Hai bộ phim “City Lights” và “Modern Times” của Charlie Chaplin, từng bị Oscar loại khỏi vòng đề cử, nhiều năm sau đó được giới phê bình đánh giá là kiệt tác.
Không ít phim từng trượt đề cử trong lịch sử Oscar sau đó được nhìn nhận lại. Năm nay, phim trượt đề cử gây tranh luận gay gắt là The Lego Movie. Tác phẩm của hai nhà làm phim Phil Lord và Christopher Miller bị qua mặt bởi 5 phim How To Train Your Dragon 2, Song of the Sea, The Boxtrolls, Big Hero 6 và The Tale of Princess Kaguya, cho hạng mục Phim hoạt hình hay nhất. Ngoài ra, việc các tài tử Jake Gyllenhaal và David Oyelowa không được đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc cho hai phim Nightcrawler và Selma cũng được coi là đáng tiếc.
City Lights và Modern Times (Oscar 1932 và 1937)
Hai bộ phim này của danh hài Charlie Chaplin đều không nhận được đề cử Phim hay nhất của Oscar. City Lights bị đánh bại ở vòng đề cử Oscar 1932 bởi các phim khác là The Front Page, East Lynne, Skippy, Trader Horn và phim sau đó giành chiến thắng Cimarron. Còn những phim giờ đây bị cho là không thú vị bằng gồm The Great Ziegfeld, San Francisco và The Story of Louis Pasteur đã đánh bại Modern Times để lọt vào đề cử Oscar 1937.
Thập kỷ 1930 là thời kỳ đầu của phim tiếng. Phần lớn giới phê bình cho rằng các bộ phim câm của Charlie Chaplin đã lỗi thời và khó xem. Ngày nay, Modern Times và City Lights được xem là các câu chuyện cười về đô thị xuất sắc.
Bette Davis - Of Human Bondage (Oscar 1935)
Of Human Bondage (Phận người), dựa trên tiểu thuyết của Somerset Maugham, kể về một cô bồi bàn tinh quái trong mối tình bi kịch với một bác sĩ tương lai. Trong phim, Bette Davis hóa thân thành nữ diễn viên chính và được giới phê bình năm đó ca ngợi nhiệt liệt ở khả năng thể hiện xuất sắc mặt tối của nhân tính.
Tuy vậy, tên của Bette Davis không có trong danh sách khi các đề cử Nữ diễn viên chính xuất sắc được công bố. Hàng loạt thành viên Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ sau đó đã phẫn nộ tới mức viết hẳn tên của cô lên tờ bỏ phiếu riêng thay vì chọn một trong số 5 đề cử Viện đưa ra. Mặc dù được ủng hộ công khai bởi giới phê bình trong chiến dịch bất thường, Bette Davies cuối cùng vẫn để tuột mất giải Oscar về tay Claudette Colbert trong phim It Happened One Night.
Năm kế tiếp, Davis giành chiến thắng cho vai chính trong phim Dangerous và nhiều người cho rằng đây là cách Viện Hàn lâm vinh danh lại vai diễn của cô trong Of Human Bondage.
Orson Welles - The Magnificent Ambersons (Oscar 1943)
Sau khi hoàn thành kiệt tác Citizen Kane, đạo diễn Orson Welles thực hiện The Magnificent Ambersons kể về chân dung ông trùm truyền thông nước Mỹ - William Randolph Hearst. Bộ phim gai góc kể nhiều góc khuất đời tư của nhân vật nổi tiếng sau đó đã phải dựng lại vì “quá đụng chạm”. Bản dựng lại vẫn được đánh giá là tác phẩm xuất sắc nhờ diễn xuất chân thực và quay phim có chiều sâu ám ảnh.
Theo chia sẻ lại của nhà báo Christian Blauvelt trên BBC, ông trùm truyền thông Randolph Hearst hồi đó gây sức ép tới Viện Hàn lâm khiến Orson Welles bị bỏ qua ngay từ vòng đề cử. Thay vào đó, hai đạo diễn John Farrow của phim Wake Island và Sam Wood của Kings Row được ưu ái hơn.
Anthony Perkins - Psycho (Oscar 1961)
Psycho là bộ phim của đạo diễn bậc thầy Alfred Hitchcock ra đời năm 1960 với sự tham gia của tài tử lần đầu được phát hiện - Anthony Perkins. Khi danh sách đề cử Oscar 1961 được công bố, nhiều người ngạc nhiên vì tài tử Perkins bị bỏ qua. Trong Psycho, Anthony Perkins được người xem ca ngợi nhờ hóa thân thành một nhân vật phản diện thực sự khác thường. Dù trở thành tác phẩm ăn khách hiện tượng với công chúng năm đó, phim vẫn bị Viện Hàn lâm xa lánh vì cho rằng đây là tác phẩm kinh dị chiều theo thị hiếu.
Psycho ngày nay được đánh giá là kiệt tác, vai diễn của Anthony Perkins được nhìn nhận lại với diễn xuất đỉnh cao. Trường đoạn đặc sắc nhất là cảnh tên sát nhân của Anthony Perkins bước vào nhà tắm để hạ sát nạn nhân được giới phê bình ngày nay đánh giá kinh điển.
