Trong hội nghị góp ý Luật Điện ảnh (sửa đổi) sáng 14/9, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh, thiếu tướng Lê Tấn Tới đề nghị bổ sung quy định cấm phim có tình tiết cổ xúy cho hành vi vi phạm pháp luật.
Trong phát biểu, ông cho rằng sau khi phim Người phán xử lên sóng VTV1 thì tình hình các băng nhóm tội phạm, xã hội đen xảy ra rất nhiều và đặt câu hỏi ai sẽ chịu trách nhiệm cho vấn đề này.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: “Quy tội cho một bộ phim là phiến diện”
Đạo diễn cho biết sau khi nghe được ý kiến trên anh khá bất ngờ. Bởi theo anh, nghệ thuật và xã hội có sự tác động qua lại lẫn nhau, chứ không chỉ một bên chi phối bên còn lại.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh
“Chúng ta có nhiều phim, sản phẩm đặt hàng nhằm phục vụ giáo dục, nhưng có ai kiểm chứng được hiệu quả là bao. Nay khi xã hội có vấn đề lại đổ lỗi cho một bộ phim là phiến diện. Tôi cho rằng xã hội có vấn đề, hoặc xuất hiện nhiều tội phạm là do kẽ hở từ việc thực thi pháp luật, quản lý, an sinh... Và để giải quyết được chúng, phải xuất phát từ những biện pháp quản lý tốt hơn, chứ không thể đổ lỗi cho nghệ thuật. Tôi không tin người tốt xem phim xong, họ lại đi học cái xấu để vi phạm pháp luật. Chúng ta cần nhìn nhận đúng đắn để nhận định một vấn đề”, nam đạo diễn chia sẻ.
Ông cho rằng nội dung trên phim ảnh có thể phản ánh thực tế, hoặc cường điệu hơn một chút so với hiện thực. Sản phẩm nghệ thuật được tạo ra nhằm phục vụ nhu cầu giải trí của khán giả, chứ không nhằm mục đích dạy họ cái xấu.
Hiện tại, việc kiểm duyệt phim để phát sóng vẫn diễn ra, theo ông đây cũng là căn cứ để mọi người có thể an tâm. “Đó cũng chỉ là một ý kiến, quan điểm. Tôi tin khi công chúng tiếp nhận, họ sẽ có sự nhận định của riêng mình. Với người sản xuất, tôi nghĩ điều quan trọng nhất vẫn là giữ lửa nghề, luôn phấn đấu để mang những điều tích cực cho khán giả”, nam đạo diễn chia sẻ.
Đạo diễn Phan Đăng Di: “Tôi cho rằng, đã có những lẫn lộn về khái niệm”
Đạo diễn Phan Đăng Di cho biết, một tác phẩm nghệ thuật khi đến với công chúng sẽ tạo ra những tác động khác nhau, có ảnh hưởng tốt và cũng có thể gây ra tác động tiêu cực. Đó là 2 mặt tồn tại song song, tuy nhiên, không thể sợ tác động xấu mà kêu gọi cấm đoán, hạn chế và chỉ cho phép làm phim ca ngợi điều tốt. Phim ảnh nếu chỉ thuần ngợi ca, chỉ có thể là phim quảng cáo.
Đạo diễn Phan Đăng Di
"Tôi không phủ nhận rằng với những bộ phim khai thác chất bạo lực có thể kích thích nguồn cơn bạo lực tiềm ẩn bên trong một số người. Nhưng không thể vì có tác động xấu mà mình dẹp nó đi. Tác dụng của một bộ phim nhiều khi cũng giống công dụng của vắc xin, chúng có thể phản ứng với cơ thể của người này rất mạnh nhưng người khác lại không. Nếu giữ tư duy phim bạo lực khiến xã hội trở nên phức tạp, tội phạm gia tăng thì có lẽ, nên cấm hết các thể loại khác, cấm sáng tạo nghệ thuật”, đạo diễn Phan Đăng Di chia sẻ.
Nam đạo diễn hài hước: “Ngay cả những phim ngôn tình ngọt ngào và ít bạo lực nhất chưa hẳn đã không chứa đựng những nguy cơ với ổn định xã hội. Chúng ta biết phụ nữ thích và tin vào nửa kia hoàn hảo trong phim ngôn tình thường có xu hướng chán dần người kém hoàn hảo mà họ đang có đến mức sau một thời gian họ muốn bỏ luôn người này. Chưa có thống kê những vụ ly hôn vì phim ngôn tình nhưng tôi nghĩ là không ít đâu, và như thế ta không thể phủ nhận tác động xấu của dòng phim này đến hôn nhân gia đình, vậy thì có nên cấm luôn phim ngôn tình hay không?”.
Nam đạo diễn cho rằng, thừa nhận sự tồn tại của nghệ thuật là thừa nhận cả tác động tốt và xấu của nó. Tương tự, không thể triệt tiêu những sáng tạo liên quan đến các cái ác, những mặt xấu, tối của xã hội, chỉ giữ lại những đề tài tươi sáng mà phải đặt cái tối và cái sáng trong một không gian sáng tạo để chúng tự soi vào nhau và bằng cách đó, giúp người xem tự nhận thức những vấn đề quan trọng về thế giới và con người, thiện và ác...
