Ca sĩ Nathan Lee đăng ký độc quyền nhãn hiệu 'Cao Thái Sơn'

Đăng lúc: 9:58 am, Ngày 12/04/2022

Nathan Lee vừa đăng ký độc quyền nhãn hiệu "Cao Thái Sơn" cho các sản phẩm dịch vụ giải trí, biểu diễn… trong khi đây là tên của nam ca sĩ được nhiều khán giả biết đến.

Công báo sở hữu công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho thấy, nhãn hiệu "Cao Thái Sơn" được ca sĩ Nathan Lee (tên thật là Trương Triều Trúc Lân) đăng ký bảo hộ cho các sản phẩm dịch vụ thuộc nhóm 36 (mua bán bất động sản, môi giới bất động sản, quản lý bất động sản...); nhóm 41 (dịch vụ giải trí, biểu diễn nghệ thuật và trình diễn thời trang, sản xuất phim và chương trình truyền hình...) và nhóm 43 (dịch vụ nhà hàng ăn uống, dịch vụ quán cà phê, dịch vụ quán rượu...).
 
Theo khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi năm 2009), nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
 
Điều 72 của luật này quy định về điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ, bao gồm: dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc; có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác. Do đó, nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ có thể bao gồm cả tên cá nhân, tên cơ quan, tổ chức.
Ca sĩ Nathan Lee (phải) và Cao Thái Sơn
 
Theo luật sư Võ Đan Mạch, Giám đốc Công ty luật TNHH MTV Tapha, việc Nathan Lee lấy tên ca sĩ Cao Thái Sơn để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền có thể được Cục Sở hữu trí tuệ xem xét và cấp giấy chứng nhận.
 
Ông Mạch phân tích, muốn đăng ký nhãn hiệu, ngoài việc đáp ứng các điều kiện chung theo quy định tại Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ, còn phải không thuộc hai trường hợp "không được bảo hộ" quy định tại Điều 73 của luật này.
 
Thứ nhất, việc đăng ký nhãn hiệu là tên người có dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam và nước ngoài.
 
Thứ hai, có dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ.
 
"Nathan Lee đăng ký nhãn hiệu Cao Thái Sơn cho các nhóm sản phẩm dịch vụ của mình là không thuộc trường hợp thứ nhất, nên có thể được Cục Sở hữu trí tuệ xem xét và cấp giấy chứng nhận", luật sư Mạch nói. Tuy nhiên, anh này cũng có thể bị từ chối, đặc biệt là cho nhóm 41 (gồm các sản phẩm dịch vụ giải trí, biểu diễn nghệ thuật và trình diễn thời trang, sản xuất phim và chương trình truyền hình...) bởi đây là nhóm sản phẩm có liên quan mật thiết đến nghề nghiệp, sự nổi tiếng của ca sĩ Cao Thái Sơn.
 
"Nhãn hiệu này có thể làm cho người tiêu dùng, nhất là những người biết đến Cao Thái Sơn trong vai trò một ca sĩ nổi tiếng, có sự nhầm lẫn. Người ta có thể hiểu rằng các sản phẩm dịch vụ mà Nathan Lee đã đăng ký là thuộc về quyền sở hữu của Cao Thái Sơn", luật sư Mạch nêu quan điểm.
 
Ở vị trí Cao Thái Sơn, theo luật sư Mạch, nếu nam ca sĩ thấy tên mình bị đồng nghiệp lấy đi đăng ký nhãn hiệu sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân, thì có quyền phản đối với Cục Sở hữu trí tuệ, đề nghị không cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu này.
 
Quyền này được quy định tại Điều 112 Luật Sở hữu trí tuệ. Cụ thể là "kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp, đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đó". Ý kiến của người phản đối phải được lập thành văn bản kèm theo các tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh.
 
Hiện, đơn yêu cầu đăng ký nhãn hiệu nhãn hiệu "Cao Thái Sơn" của ca sĩ Nathan Lee được Cục Sở hữu trí tuệ xem xét theo quy định tại Điều 119 Luật Sở hữu trí tuệ. Tức là, trong vòng 9 tháng kể từ ngày đăng công báo, đơn yêu cầu đăng ký nhãn hiệu sẽ được chấp nhận nếu thoả mãn các điều kiện theo quy định của pháp luật. Cũng trong thời gian này, bên thứ ba có quyền được gửi đơn phản đối.
 
Tuy nhiên, trên thực tế thời gian được cấp bảo hộ nhãn hiệu có thể kéo dài hơn 9 tháng kể từ ngày công báo tùy vào tính chất, nội dung đăng ký.
 
Theo VnExpress