Alfred Hitchcock - Vertigo (Oscar 1959)
Năm 2012, bộ phim Vertigo được hàng trăm nhà phê bình và đạo diễn điện ảnh toàn cầu bình chọn trên tạp chí Sight & Sound là bộ phim xuất sắc mọi thời đại. Thế nhưng khi ra mắt hồi năm 1958, bộ phim gần như không hề được Viện Hàn lâm chú ý. Tác phẩm thậm chí tuột đề cử Phim hay nhất trước các bộ phim Separate Tables, Auntie Mame, The Defiant Ones, và Cat on a Hot Tin Roof and Gigi (giành giải sau đó).
Đạo diễn Alfred Hitchcock cũng bị đánh giá thấp hơn 5 nhà làm phim Mark Robson, Stanley Kramer, Robert Wise, Richard Brooks và Vincente Minnelli. Đến khi qua đời, Alfred Hitchcock không giành giải Oscar nào, trừ giải Cống hiến cuối đời. Ngày nay, ông được coi là một trong những nhà làm phim bậc thầy của Hollywood và thế giới.
Ennio Morricone - Once Upon a Time in the West (Oscar 1970)
Nhạc nền đậm chất Italy trong tác phẩm thuộc thể loại miền Tây - Once Upon a Time in the West, bắt đầu trở nên khác biệt sau khi phim diễn tiến hết một phần ba đầu. Càng vào giữa phim, nhạc càng thăng hoa với sự hòa trộn các hợp âm đỉnh cao trình diễn bởi đàn Violin và đàn Harmonica.
Thậm chí các giai điệu đàn Harmonica được đánh giá có vai trò lớn trong việc giúp người xem hiểu được chuyện phim. Thế nhưng, nhạc nền của phim đã không được đề cử Oscar. Nhiều người cho rằng nhạc nền cho phim The Secret of Santa Vittoria của soạn giả Ernest Gold được đề cử nhưng không xứng đáng bằng bản nhạc nền của Ennio Morricone.
Dennis Hopper - Blue Velvet (Oscar 1987)
Blue Velvet hiện nay được nhìn nhận tính cực trở lại, mặc dù bị không ít nhà phê bình chính thống thập kỷ 1980 chối bỏ. Khi ra mắt, bộ phim kinh dị và tâm lý của David Lynch giúp đẩy nam diễn viên Dennis Hopper đạt đỉnh cao sự nghiệp và không ít công chúng khẳng định tài tử nhất định sẽ có mặt trong danh sách đề cử Oscar.
Tuy vậy, Viện Hàn lâm Mỹ đánh giá vai diễn của Dennis Hopper trong phim này thấp hơn so với vai diễn huấn luyện viên bóng rổ của anh trong phim Hoosiers, ra mắt cùng năm. Giới chuyên môn sau đó nhìn nhận, sở dĩ Dennies Hopper không được đề cử Oscar cho phim Blue Velvet một phần không nhỏ bởi phim có nhiều cảnh tình dục và bạo lực trần trụi.
Stanley Kubrick - The Shining (Oscar 1981)
Trường hợp đạo diễn bậc thầy Stanley Kubrick và phim The Shining bị kỳ thị ở đề cử Oscar 1981 được tờ The Guardian đánh giá là ví dụ điển hình của việc giải thưởng Hàn lâm coi nhẹ thể loại phim kinh dị.
Kể từ khi làm Dr. Strangelove, đạo diễn Stanley Kubrick đều nhận được đề cử Oscar cho mỗi phim ra đời kế tiếp, trừ The Shining. Năm 1981, tài năng đạo diễn của ông trong phim này bị đánh giá thấp hơn cả nhà làm phim Richard Rush của phim The Stunt Man. Sau The Shining, đạo diễn Stanley Kubrick cũng không bao giờ được đánh giá cao với phim kinh dị, mặc dù các tác phẩm kinh dị của ông luôn được công chúng và giới phê bình ca ngợi rộng rãi.
Do the Right Thing (Oscar 1990)
Do the Right Thing ra đời năm 1989 và được xem là tác phẩm đột phá mô tả về mâu thuẫn sắc tộc ở Mỹ. Bộ phim từng được hai nhà phê bình gạo cội Gene Siskel và Roger Ebert xếp vào danh sách 10 phim hay nhất thập kỷ 1980. Thế nhưng, bộ phim thua các phim Dead Poets Society, My Left Foot, Born on the Fourth of July, Field of Dreams và Driving Miss Daisy để lọt vào danh sách đề cử chính thức của Oscar năm 1990.
Robert Redford - All Is Lost (Oscar 2014)
Nhà làm phim gạo cội Robert Redford được đánh giá cao với vai trò đạo diễn. Năm 1981, ông từng giành giải Oscar Đạo diễn xuất sắc cho phim Ordinary People, vượt qua Martin Scorsese cho phim Raging Bull.
Năm 2014, ông được công chúng cho là bị bỏ qua đáng tiếc ở giải thưởng Viện Hàn lâm cho phim All Is Lost. Trong phim này, ông đóng vai trò là diễn viên chính và là diễn viên duy nhất trong toàn phim.
Hóa thân của Robert Redford thành một người đàn ông bị lạc ở biển được đánh giá lột tả đầy đủ cung bậc cảm xúc của con người bằng cách tinh tế. Thế nhưng, Viện Hàn lâm đã lựa chọn vào đề cử hai tài tử gạo cội khác mà không được công chúng đánh giá cao bằng: Bruce Dern trong Nebraska và Christian Bale trong American Hustle.
Theo Vũ Văn Việt/VnExpress