Khoảng 350.000 người Việt đang sống chung với ung thư

Đăng lúc: 7:49 am, Ngày 03/11/2023

Thông tin được PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K, cho biết tại Hội nghị Ung thư Việt - Pháp, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập bệnh viện, ngày 2/11.

Thống kê mới nhất của Globocan, Việt Nam ở vị trí thứ 90/185 quốc gia về tỷ lệ mắc mới ung thư, tăng 9 bậc so với năm 2018. Về tỷ lệ tử vong, Việt Nam xếp thứ 50/185, tăng 6 bậc. Ước tính mỗi năm Việt Nam ghi nhận hơn 182.000 ca mắc mới và hơn 122.000 ca tử vong do ung thư.
 
"Bệnh nhân ung thư ngày càng tăng và trẻ hóa, không chỉ tạo gánh nặng ở hiện tại mà còn tương lai, đòi hỏi các bác sĩ làm thế nào để chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh tốt hơn", ông Bình nói.
 
Khả năng khỏi bệnh và sống thêm của bệnh nhân ung thư phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như giai đoạn bệnh, sự đáp ứng điều trị, phối hợp của các phương pháp. Hiện, y học nhiều tiến bộ trong sàng lọc phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, nhưng nhiều bệnh nhân khám ở giai đoạn muộn khiến tỷ lệ tử vong cao.
Bệnh nhân xạ trị ung thư tại Bệnh viện K. Ảnh:Hà Trần.
 
Theo ông Bình, phát hiện ung thư sớm là vấn đề mang tính chiến lược quốc gia để phòng bệnh tốt, khám và sàng lọc bệnh sớm. Như để phòng ung thư gan, cần tiêm vaccine viêm gan B, sống lành mạnh, hạn chế rượu bia và thuốc lá. Phòng ung thư cổ tử cung bằng cách tiêm vacicne HPV, hoặc điều trị triệt để vi khuẩn HP để phòng ung thư dạ dày...
 
Nên tầm soát bệnh sớm, đặc biệt những người trên 40 tuổi, có tiền sử gia đình mắc ung thư. Các nhà khoa học thế giới ghi nhận hơn 200 loại ung thư. Trong đó, 5 loại ung thư thường gặp và để lại gánh nặng hiện nay là phổi, vú, dạ dày, đại trực tràng, gan. Vì vậy, theo ông Bình, cần tập trung sàng lọc, phát hiện sớm và phòng 5 bệnh này trước, sau đó đến các loại ung thư khác.
 
Điều trị ung thư phải kết hợp nhiều phương pháp như phẫu thuật, xạ trị, hóa chất và miễn dịch. Trong đó, miễn dịch là liệu pháp mới có nhiều triển vọng, nhiều bệnh nhân khỏi ung thư nhờ "vũ khí" này.
 
Theo VnExpress

Đọc thêm các bài khác