"Đó là những nhận thức không thể có được bằng áp đặt, giấu diếm hay ngăn cấm. Ngoài ra, để có được nó, người xem cũng cần được trang bị kiến thức và nền tảng hiểu biết nhất định, cần hiểu rằng rằng phim và đời là hai khái niệm không cùng bản chất và dù có cấm mọi sáng tạo trên đời này, cái ác và cái thiện cũng không có cách gì bị triệt tiêu đi được”, Phan Đăng Di nói.
Diễn viên Minh Tiệp: “Để nâng cao vai trò cái thiện thì phải để khán giả hiểu cái ác”
Nhìn nhận chung về nội dung phim truyền hình trong thời gian qua, diễn viên Minh Tiệp cho rằng các êkíp đang làm tốt vì tiệm cận với đời sống. Cũng chính vì thế, chúng được đón nhận. Trong 3 phim gần nhất Minh Tiệp tham gia (gồm Quỳnh búp bê, Những ngày không quên, Sinh tử), anh đều đóng vai phản diện, và đều đi tù.
Diễn viên Minh Tiệp
Hiện, nam diễn viên đang công tác tại Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, vì thế nhiều người đặt dấu hỏi về sự lựa chọn này của anh. Anh nói trước hết, diễn viên chỉ là “đạo cụ” để đạo diễn kể chuyện. Việc đóng một vai xấu, sống đời sống của một tội phạm không khiến anh biến chất. Anh tin khán giả khi tiếp nhận cũng như thế, đặc biệt với người trên 18 tuổi đã đủ năng lực nhận thức. Anh tin vào trình độ tri thức, mặt bằng văn hoá của khán giả hiện tại cũng đã trở thành bộ lọc cho chính họ, bên cạnh khâu kiểm duyệt đến từ các cơ quan chuyên môn cũng như sự cân nhắc, quan điểm thẩm mỹ, tư duy của nghệ sĩ, nhà sản xuất (NSX).
Nam diễn viên cho biết khi thực hiện phim Quỳnh búp bê, NSX, đạo diễn đã rất hạn chế đưa những điều tiêu cực lên phim. Tiếp theo, anh cho rằng nếu không có cái xấu thì làm sao có thể làm nổi bật cái tốt trong xã hội.
Nam diễn viên chia sẻ: “Để nâng cao vai trò cái thiện thì ít nhất cũng phải nói để khán giả hiểu thế nào là cái ác. Đích cuối cùng với cả phim Việt, hay phim ảnh thế giới thì đa phần cái thiện đều thắng. Tôi luôn nhớ một câu nói của đạo diễn James Cameron: “Muốn nâng cao chân lý và cái tốt thì phải nói ra cái xấu trước”. Tôi cũng từng đóng 40 tập phim Cảnh sát hình sự, cho thấy tội phạm hung bạo thì sự hy sinh của người chiến sĩ công an lại càng được tô đậm. Thực tế, chuyện tốt trên phim vẫn rất nhiều, nhưng vì sao vẫn có tội phạm, người xấu. Mỗi vấn đề, chúng ta nên nhìn, phân tích ở nhiều mặt”.
Nam diễn viên lo ngại nếu cấm nhân vật, tình tiết phản diện thì liệu tương lai phim ảnh sẽ kể điều gì cho khán giả. Trong bối cảnh xác định điện ảnh không chỉ là ngành nghệ thuật mà còn là ngành công nghiệp văn hoá, nam diễn viên mong cơ quan quản lý có cái nhìn đúng, xác đáng hơn để đảm bảo lĩnh vực này được phát triển.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân: “Phát ngôn liên quan đến phim Người phán xử là hạn hẹp, quy chụp”
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho biết ông không được nghe ý kiến trực tiếp từ thiếu tướng Lê Tấn Tới trong cuộc họp góp ý Luật Điện ảnh (sửa đổi) nhưng qua báo chí, ông tỏ ra thất vọng.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân
“Khi tôi nghe được ý kiến cho rằng phim Người phán xử làm tăng tình trạng phạm tội, tôi thấy nhận định đó có phần hạn hẹp, quy chụp. Tôi nghĩ khi nói lên ý kiến đó, người phát ngôn cần có căn cứ, chứng minh xác đáng còn nếu không thì thật đáng buồn cho giới làm phim. Nước Mỹ và điện ảnh các nước phát triển làm phim về tội phạm, mặt tối của xã hội rất nhiều nhưng bao năm qua, tình hình xã hội ở nước họ có phức tạp hơn hay điện ảnh ở các quốc gia đó được ngợi khen vì có được tác phẩm hay?”, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân nhận định.
Ông cho rằng dòng phim về tội ác trên thế giới rất được ưa chuộng và các nhà làm phim hứng thú khi đi đến tận cùng một câu chuyện, làm ra một tác phẩm hay. Cuộc sống này muôn màu, muôn vẻ và nếu chỉ ngợi ca, không được khai thác các chủ đề bạo lực, tội phạm thì theo đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, e rằng cuộc sống ấy phiến diện, phi lý: “Phim được làm ra để người xem nhìn vào đó biết đâu là cái đẹp cần nhân rộng và đâu là điều xấu cần bài trừ. Mọi người đừng nghĩ rằng một bộ phim làm về tội phạm thì tình hình tội phạm gia tăng. Điều đó là sai lầm, khá đáng tiếc”.
Theo PNO