Những thương hiệu bom tấn Hollywood bị phá hỏng

Đăng lúc: 9:00 am, Ngày 24/07/2017

“Transformers: The Last Knight”, “Terminator: Genisys”, “The Amazing Spider-Man 2”, “Batman & Robin”… là những bộ phim thất bại và khiến cả thương hiệu rơi vào tình thế lao đao.

Transformers: The Last Knight (2017): Kịch bản chưa bao giờ là thế mạnh của Transformers. Song, đến phần năm, dường như khán giả đã không còn chịu nổi “mớ hổ lốn” mà Michael Bay đem lại, bất chấp phần kỹ xảo mãn nhãn. Sau gần một tháng trình chiếu, phim mới thu 520 triệu USD, và thậm chí còn bị ghẻ lạnh tại thị trường “ruột” Trung Quốc. Tuy nhiên, Paramount vẫn đang ấp ủ thực hiện tiếp phần sáu, cũng như tập ngoại truyện về Bumblebee. 
Fantastic Four (2015): Sau khi X-Men liên tiếp gặt hái thành công khi tái khởi động thương hiệu bằng dàn diễn viên trẻ trung ở First Class (2011) và Days of Future Past (2014), Fox áp dụng chiến lược tương tự cho Bộ tứ siêu đẳng. Song, chất lượng của phiên bản 2015 rơi vào hàng thảm họa, thậm chí còn kém cả bản ra mắt trước đó 10 năm. Tranh cãi giữa đạo diễn Josh Trank và các nhà sản xuất đã khiến Fantastic Four trở nên rời rạc, khô khan và hứng chịu thất bại nặng nề. Hiện chưa rõ Fox sẽ làm gì tiếp với Bộ tứ Siêu đẳng. 
Terminator: Genisys (2015): Phần năm của Kẻ hủy diệt đồng thời là tác phẩm tái khởi động thương hiệu, vạch ra dòng thời gian hoàn toàn mới. Arnold Schwarzenegger tiếp tục sắm vai người máy T-800, nhưng nay trở về quá khứ để bảo vệ Sarah Connor (Emilia Clarke) thay vì tiêu diệt cô. Oái oăm thay, kẻ thù của họ lại chính là John Connor (Jason Clarke) sau khi người hùng nhân loại bị Skynet thao túng. Nhưng sự thay đổi ấy khiến toàn bộ thương hiệu trở nên vô lý về nội dung và không được người xem hưởng ứng. Kế hoạch thực hiện ba tập phim mới theo đó đổ bể, và có tin đồn cho rằng đạo diễn James Cameron sẽ làm phần cuối sau khi bản quyền Kẻ hủy diệt trở về tay ông vào năm 2019.
The Amazing Spider-Man 2 (2014): Andrew Garfield tuy rất nỗ lực nhưng không thể vượt qua cái bóng của Tobey Maguire khi vào vai Người Nhện. Chưa kể, The Amazing Spider-Man 2 sở hữu phần nội dung lủng củng không kém Spider-Man 3 (2006), dù kết lại bằng một khoảnh khắc rất xúc động. Người xem hờ hững với bom tấn, và khiến Sony buộc phải dẹp bỏ toàn bộ thương hiệu. Cuối cùng, họ quyết định bắt tay với Marvel Studios để đưa Spider-Man vào Vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU). Và thành quả chính là Spider-Man: Homecoming (2017) với ngôi sao trẻ Tom Holland. 
The Green Lantern (2011): Trước khi gặt hái thành công với Deadpool (2016), tài tử Ryan Reynolds từng hứng chịu vô số chỉ trích khi hóa thân thành siêu anh hùng Green Lantern trong bộ phim cùng tên của DC và Warner Bros. Giới phê bình và khán giả chê bai từ kỹ xảo, kịch bản, cho tới các pha hành động của bộ phim. Có kinh phí sản xuất 200 triệu USD, tác phẩm siêu anh hùng rốt cuộc chỉ thu 220 triệu USD và khiến thương hiệu đổ bể. Green Lantern chắc chắn sẽ có diện mạo mới khi DCEU mở rộng. 
