cơ chế kiểm soát nội dung dành cho trẻ em từ tháng 11/2019; nhưng việc một bé gái ở TP.HCM mất mạng được cho rằng thực hiện theo một đoạn phim trên YouTube hồi trung tuần tháng Mười lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự kém an toàn của những nội dung đang bị thả nổi. Nhà quản lý trước nay đa phần cứ trong thế “mất bò vẫn chưa làm được chuồng”.
 
Hiện tại, việc định hướng nội dung phụ thuộc phần lớn vào tầm nhìn của NSX, vì luật hiện hành chưa siết chặt mảng này. Ngay cả một vài chương trình bên trên dù có nội dung tốt, nhưng đôi khi chia sẻ quá đà do không có cổng kiểm duyệt. Trong xu thế hiện tại, việc luật mới ra đời để quản lý, điều chỉnh kịp thời là vô cùng cấp thiết. 
 
Theo PNO

Đọc thêm các bài khác