Hầu hết các vở cải lương được công diễn gần đây đều dựng lại từ kịch bản cũ như "Đời cô Lựu", "Xử án Phi Giao", "Đường gươm Nguyên Bá", "Thái hậu Dương Vân Nga"...
Những suất diễn của các vở này đều có đông khán giả, một phần vì tên tuổi diễn viên, nhưng phần quan trọng khác là do kịch bản cũ vốn đã tạo được dấu ấn, được yêu thích từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, cải lương muốn phát triển thì không thể cứ trông chờ vào các kịch bản cũ. Các ý kiến, tham luận ở Hội thảo khoa học Một thế kỷ hình thành, phát triển của nghệ thuật cải lương - Những vấn đề đặt ra và giải pháp phát triển diễn ra ở TP.HCM vừa qua đã nhấn mạnh về vấn đề này.
Việc thiếu vắng các kịch bản mới trên sân khấu cải lương hiện nay lý do chính là bởi bản thân các kịch bản mới chưa hay. Soạn giả Đăng Minh nhận định: “Lâu nay các tác giả cứ chuyển thể cải lương từ kịch nói, sách, mượn chuyện người đưa bài ca vào cho thành vở cải lương theo yêu cầu của nhà quản lý, của đạo diễn, thế thì làm sao bản sắc của tác giả cải lương đúng nghĩa được thể hiện? Đó cũng là một phần làm cho cải lương suy yếu”.
Các vở cải lương Đời cô Lựu, Thái hậu Dương Vân Nga thu hút khán giả vừa qua được dựng từ kịch bản cũ.
Nhạc sĩ Lê Thế Song cũng đồng quan điểm: “Từ nhãn quan của một người viết kịch bản, tôi nhận thấy một trong những nguyên nhân sa sút của cải lương đến từ khâu kịch bản. Một số kịch bản hiện nay được chuyển thể từ kịch bản văn học, nếu chuyển thể không tốt sẽ trở thành kịch hóa cải lương, vở diễn không đáp ứng những yêu cầu của ca diễn, từ đó đánh mất đặc điểm của cải lương vừa trữ tình, vừa kịch tính. Chọn kịch bản không kỹ dẫn đến việc đắp đầy bằng mảng miếng của đạo diễn, tác phẩm trở nên thiếu chân thực, thiếu logic, kết cấu chắp vá và lỏng lẻo”.
Tác giả Vương Huyền Cơ góp ý: “Trong các game show, thí sinh nói vài câu, miễn làm giám khảo cười đã được vài mươi triệu đồng thì tại sao chúng ta không dám trả 50 triệu đồng cho một kịch bản cải lương hay. Tôi tin chắc rằng với số tiền đó, tác giả sẵn sàng ngồi bên bàn viết hàng tháng trời để chăm bẵm cho đứa con tinh thần của mình”.
Cũng theo tác giả Vương Huyền Cơ, các sân khấu cải lương chuyên nghiệp mỗi năm chỉ cần làm 2 vở nhưng phải là tuyệt phẩm. Mỗi lần công diễn là một sự kiện văn hóa, là ngày hội của khán giả. Một vở diễn hay có thể thu hút công chúng nhiều năm liền.
NSND Giang Mạnh Hà cũng cho rằng: “Kịch bản cho cải lương 30 năm qua chưa có sự đột phá về thi pháp kịch, chưa phát hiện được tác giả trẻ, mới. Chính vì thế trong các cuộc thi, liên hoan, hội diễn có đến 70% vở chuyển thể từ kịch nói và các thể loại khác. Lực lượng tác giả am hiểu chuyên sâu viết về cải lương đang thiếu, mỏng là thực trạng đáng lo cho tương lai”.
Tố Tâm/Theo Thanh Niên