The Mummy: Tomb of the Dragon Emperor (2008): Ra đời năm 1999, The Mummy - Xác ướp Ai Cập gặt hái thành công cả về doanh thu lẫn chất lượng, và sau đó được “bật đèn xanh” làm thêm hai tập nữa. The Mummy Returns (2001) vẫn hấp dẫn, nhưng Tomb of the Dragon Emperor (2008) thì không. Dự án có lẽ thất bại từ khi chưa ra mắt khi thay thế Rachel Weisz bằng Maria Bello cho vai nữ chính. Câu chuyện về lăng mộ của Tần Thủy Hoàng không thực sự hấp dẫn, và ngay cả sự góp mặt của Lý Liên Kiệt cũng không thể cứu vãn dự án. Đáng buồn thay, phiên bản tái khởi động Xác ướp Ai Cập và mở đầu Dark Universe của Tom Cruise mới ra mắt hồi tháng 6 cũng không khá khẩm hơn là bao. 
Charlie’s Angels: Full Throttle (2003): Phiên bản điện ảnh của Những thiên thần của Charlie có khởi đầu hứa hẹn vào năm 2000, nhưng cuối cùng không thể thoát khỏi lời nguyền “phần sau dở hơn phần trước” tại Hollywood. Những pha hài hước gượng gạo, nhiều màn hành động phi lý đến mức nhạt nhẽo khiến Full Throttle bị khán giả chỉ trích gay gắt. Bộ ba Drew Barrymore, Cameron Diaz và Lucy Liu sau đó không còn cơ hội tái hợp trên màn ảnh. Một phiên bản mới của Charlie’s Angels dự kiến ra mắt vào năm 2019 dưới bàn tay nhào nặn của Elizabeth Banks. 
Batman & Robin (1997): Sự ngờ nghệch về mặt nội dung đã biến Batman & Robin trở thành điểm đáy của thương hiệu phim Người Dơi nói riêng, và dòng phim siêu anh hùng nói chung tại thời điểm năm 1997. Bộ phim gần như không có điểm cộng, và bị các fan của người hùng Gotham ghét bỏ. Phải sau đó tám năm, Batman mới có màn “hồi sinh” mạnh mẽ qua Batman Begins (2005) của đạo diễn Christopher Nolan. 
Alien: Resurrection (1997): Thương hiệu Alien luôn giúp Fox hái ra tiền, nhưng họ thực sự đã “cố quá” với phần bốn - Alien: Resurrection. Chuyện phim diễn ra sau tập ba khoảng 200 năm, chứa đựng những tình tiết đi khá xa nguyên tác. Bản thân Joss Whedon - tác giả The Avengers (2012) và biên kịch của Alien: Resurrection - cũng không muốn nhắc lại “kỷ niệm buồn” của sự nghiệp. Đến năm 2012, đạo diễn Ridley Scott thực hiện phần tiền truyện Prometheus. Ông mới cho ra đời tiếp Alien: Covenant hồi tháng 6, nhưng tác phẩm gây chia rẽ lớn trong cộng đồng fan và không đạt doanh thu ưng ý. 
The Next Karate Kid (1994): Bất chấp thất bại của phần ba, các nhà sản xuất vẫn muốn nối dài thương hiệu The Karate Kid. Họ cố gắng tạo ra bước đột phá khi trao vai chính cho nữ diễn viên Hilary Swank, nhưng đó không phải là điều công chúng mong muốn. Cộng thêm nội dung kịch bản đã rơi vào khuôn sáo, tập phim khiến thương hiệu chìm dần vào quên lãng. Phải tới năm 2010, khán giả mới được thưởng thức tập phim reboot của The Karate Kid với diễn xuất ấn tượng của Thành Long và Jaden Smith.
 
Ngọc Nhi/Theo Zing

Đọc thêm các bài khác