Các nhà chuyên môn cảnh báo năm 2017 và nhiều năm tiếp theo, sân khấu TP HCM vẫn cứ như hiện nay nếu không có giải pháp thay đổi.
Dự báo về hoạt động biểu diễn của sân khấu kịch tại TP HCM trong năm 2017, NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, lo ngại: “Các sân khấu không tích cực dàn dựng những vở tử tế, nghiêm túc thì tình trạng bấp bênh vẫn cứ tiếp tục”.
Hãy cạnh tranh thay vì đổ lỗi
Về thực trạng sân khấu kịch vắng khách, nghệ sĩ Trịnh Kim Chi, bà bầu Sân khấu Kịch Trịnh Kim Chi, cho rằng một phần do bị cạnh tranh khốc liệt từ các loại hình giải trí như game show truyền hình, rạp chiếu phim hiện đại nhưng quan trọng hơn là lực lượng diễn viên bị chi phối vì chạy sô đóng phim, làm giám khảo, tham gia các cuộc thi trên truyền hình...
“Chẳng còn ai chuyên tâm tập luyện. Thế nên, dù sân khấu kịch TP HCM vẫn sáng đèn nhưng kịch không còn thăng hoa như trước. Khán giả không còn xếp hàng mua vé đến xem kịch. Sân khấu kịch phải đợi khán giả, thậm chí mở màn trễ 10-15 phút để chờ bán từng tấm vé. Dự báo năm 2017, sân khấu kịch nếu không hợp đồng ký kết với nghệ sĩ thì sẽ lặp lại tình trạng này” - NSƯT Trịnh Kim Chi nhìn nhận.
Poster vở Kỳ án cung tâm kế của Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi.
Việc các nhà sản xuất chương trình game show, phim ảnh “tung lưới” vét gần hết những tên tuổi ăn khách của sân khấu với mức cát-sê cao ngất ngưởng đã khiến các sàn diễn kịch không còn năng lực cạnh tranh. Theo NSND Đoàn Dũng, nghệ sĩ ngôi sao bị khai thác quá nhiều trên các chương trình truyền hình nên họ không còn thời gian để đầu tư sáng tạo. Các game show vì vậy cứ na ná một màu, chọc cười “dở tệ”.
“Bộ Thông tin - Truyền thông và Ban Tuyên giáo cần vào cuộc, buộc các nhà sản xuất phải chịu sự kiểm duyệt, phúc khảo các tiểu phẩm hài trước khi phát sóng. Hiện nay, chỉ mỗi HTV làm được việc này, hội đồng phúc khảo được mời xem và góp ý, từ đó lọc bớt những trò vớ vẩn, lời xàm nhảm nhí khi lên sóng. Phải làm đồng bộ mới có thể chỉnh đốn chất lượng nghệ thuật. Tôi cho rằng năm 2017, sàn diễn sẽ thăng hoa nếu các cấp có thẩm quyền cùng quan tâm, phối hợp quản lý, đừng thả nổi như hiện nay” - NSND Đoàn Dũng bày tỏ.
Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM cho rằng các thương hiệu sân khấu cần có cái nhìn thấu đáo về thực trạng để hoạch định phương hướng, cách thức hoạt động của mình nhằm thu hút khán giả đến rạp. “Không thể cứ đổ lỗi cho truyền hình. Các game show, chương trình truyền hình thực tế đã thấy điểm yếu qua sự góp ý của công luận nên nhanh chóng điều chỉnh để ngày càng nâng cao chất lượng. Sàn diễn muốn cạnh tranh thì phải có sự đầu tư thỏa đáng” - NSND Trần Ngọc Giàu nhấn mạnh.
Phải tự cứu mình
Sau đợt tham gia Liên hoan Sân khấu quốc tế thử nghiệm lần III-2016 do Việt Nam đăng cai tại Hà Nội, nhiều đơn vị nghệ thuật ở TP HCM đã đúc kết tính thử nghiệm trong dàn dựng là chiếc chìa khóa mở cánh cửa thu hút giới trẻ. Đạo diễn trẻ Thái Kim Tùng dẫn chứng: “Vở Giấc mơ nhận được sự đồng cảm sâu sắc của người xem, nhất là giới trẻ. Điều này cho thấy vở diễn hôm nay đòi hỏi thủ pháp dàn dựng phải mới, hình thức và tiết tấu phải sinh động hơn thì mới có thể thu hút giới trẻ”.
Theo NSƯT đạo diễn Nguyễn Công Ninh, để đổi mới trong dàn dựng, trước tiên phải có nguồn kịch bản đúng tính chất thử nghiệm. Lâu nay, các đạo diễn làm thay công việc biên kịch nên khi tác giả viết vẫn cứ đặt mình ở trạng thái có người làm thay. Sàn diễn năm 2017 phải hội nhập với khu vực, nhạc kịch cũng cần phải mang tính thử nghiệm mới, để từ đó thu hút khán giả trẻ đến với những đề tài đương đại.
Về vở nhạc kịch, theo NSND Hồng Vân, sẽ phải kết hợp với hài kịch mới tạo nên sức hấp dẫn cho thể loại này. Vở nhạc kịch Tấm Cám của đạo diễn Nguyễn Khắc Duy công diễn trong năm qua có sự xuất hiện của nghệ sĩ Tấn Beo đã tạo một sức hút mới mẻ. “Theo tôi, sẽ có thêm thị phần để nghệ sĩ hài nâng cao giá trị của mình khi họ tham gia các vở nhạc kịch trong năm 2017” - bà bầu Sân khấu Kịch Phú Nhuận nhận định.
Cảnh trong vở nhạc kich Tấm Cám của đạo diễn Nguyễn Khắc Duy.
Đạo diễn Lê Nguyên Đạt cho rằng sân khấu năm 2017 cần sự hợp lực. Khi được Hội Sân khấu TP HCM đứng ra chủ trì, quy tụ các cây bút, tổ chức những “phiên chợ kịch bản” để các sân khấu cùng nhau trao đổi, đặt hàng sẽ tạo nguồn kịch bản mang tính định hướng. Mô hình trại sáng tác thì quá cũ, cứ đi một nhóm viết theo chủ đề đưa ra. Khi sản phẩm chào hàng, các sân khấu đều lắc đầu vì khó đưa đến khán giả.
Cải lương cần đổi mới
Sau khi được điều chỉnh vài hạng mục, Rạp Hưng Đạo mới đã khai trương từ tối 29/12/2016 với vở cải lương Hồn ma báo oán của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Sau vở này, kịch bản Hiu hiu gió bấc - dựa theo tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, được soạn giả Hoàng Song Việt chuyển thể, đạo diễn Phan Quốc Kiệt dàn dựng - sẽ công diễn tại đây, hứa hẹn thu hút người xem.
Theo NSND Ngọc Giàu, để cải lương thoát khỏi tình trạng nhàm chán thì phải đổi mới chứ không thể như cũ. “Giữ chất mượt mà, sâu lắng của cải lương nhưng hình thức dàn dựng phải cuốn hút. Qua nhiều đợt thử nghiệm, cái đọng lại chính là ca hay, trẻ trung và câu chuyện mang tính nhân nghĩa ở đời. Đừng đi quá xa, bắt cải lương chở quá nặng những điều lớn lao thì e khán giả không đến rạp” - NSND Ngọc Giàu góp ý.
Thanh Hiệp/Theo Người lao động