Sau hơn 6 tháng phát sóng, chương trình Tìm kiếm tài năng - Vietnam’s Got Talent mùa 3 khép lại vào tối qua 5/4. Trong top 4 Gala chung kết, xét theo tính chất lẫn tiêu chí cuộc thi, tiết mục nào đoạt giải cũng “được lòng” người xem.
Qua 2 kỳ tổ chức, Vietnam’s Got Talent mùa 3 đã cố gắng “làm mới” bằng nhiều hình thức: bổ sung giám khảo Hoài Linh - danh hài nổi tiếng với lượng fan khủng, mở rộng thêm đối tượng dự thi là người VN đang sinh sống ở nước ngoài hoặc người nước ngoài đang cư trú tại VN, thêm quyền cho giám khảo: có thể chọn thí sinh vào thẳng bán kết.
Lặng lẽ tài năng, ồn ào sự cố
Và quả thực, sự có mặt của nghệ sĩ Hoài Linh ngay từ đêm đầu tiên phát sóng đã gây sốc với khán giả, không phải vì sự mới lạ của anh trên ghế nóng sân chơi này, mà bởi anh đã dùng đặc quyền của mình để cho thí sinh Bùi Văn Tự vào thẳng bán kết với màn vẽ tranh được cho là “thường thường bậc trung”. Tuy nhiên gần đến chặng cuối cùng, ở đêm thi bán kết 6, chính Hoài Linh đã xin lỗi và loại “nút vàng” (thí sinh đã chọn trước đây) của mình để lựa nhân vật khác vào chung kết - nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương.
Trải qua 2 mùa khá bình lặng, có thể nói chương trình như “bắt được vàng” khi tìm kiếm được tài năng nhí Đức Vĩnh trong mùa thứ 3 này. Sau đêm phát sóng thứ 2, tiết mục Thị Mầu lên chùa của cậu bé 8 tuổi trở thành clip được truyền tải và chia sẻ rầm rộ trong cộng đồng mạng (hơn 1 triệu lượt xem). Cả giám khảo và khán giả đều ngưỡng mộ tài năng nhí này, sau khi xem (các tiết mục đều giả gái) lẫn nghe em tiết lộ về niềm đam mê với dòng nhạc quê hương - dân ca quan họ Bắc Ninh. Cũng từ vòng loại sân khấu, nhắc đến Đức Vĩnh, khán giả ưu ái gọi em bằng cái tên Thị Mầu.
Đức Vĩnh với trích đoạn tuồng Ông già cõng vợ đi xem hội trở thành quán quân Vietnam’s Got Talent mùa 3 cùng giải thưởng 500 triệu đồng - Ảnh: Ân Nguyễn
Không chỉ vậy, em trở thành một trong những nhân vật đắt show truyền hình dịp tết vừa qua. Dẫu liên tục nhận được những lời ngợi khen, thán phục từ giám khảo lẫn người xem (qua các bình luận trên YouTube, Facebook, trang web chương trình), song trong những nhận xét ấy, có không ít trăn trở, chẳng hạn: “Cậu bé rất giỏi, không chỉ hát tốt mà còn có năng khiếu biểu diễn sân khấu. Tuy nhiên, đừng bơm vào đầu óc trẻ thơ sự tự mãn quá sớm. Cậu bé cần được đào tạo bài bản để phát huy hết tiềm năng”, hay “Giả gái và biểu diễn hay, đạt đến mức ai cũng nhầm tưởng, đó là một tài năng, nhưng nếu sau cuộc thi, tài năng ấy không được phát triển đúng hướng, hoặc khả năng giả gái bị lạm dụng thì rất dễ lệch lạc giới tính”...
Trong hơn 6 tháng phát sóng, ngoài những đêm có Đức Vĩnh dự thi, có thể nói Vietnam‘s Got Talent là chương trình “lặng lẽ” nhất so với hàng loạt chương trình truyền hình thực tế khác cùng thời điểm. Cho đến đêm bán kết 4, với sự cố uống nhầm a xít của Tấn Phát, cuộc thi mới trở nên “ồn ào”, công chúng mới bắt đầu xôn xao để chờ xem kết quả. Rồi Tấn Phát rớt, những tiết mục thi thố có tính chất nguy hiểm, may rủi tương tự cũng loại dần. Chương trình im ắng trở lại. Sân khấu của tìm kiếm tài năng chỉ còn ca hát, nhảy múa, hài kịch và trình diễn nghệ thuật... bình thường, có thể thấy ở bất kỳ cuộc thi nào.
Ai cũng thể hiện được “tài năng”
Sở dĩ, Vietnam’s Got Talent kém hấp dẫn (ngay cả mùa đầu tiên phát sóng cũng vậy), là vì tài năng mà chương trình tìm kiếm có thể thấy ở nhiều cuộc thi chuyên biệt khác (Giọng hát Việt lớn và nhí, Thử thách cùng bước nhảy, Đồ Rê Mí, Người bí ẩn, X-Factor...). Bên cạnh đó, ngoài tính giải trí mà các thí sinh mang đến trong tiết mục của mình, những nhân vật được tuyển còn “gánh nặng” cả tính nhân văn mà chương trình hướng đến. Bởi theo tiêu chí tuyển chọn, Vietnam’s Got Talent không chỉ là cuộc thi, chương trình giải trí, mà còn mang giá trị nhân văn: khích lệ những người VN bình thường với nỗ lực, nhiệt huyết và tài năng có cơ hội thể hiện bản thân.
Chính vì thế, chỉ có ở sân chơi này người xem mới có dịp nhìn thấy ông bán kẹo kéo, anh thợ cắt tóc quen thuộc khu phố mình lên ti vi; hay nhóm trẻ mồ côi, nhóm violon làng Then toàn những người cao tuổi, những nhà giáo về hưu hay các cô nội trợ... lần đầu tiên trong đời thể hiện sự tự tin trước công chúng với năng khiếu tay trái của mình. Cũng vì sự đa dạng trong các thể loại dự thi, và vì những câu chuyện của các nhân vật “vượt khó”, “đáng khích lệ” đằng sau những bài biểu diễn, nên rất dễ thấy sự bối rối của giám khảo khi phải “chọn ai” sau mỗi vòng thi, nhất là ở 2 đêm chung kết vừa qua. Cả nghệ sĩ Thành Lộc hay MC Thúy Hạnh đều chia sẻ “rất đau đầu lựa chọn”, “bỏ ai cũng thấy tiếc”.
Nhưng, nếu theo dõi chương trình sau 3 mùa diễn ra, thì hầu hết các tài năng mà Vietnam’s Got Talent tìm kiếm đều chưa thực sự thuyết phục người xem, mà chỉ dừng lại ở sự “đặc biệt, khác thường”. Ngay cả hoạt động của những quán quân hay top 4 từ cuộc thi này cũng lép vế hơn so với những người đăng quang cuộc thi khác sau khi chương trình kết thúc.
Giữa muôn trùng chương trình tìm kiếm tài năng, việc giữ một sân chơi khuyến khích những người bình thường nhất mạnh dạn thể hiện khả năng của mình như Vietnam’s Got Talent vẫn đáng được ủng hộ, giá như tên gọi của nó không “cao siêu”: Tìm kiếm tài năng Việt.
Theo Nguyên Vân/Thanh niên