Sitcom Việt vẫn nửa nạc nửa mỡ

Đăng lúc: 10:55 am, Ngày 30/10/2016

Khi truyền hình tràn ngập game show, truyền hình thực tế, phim truyền hình Việt dần rơi vào lối mòn, nhiều nhà sản xuất trở lại phim sitcom. Liệu sitcom có phải là thể loại cứu được rating cho các nhà đài hay không?

Phim sitcom (Situation Comedy - hài tình huống) thật ra không mới với khán giả lẫn truyền hình Việt. Bởi từ hơn 10 năm trước, cùng làn sóng phim truyền hình Hàn Quốc thì nhiều sêri sitcom Hàn Quốc được mua bản quyền sản xuất lại phiên bản Việt.
 
Hơn 10 năm sitcom
 
Nổi bật trong làn sóng sitcom Hàn Quốc phiên bản Việt có: Lẵng hoa tình yêu do Đài Truyền hình TP.HCM hợp tác cùng FNC (Hàn Quốc) sản xuất; tiếp theo là những sêri phim cũng mua bản quyền từ nước ngoài để sản xuất phiên bản Việt: Cô gái xấu xí, Những người độc thân vui vẻ, Nhật ký Vàng Anh… Tuy nhiên, trong các sêri này ngoài Nhật ký Vàng Anh thì chỉ có Cô gái xấu xí tạo được dấu ấn trong lòng khán giả. Từ Cô gái xấu xí mà nhà sản xuất BHD bắt đầu được các nhà đài chú ý để “giao phó” những chương trình truyền hình cũng như sản xuất phim điện ảnh.
 
Sau các sêri với bản quyền nước ngoài, những nhà làm phim Việt bắt đầu quen thuộc với thể loại sitcom để có thể tự viết kịch bản và sản xuất như Camera công sở, Bộ tứ 10A8, Những phóng viên vui nhộn… Trong đó nổi lên những cái tên trẻ măng từ êkíp Namcito Creative với hàng loạt sêri: Bộ tứ 10A8, Những phóng viên vui nhộn, Tiệm bánh hoàng tử bé, Căn hộ 69, Mùa oải hương năm ấy… Namcito cũng là người đầu tiên sáng tạo ra khung sitcom 10 phút/tập trên VTV, bỏ qua chuẩn sitcom đúng 25 phút/tập như sitcom Mỹ.
 
Chỉ là sitcom cho giới trẻ

Sau thành công ở sitcom, êkíp Namcito đã chuyển sang làm phim điện ảnh, sitcom trên các kênh VTV, HTV, đặc biệt là kênh cho giới trẻ VTV6 gần như mất hút. Sitcom rơi vào việc phát hành trực tuyến qua YouTube với kiểu tự sản xuất, cho đến khoảng hai năm nay YanTV nhảy vào thực hiện những sêri sitcom dành cho giới trẻ. Trong đó hiệu ứng khán giả tốt nhất vẫn thuộc về sêri Chiến dịch chống ế. Sau sêri này, YanTV là một đơn vị được chọn mặt đặt tên mỗi khi nhắc đến những loạt sitcom về giới trẻ, xã hội hiện đại như 14 ngày đấu trí, Học viện teen cứng, Rắc rối là chuyện nhỏ… Và mới nhất là sêri Nhà là để trọ vừa phát sóng trong tuần qua. YanTV cũng đang trong kế hoạch sản xuất sêri Cuộc chiến các nàng mèo, Nhà là để trọ (phần 2) và Chiến dịch chống ế (phần 3).
Cảnh trong sitcom Chuyện gì đang xảy ra.

Qua thành công của Namcito hay YanTV, có thể thấy với sitcom thời gian qua mục tiêu vẫn chủ yếu dừng ở khán giả trẻ. Sitcom Việt chưa có những thành công ở các sêri dành cho khán giả lớn tuổi hơn hoặc số đông công chúng hơn. Và cho đến thời điểm hiện tại, sitcom lại trở thành một dòng phim để các nhà sản xuất nhảy vào nhằm “cứu rỗi” dòng phim truyền hình Việt đang bế tắc bởi thiếu hụt kịch bản, cắt giảm chi phí sản xuất. Một hàng dài danh sách phim sitcom đã và đang chuẩn bị lên sóng với rất nhiều tác phẩm khác nhau: Sắc màu phái đẹp, Phụ nữ là số 1 (VTV3), Xóm trọ vui nhộn (HTV9), Chuyện gì đang xảy ra (HTV7), Nè biết gì chưa?, Những bức tranh của bé Bơ (chuẩn bị phát sóng)... Tất cả phim này có thời lượng mỗi tập 20-30 phút.
 
Sitcom Việt chỉ là sitcom vỏ
 
Tất cả phim sitcom thời gian qua của Việt Nam dường vẫn chưa chạm đến được tiêu chuẩn cơ bản nhất của sitcom là quay, thu tiếng trực tiếp có khán giả tại trường quay. Sitcom Việt thời gian qua vẫn loay hoay với việc ghi hình, sau đó về hậu kỳ dựng và lồng tiếng. Chưa kể đến mỗi tập phim sitcom là mỗi câu chuyện có mở-kết, còn sitcom Việt hiện tại hết số phút kiểu sitcom (10, 20 hoặc 30 phút) thì cắt bụp bất kể câu chuyện trong tập phim đang đến đâu. Và cũng rất nhiều nhà sản xuất Việt mang tâm lý sitcom là một dạng kịch truyền hình, dễ làm với kinh phí thấp. Từ những điều đó mà sitcom Việt vẫn đang rơi vào tình trạng nửa nạc nửa mỡ; chỉ có vỏ mang tên sitcom, còn nội dung, phong cách, chuyện kể vẫn mang màu của phim truyền hình Việt hoặc những tiểu phẩm hài sân khấu.
 
Hiện tại các ông lớn trong ngành sản xuất truyền hình đều đang có kế hoạch lấn sân sản xuất sitcom đúng kiểu, tức sẽ thu tiếng trực tiếp với khán giả, có câu chuyện trong từng tập… Mới nhất là nhà sản xuất Điền Quân M&E đã tìm diễn viên cho sêri sitcom 208 tập Gia đình là số 1 được mua bản quyền từ sêri ăn khách Unstoppable High Kick! của Hàn Quốc. Gia đình là số 1 phiên bản Việt do đạo diễn Hồng Chi đảm nhận sẽ bấm máy vào đầu tháng 11 để lên sóng HTV7 vào tháng 1/2017 (phim phát trong 9 tháng). Cũng trong cuộc đua sitcom này còn có nhà sản xuất BHD với một dự án sitcom mua bản quyền của Mỹ sẽ lên sóng VTV3 trong năm 2017 (phim sẽ phát trong một năm) và nhà sản xuất Đông Tây Promotion cũng đang rục rịch cho một dự án sitcom khác.
 
Các nhà sản xuất lớn nhảy vào sitcom, chưa biết sản phẩm của họ sẽ đến đâu nhưng chí ít đó cũng là những quẫy cựa mang tính cứu rỗi cho truyền hình khi phim truyền hình đang trên bờ vực; game show, truyền hình thực tế đang rơi vào bão hòa.
 
Quỳnh Trang/Theo Pháp luật TP

Đọc thêm các bài khác